dd/mm/yyyy

Đây là cách lão nông miền sơn cước trở thành tỷ phú

Với bản tính cần cù, chịu thương, chịu khó, một lão nông ở miền sơn cước Sơn La đã “phất lên” thành tỷ phú nhờ trồng bạt ngàn cây ăn quả. Mô hình trồng cây ăn quả của lão nông này không chỉ tạo thu nhập ổn định cho gia đình mà còn trở thành nơi học hỏi kinh nghiệm của nhiều nông hộ khác trên địa bàn.

Một thời gian khó

Đó là ông Nguyễn Văn Binh – Chi hội trưởng chi hội nông dân bản Hua Đán (xã Tú Nang, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La). Với khoảng 20ha nhãn, trong đó có hơn 10 ha đã cho thu hoạch, mỗi năm ông Binh bán ra thị trường hàng trăm tấn nhãn tươi.

Ngồi đối diện với chúng tôi bên bộ bàn ghế cũ kĩ là một người đàn ông chất phác, tuổi ngoài 50, vóc người thấp đậm. Đó là chi hội trưởng nông dân bản Hua Đán Nguyễn Văn Binh. Rót chén nước mời khách, ông Binh chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về quãng đời gian khó của ông trước khi "phất lên" thành tỷ phú.

Trồng 20ha cây ăn quả, lão nông miền sơn cước thành tỷ phú - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Binh trồng cây ăn quả từ năm 1997, trong đó nhãn là cây trồng chủ lực.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên) sau khi học hết cấp 2, chàng thanh niên Nguyễn Văn Binh lặn lội lên Lạng Sơn làm nghề đóng gạch thuê. Ròng rã 4 tháng trời lấm lem bùn đất, không được trả đồng công nào, ông ngậm ngùi trở về quê sau hành trình đi bộ gần 50km từ chỗ làm ra bến xe. Trên đường ra bến xe, ông và mấy anh em làm cùng phải mót khoai, sắn trên rừng để cầm cự.

"Sau bận đóng gạch thuê không công đó, năm 1984, tôi lên Sơn La xẻ gỗ thuê và làm nương thuê cho người dân bản địa. Làm được 2 năm, tôi lại quay xuống Quảng Ninh đóng gạch thuê. Bươn chải kiếm sống 10 năm ròng rã, vất vả ngược xuôi, đến năm 1993, tôi quyết định lên bản Hua Đán lập nghiệp. Ban đầu, tôi thuê đất nương của người dân trong bản để trồng ngô, trồng đậu tương. Vài năm sau, dành dụm được ít vốn tôi liền mua đất nương của người dân để sản xuất. Thế rồi, cứ có tiền tôi lại mua đất, đến nay gia đình tôi có trên dưới 30ha đất nương, vườn. Và giờ tôi trở thành một trong những người nhiều đất ở bản Hua Đán" – ông Binh chia sẻ.

Trồng 20ha cây ăn quả, lão nông miền sơn cước thành tỷ phú - Ảnh 2.

Hiện gia đình ông Binh có khoảng 20ha nhãn.

Năm 1997, ông Binh bắt đầu trồng nhãn. Khi đó ông trồng khoảng 4ha nhãn cỏ, với mục đích là giữ đất, chứ không nghĩ đến chuyện làm giàu từ cây ăn quả. Cũng chính vì suy nghĩ như vậy, nên ông không mấy quan tâm đến vườn nhãn, để cây nhãn phát triển tự nhiên, có quả thì thu hoạch, không có thì thôi. Đến năm 2000, ngoài sản xuất nông nghiệp, ông Binh mở thêm cửa hàng kinh doanh phân bón và hàng nông sản.

Thành tỷ phú nhờ trồng cây ăn quả

Năm 2011, ông Binh ghép cải tạo lại toàn bộ vườn nhãn cỏ của gia đình bằng giống nhãn miền thiết Hưng Yên. Đây cũng là năm phong trào ghép cải tạo vườn tạp ở huyện Yên Châu nói riêng, tỉnh Sơn La nói chung bắt đầu "nở rộ".

Trồng 20ha cây ăn quả, lão nông miền sơn cước thành tỷ phú - Ảnh 3.

Ông Binh xây bể nước trên núi để chủ động nguồn nước tưới cho đồi nhãn của gia đình.

"Thấy một số anh em mang giống nhãn miền ở quê (Hưng Yên – PV) lên ghép cho hiệu quả kinh tế cao, tôi cũng mạnh dạn học theo. Chỉ một năm sau khi ghép, vườn nhãn đã cho thu hoạch. Nhìn vườn nhãn quả sai trĩu cành, gia đình tôi ai cũng khấp khởi mừng thầm, đặt nhiều kỳ vọng vào một vụ mùa bội thu. Vụ đó, gia đình tôi thu hơn 20 tấn nhãn tươi. Bán ra thị trường với giá 17.000 đồng/kg, tôi thu hơn 300 triệu đồng. Lúc này tôi đã có cái nhìn khác về cây nhãn. Tôi mạnh dạn mở rộng diện tích trồng nhãn, mỗi năm vài héc ta. Đến nay, tổng diện tích trồng nhãn của gia đình đã lên đến hơn 20ha, trong đó có chừng 12ha đã cho sản phẩm" – ông Binh cho hay.

Vốn là con nhà nông nên ông Binh lúc nào cũng đau đáu suy nghĩ về đất. Ông thầm xót cho người dân bản địa khi thấy họ bỏ đất, không sản xuất. Tiếc rẻ nên mỗi khi dành dụm được ít tiền là ông lại đầu tư mua đất. Không tiếc công bới đất, lật cỏ, cải tạo nương đồi, ông Binh cần mẫn trồng nhãn và một số cây ăn quả khác.

Trồng 20ha cây ăn quả, lão nông miền sơn cước thành tỷ phú - Ảnh 4.

Mỗi năm, gia đình ông Binh bán ra thị trường hàng trăm tấn quả nhãn tươi.

Vừa trồng vừa rút kinh nghiệm, giờ ông Binh đã "nằm lòng" kĩ thuật trồng và chăm sóc nhãn. Nói đến kĩ thuật trồng, chăm sóc nhãn, giọng ông Binh hào hứng hẳn lên. Ông giải thích tường tận quy trình. Từ việc đào hố thế nào cho đảm bảo, cho đến việc bỏ phân, tỉa cành, tạo tán, phun thuốc ra làm sao để cây nhãn sinh trưởng, phát tốt đều được ông nói vanh vách, chẳng khác kĩ sư nông nghiệp là mấy.

Ông Binh bảo: Thời điểm trồng nhãn phù hợp nhất là vào mùa mưa. Trước mùa mưa nên tiến hành đào hố, kích thước 60x60 là hợp lý nhất. Sau khi đào hố xong thì bỏ phân chuồng trộn với ít lân, rồi phủ lớp đất lên. Chừng 1 tháng sau mới đưa cây xuống hố, nếu trồng ngay sau khi đào hố thì cây phát triển chậm. Khi đưa cây xuống hố phải đảo bảo được kích thước từ bầu lên miệng hố, cách chừng 10cm là tốt nhất. Sau khi trồng xong, nếu thời tiết nắng hạn thì phải tưới nước để giữ độ ẩm cho cây, có thế chúng mới sinh trưởng phát triển tốt.

Trồng 20ha cây ăn quả, lão nông miền sơn cước thành tỷ phú - Ảnh 5.

Hiện ông Binh là một trong những người có nhiều kinh nghiệm về trồng cây ăn quả, trong đó có cây nhãn.

Theo ông Binh, trồng nhãn ở khu vực miền núi như Sơn La thì bắt buộc phải bón phân theo định kì có mưa, chứ không bón theo độ tuổi của cây như ở những nơi khác. "Sau khi mưa xuống, tôi mới tiến hành cuốc đất xung quanh gốc rồi chôn phân. Đối với vườn nhãn đã cho sản phẩm, thì sau khi thu hoạch xong, phải cho chúng "ăn" phân ngay để cây nhãn sớm "hồi sức" sau thời gian nuôi quả. Lượng phân nhiều hay ít tùy thuộc vào độ tuổi của cây.

Ngoài chăm sóc, bón phân, phun thuốc xử lý mầm bệnh, tỉa cành, tạo tán, ông Binh đặc biệt quan tâm đến việc xử lý bằng cách khoanh cành để cây nhãn ra hoa theo ý muốn.

"Vào khoảng trung tuần tháng 11, tôi tiến hành khoanh cành nhãn, cành khỏe thì khoanh sâu, còn cành yếu thì khoanh nông. Khoanh cành có tác dụng hãm nước để cây phát triển từ từ, bắt đầu ra hoa vào tháng giêng âm lịch. Nếu không khoanh cành, cây nhãn bật lộc sớm hơn thì sẽ không có quả. Thời điểm lá nhãn ngả màu bánh tẻ thì tiến hành khoanh cành là tốt nhất. Khi cây ra hoa, đậu quả, tôi mới cho chúng "ăn" phân tiếp..." – ông Binh lý giải.

Không ngại khó, ngại khổ chăm sóc đồi nhãn đảm bảo đúng quy trình kĩ thuật, gần chục năm nay, năm nào ông Binh cũng thu được "quả ngọt". Với 12ha nhãn đã cho thu hoạch, năm 2020, gia đình ông thu hơn 150 tấn nhãn tươi. Vào vụ thu hoạch nhãn, thương lái đến tận vườn thu mua, với giá bình quân 16.000 đồng/kg, gia đình ông Binh thu hơn 2,4 tỷ đồng. Trừ chi phí, ông Binh lãi khoảng 1,5 tỷ đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Binh còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 8 lao động trong bản, trong xã.

Thanh Ngân