Đầu tư tiền tỷ, xe hút bụi chưa hiệu quả: Chủ tịch Hà Nội nêu lý do

Thành An Thứ tư, ngày 18/12/2019 11:19 AM (GMT+7)
Hà Nội nhập hơn 100 xe hút bụi với giá trị mỗi xe 1 tỷ đồng. Tuy nhiên Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung từng thừa nhận việc thu gom vận chuyển rác thải bằng xe, quét rác, hút bụi bằng xe,... "cũng chưa đảm bảo".
Bình luận 0

Những ngày qua, ô nhiễm không khí tại Hà Nội liên tục ở ngưỡng tím, thậm chí nhiều điểm đã chạm ngưỡng nâu, thậm chí nhiều chuyên gia khuyến cáo, người dân nên hạn chế ra ngoài.

3 năm không rửa đường

Ghi nhận của PV Dân Việt cho thấy, những ngày qua, công trình xây dựng thi công lộ thiên bên đường Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm) hoạt động ngày đêm với máy xúc, máy đào liên tục san ủi đất.

Tại đường Đại lộ Thăng Long, công trường mở rộng tuyến đường này cũng xảy ra tình trạng tương tự, không có sự che chắn, máy móc hoạt động liên tục, thậm chí các nhân công dùng máy công suất lớn thổi bụi để làm sạch mặt bằng, gây bụi mù mịt, trong khi người dân đi lại ngay sát đó.

Dọc đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), nhiều đoạn đường bị đào lên, vật liệu xây dựng được để tạm dưới lòng đường, vỉa hè. Đặc biệt, đoạn đường Vũ Trọng Phụng đang giải phóng mặt bằng, nhiều khu vực tập kết cả bãi vật liệu lớn trên vỉa hè. Mỗi cơn gió thổi qua, bụi bay mù mịt. Trên đường Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa), một đoạn dài bị cào mặt nhựa để chuẩn bị làm lại, phương tiện qua lại khiến bụi bay mù mịt. 

img

Nhân công thi công mở rộng đường Đại lộ Thăng Long dùng máy công suất lớn thổi bụi để làm sạch mặt bằng, gây bụi mù mịt, trong khi người dân đi lại cạnh đó. (Ảnh: T.An)

"Trước đây có xe rửa đường tôi thấy rất thiết thực, đặc biệt trong việc chống bụi. Song, đã lâu không còn nhìn thấy loại xe này hoạt động nữa, người dân phải tự chống bụi bằng cách lấy nước trong nhà phun ra ngoài đường. Nhưng cũng chỉ được một lúc, bởi đường khô thì bụi lại quẩn lên còn nhiều hơn trước”, ông Nguyễn Văn Mạnh (quận Đống Đa) chia sẻ.

Chính quyền TP.Hà Nội cũng thừa nhận ba năm qua thành phố dừng hoàn toàn việc rửa đường, thay thế bằng loạt xe quét hút hiện đại. Thế nhưng, xe quét hút vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả, ô nhiễm bụi ngày càng gia tăng.

Người dân trên đường Lê Đức Thọ (Nam Từ Liêm) thường xuyên ghi lại hình ảnh chiếc xe quét hút đi dọc dải phân cách trên đường. Xe đi đến đâu, bụi hút từ dưới phun ra phía sau mù mịt “phả” vào người đi đường.

Trước tình hình trên, ông Mai Trọng Thái - Chi Cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường Hà Nội (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho biết: Mới đây (tháng 3/2019), Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã cho phép công ty môi trường khởi động lại việc tưới nước rửa đường khi thời tiết hanh khô, nhiệt độ cao gây ra nhiều bụi.

Tuy nhiên, rất hiếm khi người dân còn thấy những chiếc xe đi tưới nước rửa đường trên các tuyến phố của Hà Nội, trong khi chất lượng không khí ở Hà Nội đang rất xấu, các tuyến đường bám đầy bụi.

Xe hút bụi không hiệu quả

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, mỗi năm trung bình thành phố mất khoảng 70 tỷ đồng cho việc tưới nước rửa đường. Để tiết kiệm số tiền này, năm 2016, Hà Nội đã nhập hơn 100 xe hút bụi, quét rác từ Đức. Theo đó, mỗi chiếc xe này có giá 1 tỷ đồng, hút được khoảng 1,5m3 bụi, rác mỗi ngày. Mỗi xe có công suất bằng 12 công nhân. 

img

img

Nhiều xe hút bụi được Hà Nội nhập từ Đức về hoạt động chưa đúng "kỹ thuật" gây ảnh hưởng đến môi trường. (Ảnh: Dân Việt)

Việc rửa đường được Hà Nội “cắt” khỏi các danh mục đấu thầu dịch vụ công ích từ năm 2017. Một năm trước đó, dịch vụ công này cũng đã được yêu cầu tạm dừng, thay thế bằng máy quét hút. 

Trao đổi với cử tri Hà Nội mới đây, ông Nguyễn Đức Chung cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí. “Thành phố đang đồng bộ rất nhiều giải pháp để chống, phòng và tiến tới giảm dần, không còn ô nhiễm. Cái này đòi hỏi phải có thời gian, lộ trình và có kế hoạch khoa học”, ông Chung nói.

Ông Chung cho biết, từ nay đến hết tháng 6/2020, sẽ cố gắng lắp đặt khoảng 120 trạm quan trắc môi trường trên toàn thành phố, trong đó có 10 trạm di động, lắp đặt di động ở khu vực nào có ô nhiễm để xác định thông số. “Việc đầu tiên chúng ta phải có các trạm quan trắc thì mới đánh giá được mức độ ô nhiễm, nguồn gây ô nhiễm, đưa ra được các giải pháp có hiệu quả”, ông Chung nói.

Chỉ rõ các nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí ở Hà Nội, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho rằng. Nguyên nhân đầu tiên là khoảng 56.000 hộ gia đình đang sử dụng than tổ ong.

Nguyên nhân thứ hai là chất thải từ các nhà máy ở Hà Nội và trên địa bàn các tỉnh xung quanh Hà Nội; chất thải từ các xe máy, ô tô; các xe chở rác thải, vật liệu xây dựng từ các tòa nhà.

“Trong quá trình xây dựng các công trình, chúng ta quản lý không tốt, che chắn không tốt. Trong quá trình phá dỡ các tòa nhà cũng thế. Chúng tôi đã đi các nước, người ta vừa phá dỡ vừa phun nước, không có một tí bụi nào. Các công trình được che kín mít. Nhà hàng bên cạnh vẫn mở cửa được và nếu vi phạm bị phạt rất nặng”, ông Chung nói.

Đồng thời, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng kể ra các nguyên nhân như mùi hôi thối bốc lên từ nước thải từ các chuồng trại chăn nuôi, từ các con sông không được xử lý, rồi mùi từ các hố chôn lấp rác tập trung, người dân đốt rơm rạ, các vụ cháy…

img

Nhiều công trình xây dựng đang được triển khai trên địa bàn Hà Nội. (Ảnh: T.A)

Ông Chung nhấn mạnh, từ các nguyên nhân đó, thành phố đã có những giải pháp, một là thu gom vận chuyển rác thải bằng xe, quét rác, hút bụi bằng xe, nhưng mà cũng chưa đảm bảo. “Bởi xe này phải chạy với tốc độ phù hợp, phun nước ở trước rồi mới hút bụi, nhưng hiện nay lái xe cứ chạy vù vù, nước thì không phun nên chưa hút được hết”, ông Chung nói.

Theo ông Chung, TP.Hà Nội hiện cũng đầu tư 3 nhà máy đốt rác phát điện, dự kiến khoảng tháng 8/2020 nhà máy đầu tiên công suất 4 nghìn tấn/ngày đêm đi vào vận hành thử. Đầu tháng 12/2020 sẽ vận hành chính thức. Hà Nội cũng đang trồng thêm nhiều cây xanh, trồng rừng.  

Thành phố cũng đã hợp tác với các đơn vị và kêu gọi đầu tư. Tư nhân đã bỏ tiền ra nhập các thiết bị máy móc để phá dỡ các tòa nhà, nghiền vụn ra, lọc đất ra đất, cát ra cát, bê tông ra bê tông, hoàn toàn không có một tí bụi. Vật liệu này có thể tái sử dụng. Dù đã về hai năm nay nhưng chưa có chế tài bắt buộc các đơn vị khi phá dỡ phải chở vật liệu đến đây. Hai là bộ xây dựng chưa có quy định dùng lại các vật liệu tái tạo này cho nên chưa hiệu quả.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem