Đạo diễn Trần Lực: "Sân khấu nào không bán được vé thì nên xem lại mình"

Yên Phong Thứ bảy, ngày 30/10/2021 14:30 PM (GMT+7)
"Ta phải cạnh tranh bằng cách có sản phẩm hay. Những vở tôi làm tôi vẫn bán được vé. Chỗ nào không bán được thì tôi nghĩ nên xem lại mình, đừng đổ cho khán giả" - đạo diễn Trần Lực chia sẻ với Dân Việt.
Bình luận 0

Từ tháng 11/2021 đến tháng 3/2022, Nhà hát Tuổi trẻ và Viện Goethe sẽ lần lượt giới thiệu 6 tác phẩm sân khấu mới mẻ, mỗi tác phẩm sẽ là một cách diễn giải đặc biệt về "Antigone" – vở kịch được nhà viết kịch thời Hy Lạp cổ đại Sophocles viết cách đây khoảng 2.462 năm trước.

Giống như Kiều, Antigone là một phụ nữ xuất thân từ một gia đình gia giáo nhưng phải đưa ra các quyết định mang tính luân lý và phải gánh chịu hậu quả của hệ thống quyền lực trong xã hội thời ấy. Từ câu chuyện của mình, Antigone có thể vừa là tấm gương, cũng vừa là sự khơi gợi những suy ngẫm cho con người.

Đạo diễn Trần Lực: "Sân khấu nào không bán được vé thì nên xem lại mình" - Ảnh 1.

Đạo diễn Trần Lực. (Ảnh: FBNV)

Tham gia dự án lần này bao gồm các đạo diễn nổi tiếng như: Trần Lực, Bùi Như Lai, Hà Nguyên Long, Lê Thị Hòa An, nhà sáng tác đa phương tiện Hà Thúy Hằng, biên đạo Trần Minh Hải.

PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với đạo diễn Trần Lực về vở kịch "Antigone" cũng như tình yêu của anh dành cho sân khấu:

Phụ nữ hoàn toàn có thể làm việc lớn

Anh đã nhận lời mời tham gia dự án này từ khi nào, và cách tiếp cận của anh đối với vở kịch "Antigone" có gì đặc biệt?

- Tôi đã nhận lời mời từ đơn vị tổ chức từ năm ngoái, và nó ngay lập tức mang tới cho tôi nguồn cảm hứng đặc biệt. Thông qua vở diễn của mình, tôi muốn mang tới cho khán giả một câu chuyện xúc tích bằng cách xoáy vào 3 nhân vật: Antigone, Ismene và Creon. Antigone trong vở kịch của tôi là một người phụ nữ mạnh mẽ, cô ấy coi tình cảm là thứ đứng trên tất cả. Nhân vật nữ thứ hai là Ismene – người đàn bà sống cầu toàn, luôn khát khao hạnh phúc, hòa bình. Antigone và Ismene tuy là hai thực thể khác nhau, nhưng thực ra họ chập lại làm một.

Tôi xây dựng một sân khấu mộc mạc, dễ xem với khán giả. Vở kịch sử dụng phương pháp ước lệ biểu hiện, một nét đặc trưng của sân khấu phương Đông (trong các vở tuồng - chèo truyền thống). Tôi ấp ủ dự định làm một dự án kịch đặc sệt Việt Nam lâu rồi nhưng bây giờ mới làm được.

"Antigone" là một tác phẩm bi kịch cổ đại mà tôi nghĩ khán giả sẽ hào hứng khi tới xem. Sau khi trình diễn theo dự án của Viện Goethe, chúng tôi sẽ bán vé, để cho công chúng thực sự quan tâm có cơ hội thưởng thức.

Thông điệp anh muốn gửi gắm thông qua vở kịch "Antigone" là gì?

- Mục đích lớn nhất của tôi thông qua "Antigone" là cho mọi người thấy những người phụ nữ mạnh mẽ, khát khao trong cuộc sống. Phụ nữ không phải cứ gắn cuộc đời với bếp núc, họ hoàn toàn có thể làm việc lớn, miễn là họ dám nghĩ, dám làm.

Ngoài đời cũng vậy thôi, chúng ta luôn những bắt gặp những người đàn bà kiên định, quật cường, và đôi khi đàn ông còn yếu đuối, dễ tổn thương hơn họ.

Sau hơn 2000 năm, thế giới này vẫn chưa thực sự bình đẳng. Vấn đề bình đẳng giới không chỉ có ở Việt Nam mà còn hiện hữu ở nhiều nước trên thế giới. Thông điệp của tôi qua vở kịch này chính là: "Phụ nữ hãy cứ mạnh mẽ lên, khi bạn đã có quan điểm sống, quan điểm yêu, hãy thực hiện nó!".

Đạo diễn Trần Lực: "Sân khấu nào không bán được vé thì nên xem lại mình" - Ảnh 2.

Đạo diễn Trần Lực cùng các nghệ sĩ trong buổi họp báo công chiếu dự án "Antigone". (Ảnh: Viện Goethe)

Sử dụng phong cách ước lệ biểu hiện mang đậm chất truyền thống, anh có gặp khó khăn khi dựng vở?

- Vở kịch này thật ra rất hợp với phong cách ước lệ biểu hiện. Đây là một vở diễn bi tráng, mạnh mẽ, được đẩy tới tận cùng. Trong phong cách ước lệ biểu hiện cũng vậy, chỉ khi cảm xúc được gieo tới tận cùng, anh mới đẩy được ra những biểu hiện bên ngoài.

Dự án này có bị giới hạn về kinh phí và điều này có gây ra những khó khăn cho anh?

- Đương nhiên là có giới hạn, dự án nào cũng vậy. Tuy nhiên đó không phải là khó khăn, khó khăn nhất là sự tìm tòi, sáng tạo.

 "Nghệ thuật sân khấu luôn có sức hấp dẫn riêng biệt" 

Anh từng viết: "Nhà hát Lớn là thánh đường". Có lẽ, sau nhiều năm theo nghề và thành công cả ở lĩnh vực phim ảnh, sân khấu kịch vẫn là thứ anh gắn bó nhất?

- Đúng vậy. Sân khấu có sức hấp dẫn riêng. Nói tại sao thì vô cùng khó, chỉ khi chìm đắm vào không gian ấy, bạn mới thực sự cảm nhận được. Đương nhiên, điện ảnh cũng có những nét đẹp của nó, tôi nghĩ không nên so sánh.

Đạo diễn Trần Lực: "Sân khấu nào không bán được vé thì nên xem lại mình" - Ảnh 3.

Một cảnh trong vở kịch "Antigone" của đạo diễn Trần Lực. (Ảnh: Viện Goethe)

Nhiều nghệ sĩ bày tỏ nỗi buồn vì sân khấu kịch vắng bóng khán giả. Không ít người đã rời Nhà hát do những vở diễn hiu hắt người xem. Là một đạo diễn sân khấu, anh có buồn trước thực trạng đó?

- Đó là chuyện bình thường, có gì phải buồn. Đây đâu phải vở đầu tiên tôi làm, và chúng tôi luôn bán được vé. Khi anh có sản phẩm hay, người ta vẫn tới xem. Khán giả không bao giờ bỏ sân khấu cả, bởi chúng ta làm chán quá, khán giả mới bỏ đi.

Nghệ thuật sân khấu có sức hấp dẫn riêng biệt, như tôi đã nói ở trên, không loại hình nào khác có thể thay thế được. Đó là tính ước lệ cao, đó là những vấn đề xã hội được truyền tải mạnh mẽ, trực tiếp. Khán giả vào xem sẽ luôn cảm nhận được những vẻ đẹp riêng biệt đó.

Trong thời đại công nghệ phát triển, chúng ta phải cạnh tranh bằng cách có sản phẩm hay. Chỗ nào không bán được thì tôi nghĩ nên xem lại mình, đừng đổ cho khán giả. Đừng bao giờ cho rằng khán giả quay lưng, họ muốn xem chứ, vấn đề là anh có gì để cho người ta xem?.

Đó cũng là lý do tôi quay lại làm sân khấu và luôn cố gắng để mình không đi vào lối mòn.

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Đạo diễn Trần Lực sinh năm 1963, anh học Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội năm 1983. Từ năm 1984 tới 1990, anh tu nghiệp về đạo diễn sân khấu tại Đại học Sân khấu Điện ảnh Sophia (Bulgaria). Với vai trò diễn viên, Trần Lực để lại ấn tượng mạnh mẽ với khán giả qua những bộ phim như: "Mẹ chồng tôi", "Hoa Đỏ", "Người tình và chồng", "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông".

Năm 2015, Trần Lực thành lập LucTeam. Anh làm việc cùng các diễn viên trẻ để sáng tạo những vở kịch mới như "Cơn ghen của Lọ Lem" của Moliere, "Nữ ca sĩ hói đầu" và "Quẫn" của Lộng Chương.


Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem