Đào ao thả cá, lão nông người Thái thu lãi 50 triệu đồng mỗi năm

Tuệ Linh Chủ nhật, ngày 03/02/2019 06:20 AM (GMT+7)
Nhờ đào ao thả cá, lão nông Đèo Văn Tại (sinh 1968, dân tộc Thái), bản Sẳng (xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La), có “của ăn, của để”. Mỗi năm từ tiền bán cá, ông Tại đút túi 50 triệu đồng tiền lãi.
Bình luận 0

Đang hái lá chuối cho đàn cá trắm “khủng” ăn, ông Tại kể: Trước kia, gia đình trồng hơn ha ngô, chỉ cần bón phân, phun thuốc diệt cỏ đầy đủ là có ngay chục tấn ngô để bán. Thời đó, cây ngô còn có giá, mỗi năm có hàng chục triệu tiêu pha là chuyện bình thường.

img

Cá của ông Tại cả năm chỉ cho ăn lá chuối, cây chuối nên được khách hàng rất tin dùng. Đầu ra của ông Tại chủ yếu là các nhà hàng ở suối nước nóng và thành phố Sơn La.

Cứ nghĩ cây ngô sẽ đem lại cuộc sống sung túc cho gia đình nhưng càng trồng ngô cuộc sống ngày một thiếu thốn. Sau nhiều năm gắn bó, cây ngô xuống giá, đất bị thoái hóa, bạc màu, tiền bán ngô không đủ bù chi phí giống, phân bón, ông Tại chuyển sang đào ao, thả cá và trồng cây ăn quả.

img

Vừa hái lá chuối cho cá ăn, chuông điện thoại của ông Tại vừa kêu reng reng do khách hàng đặt mua cá ăn tết.

Ông Tại cho hay: Năm 2010, gia đình bắt đầu nuôi cá nhưng chỉ dừng lại ở việc tự cung tự cấp là chính. Đến năm 2015, thấy công việc nuôi cá nhàn, đem lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình đã mở rộng diện tích ao và mua thêm cá cá giống về nuôi. Hiện diện tích mặt ao nuôi cá của ông Tại là 3.000 m2. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của khách hàng, ao của ông Tại thả nhiều loại cá như: Trắm, chép, trôi, rô phi đơn tính, cá mè…

img

Ông Tại trồng quanh 2 cái ao rộng nghìn mét vuông của mình hàng trăm bụi chuối để cung cấp thức ăn quanh năm cho cá.

Mỗi năm, ông Tại thả vào ao 2 vạn con cá giống các loại. Để đàn cá sinh trưởng và phát triển tốt, số giống cá mới mua ông Tại thả vào ao trên. Số giống cá thương phẩm thả vào ao dưới. Theo ông Tại, nếu thả cá giống cùng cá thương phẩm khi cho cá ăn, cá to sẽ tranh hết thức ăn của cá giống làm cá chậm lớn, còi cọc, thậm chí bị chết.  Khi xuất bán hết cá thương phẩm ở ao dưới, lại mua giống cá mới thả vào ao đó nuôi gối tiếp vụ sau. Vào mùa đông, phải xả nước 24/24 giờ và thả bèo vào để chắn gió, giữ ấm cho cá.

img

Ao cá của gia đình ông Tại rộng cả nghìn mét, sâu từ 2 -3 mét nên muốn bắt được cá bán cho khách phải dùng chài.

“Trong số các loại cá thì cá trắm có giá bán ổn định và được khách hàng ưa chuộng hơn cả. Trung bình mỗi năm, tôi xuất bán được từ 5 – 6 tạ cá trắm. Với giá bán tại ao 100 nghìn đồng/kg, sau khi trừ tiền giống, tôi cũng bỏ túi 50 triệu đồng/năm. Nếu trồng ngô phải có 20 tấn ngô mới thu được số tiền như vậy, chưa tính tiền chi phí giống, phân bón” – ông Tại bảo vậy.

img

Theo anh Doản, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Muổi Nọi, ao cá của ông Tại toàn cá khủng. Cá bé nhất cũng nặng 3 kg trở lên. Mỗi ngày, đàn cá nhà ông Tại ăn hết 10 cây chuối. Thức ăn cho các loại cá còn lại, ông Tại dùng gạo nghiền, vỏ trấu, sắn thái thành sợi.

img

Từ nguồn thu của cá, cây cà phê, cây ăn quả, ông Tại sắm được xe tải để chuyên trở, thu mua hàng nông sản cho bà con.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, anh Lò Văn Doản – Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Muổi Nọi, cho biết: Ông Tại là hội viên nông dân điển hình trong phát triển kinh tế của xã. Ngoài nuôi cá, ông Tại còn trồng hơn 1 ha cây cà phê, mận hậu, nuôi hàng trăm con vịt, ngan. Nhờ cần cù lao động, năm 2013, ông Tại đã mua được một chiếc xe tải để thu mua nông sản giúp bà con trong xã, trong bản, là một trong những hộ nông dân tiêu biểu trong phát triển kinh tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem