dd/mm/yyyy

Đánh liều phá cà phê trồng chuối Laba, được khách Nhật Bản kí hợp đồng mua liền 5 năm

Nhật Bản nổi tiếng là thị trường khó tính, nhưng người dân ở Đạ K’Nàng đã chinh phục thành công, mỗi tháng xuất khẩu sang quốc gia này 60 tấn chuối Laba.

Sau quá trình làm việc, cung cấp một khối lượng nhỏ chuối cho khách hàng Nhật Bản, đến nay anh Nguyễn Huy Phương (46 tuổi, xã Đạ K'Nàng, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng) đã được đối tác tin tưởng, mỗi tháng đặt hàng mua 60 tấn chuối Laba đưa sang Nhật tiêu thụ.

Đánh liều phá cà phê trồng chuối

Chuối Laba là loại cây được người Pháp đưa về trồng ở Lâm Đồng khoảng 100 năm trước. Trái cây có sự nổi trội hơn so với các giống chuối thông thường vì mùi thơm đặc biệt, chuối dẻo và ngọt. Trong quá khứ, nông sản này từng được chuyển vào Hoàng cung triều Nguyễn dưới thời vua Bảo Đại để vua thưởng thức, nên sản phẩm từng có tên gọi "chuối tiến vua".

Được Phòng NNPTNT huyện Đam Rông giới thiệu đến tham quan mô hình trồng chuối Laba tại xã Đạ K'Nàng, chúng tôi may mắn gặp được anh Nguyễn Huy Phương - Giám đốc Hợp tác xã Laba Banana Đạ K'Nàng. 

Dẫn phóng viên vào chính vườn chuối của gia đình mình, anh Phương tự hào nói: "Hiện HTX của tôi đã xuất khẩu trực tiếp chuối Laba qua Nhật Bản, sản lượng khoảng 60 tấn/tháng mà không phải qua trung gian".

Đưa chuối Laba đi... Nhật - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Huy Phương - Giám đốc HTX Laba Banana Đạ K’Nàng giới thiệu thương hiệu chuối Laba của mình. Ảnh: V.L.

Chia sẻ với phóng viên về cơ duyên đến với cây chuối Laba, anh Phương cho biết, gia đình anh đến Lâm Đồng lập nghiệp từ những năm 2000. Thời điểm đó, công việc chủ yếu của vợ chồng anh là trồng và buôn bán nông sản. 

Thế nhưng, sau khi tìm hiểu qua nhiều kênh khác nhau, anh Phương được biết đến giống chuối Laba - đặc sản của Lâm Đồng với ưu thế quả to, dẻo, ngọt và có mùi thơm đặc trưng. Chính vì vậy, anh đã bàn với vợ và một số anh em trong gia đình phá cà phê để trồng chuối.

Giơ tay chỉ những buồng chuối xanh mướt, anh Phương trải lòng: "Thời gian tôi bắt đầu mua cây giống về trồng, cũng là thời điểm chuối tại Đồng Nai, Tây Ninh đang không bán được, đổ đi cho bò ăn. Thế nhưng, vợ chồng tôi vẫn quyết định làm. Khí hậu vùng này tốt, có vùng nguyên liệu đảm bảo thì sẽ làm được thôi".

"Giờ nghĩ lại mới thấy tôi đã đánh liều với cây chuối như thế nào".

Anh Nguyễn Huy Phương

Trời không phụ lòng người, đầu năm 2018, những chuyên gia cũng như doanh nghiệp ở Nhật Bản biết đến danh tiếng của chuối Laba tại Lâm Đồng nên đã tìm đến huyện Đam Rông. 

Những người đang tìm đầu vào thì lại gặp được những người tìm đầu ra của chuối Laba. Tại đây, các chuyên gia của Nhật Bản đã lấy mẫu đất, nước để xác định xem có phù hợp với cây chuối Laba hay không.

"Người ta rất bất ngờ với kết quả xét nghiệm. Cây chuối Laba rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại Đạ K'Nàng. Ngoài ra, chuối của chúng tôi khi thành phẩm đạt quả to, dài, khối lượng thích hợp với yêu cầu của khách hàng Nhật Bản. Năm 2018, chúng tôi xuất khẩu chuối sang Nhật Bản qua một công ty trung gian. Từ cuối năm 2019 vừa qua, chúng tôi đã xuất khẩu trực tiếp với khối lượng 1 tháng 4 container, mỗi container khoảng 15 tấn" - anh Phương vui mừng nói.

Giấc mơ làm giàu từ chuối

Từ khi đạt được hợp đồng tiêu thụ với người Nhật, nhiều gia đình ở Đạ K'Nàng đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng chuối, liên kết làm ăn với HTX Laba Banana Đạ K'Nàng.

Chị Kon Sơ Be Ly (dân tộc Dao) cho biết, gia đình trồng 4 sào chuối và đang được HTX thu mua với giá ổn định 8.000 đồng/kg. Để trồng 1ha chuối Laba, nông dân bỏ vốn khoảng 100-150 triệu đồng cho chi phí giống, phân bón và hệ thống tưới tiết kiệm. 

Trồng trong khoảng 12 tháng thì có thể thu hoạch và mỗi bụi có nhiều cây con nên có thể duy trì vườn trong khoảng 3 năm. Trung bình, mỗi năm 1ha chuối cho thu hoạch từ 80 - 120 tấn trái. Với giá 8.000 đồng/kg như hiện nay, nhà vườn có thể lãi hàng trăm triệu đồng/vụ.

Anh Võ Văn Huy (45 tuổi) kể: "Hơn 10 năm trước, gia đình tôi từ huyện Di Linh lên xã Đạ K'Nàng, huyện Đam Rông lập vườn trồng 2ha cà phê. Nếu tích cực đầu tư chăm sóc thì năng suất cà phê có thể đạt đến 3 - 4 tấn nhân/ha. Do giá cà phê liên tục xuống thấp nên chúng tôi đã quyết định chuyển đổi hết để trồng chuối Laba…".

Liên kết với người dân canh tác chuối Laba, HTX Laba Banana Đạ K'Nàng kí thu mua sản phẩm với "giá chết". Tuy nhiên, mẫu mã, quy trình chăm sóc, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… phải đáp ứng yêu cầu của đơn vị phía Nhật Bản. Dây chuyền thu hoạch, sơ chế, đóng gói, vận chuyển của HTX được thực hiện hoàn toàn khép kín.

Theo đó, trước khi chuyển đổi trồng "chuối tiến vua", anh Huy đã nắm chắc thị trường bao tiêu 100% sản phẩm là HTX Laba Banana Đạ K'Nàng. Hạch toán làm các phép tính đơn giản, anh Huy đã biết trước lợi nhuận trồng "chuối tiến vua" của mình, sẽ tăng khá cao so với cây cà phê 10 năm tuổi.

Thực tế từ đầu tháng 2 đến nay, HTX Laba Banana Đạ K'Nàng đã thu mua nhanh chuối của anh Huy với giá 5.500 đồng/kg theo thỏa thuận trước. Dự báo tổng sản lượng chuối Laba năm 2020 của gia đình Huy đạt 50 - 60 tấn/ha.

Sau khi thu hoạch, chuối được chuyển đến kho sơ chế của HTX để tuyển lựa, rửa sạch và đóng gói. Tại đây, chuối được phân nhỏ thành các chùm 3 - 5 trái với trọng lượng từ 0,6 - 0,7kg rồi cho vào túi nylon để hút chân không, đóng vào thùng lớn chuyển cho đối tác.

"Người Nhật rất khắt khe trong khâu chăm sóc, đặc biệt họ đặt chất lượng của sản phẩm lên hàng đầu. Chính vì vậy, mọi quy trình của chúng tôi hiện tại đều được khép kín để sản phẩm có chất lượng tốt nhất. Hiện HTX Laba Banana Đạ K'Nàng có 7 thành viên, với khoảng 15ha. Ngoài ra, chúng tôi liên kết với 40 hộ dân trong vùng với diện tích 150ha. 

Khi liên kết, chúng tôi đầu tư cho người dân 50 - 50 về giống, phân bón, kỹ thuật. Trong năm 2020, chúng tôi phấn đấu diện tích liên kết đạt khoảng 300ha. Nếu theo đúng lộ trình đề ra, trong 2 - 5 năm nữa, HTX Laba Banana Đạ K'Nàng sẽ có khoảng 1.000ha chuối Laba.

Anh Phương cũng cho biết, HTX đã ký hợp đồng xuất khẩu chuối Laba cho Nhật Bản trong vòng 5 năm.

Đặc biệt, HTX vừa lắp đặt hệ thống chíp điện tử ở vườn chuối để đối tác Nhật Bản theo dõi, nắm bắt thông tin về sản xuất lẫn chất lượng nông sản. Tại mỗi gốc cây, chíp điện tử được gắn trên đầu ống nhựa và có mã số riêng. Hệ thống này truyền tín hiệu đến phần mềm trong điện thoại di động của chủ vườn lẫn đối tác.

"Đây là hệ thống hiện đại, giúp đối tác truy xuất nhanh nguồn gốc. Dựa vào các thông tin từ chíp gửi về, họ có thể biết được cây nào phát triển tốt, cây nào phát triển kém để yêu cầu chủ vườn đưa ra chế độ chăm sóc phù hợp, đảm bảo chất lượng cho đơn hàng. Hiện, chi phí lắp đặt chíp điện tử khoảng 20 triệu đồng/ha" - anh Phương giải thích.

Văn Long – Hùng Mạnh