Đáng ngại, dịch viêm da nổi cục xuất hiện 1-2 tháng, chính quyền sở tại vẫn không hay biết

Thiên Ngân Thứ năm, ngày 27/05/2021 15:51 PM (GMT+7)
Sau khi xuất hiện lần đầu tại Việt Nam tháng 10/2020, đến nay dịch bệnh viêm da nổi cục đã xảy ra tại 32 tỉnh, thành phố. Tổng số trâu, bò bị mắc bệnh là 60.176 con, trong đó, 9.539 con bị chết và tiêu hủy. Đáng lo ngại là có nơi, dịch bệnh đã xảy ra 1-2 tháng mà chính quyền sở tại không hay biết.
Bình luận 0

Dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò lây lan nhanh

Tại Hội nghị trực tuyến phòng chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò do Bộ NNPTNT tổ chức sáng nay, Cục Thú y cho biết, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam vào tháng 10/2020. 

Chỉ sau gần 7 tháng, dịch bệnh này đã xảy ra tại 2.252 xã, thuộc 252 huyện của 32 tỉnh, thành phố, với tổng số 63.714 con gia súc mắc bệnh. 

Đã có 9.170 con gia súc bị chết và phải tiêu hủy vì bệnh này. Hiện cả nước còn 1.416 ổ dịch viêm da nổi cục chưa qua 21 ngày tại 199 huyện của 27 tỉnh, thành phố. 

Trong đó, Hà Tĩnh là địa phương xảy ra tình trạng bệnh phức tạp nhất, với 17.420 con trâu, bò bị mắc bệnh, trong đó, 2.541 con đã bị chết và tiêu huỷ. 

Đáng ngại, dịch viêm da nổi cục xuất hiện 1-2 tháng, chính quyền sở tại vẫn không hay biết - Ảnh 1.

UBND tỉnh Bình Định đã xuất cấp kinh phí để mua khẩn cấp 10.000 liều vaccine hỗ trợ cho các địa phương để tiến hành tiêm phòng. Ảnh: Thăng Bình

Tiếp đến là các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hoá với số trâu bò bị chết và tiêu huỷ lần lượt là: 921, 1.559 và 1.329 con. Tại Hà Nội, việc kiểm soát dịch bệnh này khá tốt khi toàn thành phố mới chỉ ghi nhận 21 trâu, bò bị mắc bệnh, trong đó có 5 con bị chết và tiêu huỷ.

Trước diễn biến phức tạp và tốc độ lây lan nhanh của dịch bệnh, Bộ NNPTNT đã ban hành hàng chục văn bản chỉ đạo, công điện triển khai cấp bách việc phòng chống dịch. Tổ chức nhiều cuộc họp, hội nghị quán triệt công tác phòng chống dịch viêm da nổi cục.

Đồng thời, Bộ cũng chỉ đạo nhập khẩu khẩn cấp trên 2 triệu liều vaccine đưa về các địa phương triển khai tiêm phòng cho trâu, bò. 

Báo cáo của một số địa phương có tỷ lệ tiêm phòng vaccine cao trên 80% cho thấy, nhờ việc tiêm phòng vaccine, tình hình dịch bệnh tại nhiều tỉnh như: Sơn La, Thái nguyên, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh… đã được kiểm soát. Số ổ dịch giảm rõ rệt.

Tuy nhiên, đến nay mới có 39 tỉnh, thành phố và 28 cơ sở chăn nuôi thực hiện tiêm vaccine được hơn 2 triệu liều. Con số rất nhỏ so với tổng đàn trâu, bò của cả nước (năm 2020 tổng đàn bò cả nước hơn 6,3 triệu con; đàn trâu hơn 2,3 triệu con).

Đáng ngại, dịch viêm da nổi cục xuất hiện 1-2 tháng, chính quyền sở tại vẫn không hay biết - Ảnh 3.

Cán bộ thú y Quảng Bình kiểm tra bò mắc bệnh viêm da nổi cục. Ảnh: I.T

Đáng lo ngại khi lãnh đạo chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục. 

Nhiều địa phương chưa giám sát, phát hiện dịch bệnh, thậm chí có những nơi dịch bệnh xuất hiện 1 đến 2 tháng, nhưng chính quyền sở tại không hay biết, nên chậm báo cáo cho thú y cơ sở.

Chưa thực hiện công bố dịch theo quy định; chưa kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch theo đúng quy định, dẫn đến tình trạng dịch bệnh lây lan, dây dưa kéo dài.

Đặc biệt, dù đã có chỉ đạo rất rõ của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 631/CĐ-TTg, tuy nhiên đến nay, vẫn còn một số địa phương chưa xây dựng kế hoạch, chưa kịp thời bố trí kinh phí cho công tác tiêm phòng vaccine. Hoặc có nơi bố trí, nhưng không đủ.

Đáng ngại, dịch viêm da nổi cục xuất hiện 1-2 tháng, chính quyền sở tại vẫn không hay biết - Ảnh 4.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến. Ảnh: TTXVN

Phát biểu chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho rằng: Nguy cơ dịch bệnh viêm da nổi cục tiếp tục phát sinh và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao. Vì thế, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục theo hướng dẫn của Bộ NNPTNT và chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

Chủ động kế hoạch và bố trí kinh phí mua vaccine tổ chức tiêm phòng để khoanh vùng, khống chế dịch bệnh VDNC nhanh chóng.

Tổ chức giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng. 

Xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc; tiếp tục tổ chức tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục cho người chăn nuôi…

Được biết, mới đây, tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ NNPTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, Bộ NNPTNT đề xuất bổ sung bệnh viêm da nổi cục vào Danh mục bệnh động vật trên cạn phải công bố dịch.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem