Dân Sài thành "thuần phục rau vua", cứ 1 ngày bán 10 ký thu 1 triệu

Trần Đáng Thứ tư, ngày 29/04/2020 13:05 PM (GMT+7)
Hơn chục năm trước, tại huyện Củ Chi (TP.HCM) thử “nổ” ra phong trào trồng loại “rau vua”-cây măng tây song đã thất bại. Thế nhưng hiện tại, ở ấp An Hòa (xã An Phú, huyện Củ Chi) có 2 vườn măng tây, rộng 5ha đã lên xanh tốt. Chủ nhân của những vườn măng tây này là lão nông Ba Nhoai (Phạm Đức Nhoai) – nổi tiếng một thời với nghề nuôi bò, nuôi lợn, nuôi lươn thu tiền tỷ ở đất Sài thành.
Bình luận 0

Trồng rau vua phải bài bản…

Trong cái nắng khô khốc giữa cơn hạn mặn kỷ lục, ông Ba Nhoai và 6 nhân công lọ mọ chăm sóc vườn măng tây tiền tỷ. Theo ông Ba Nhoai, trồng măng tây không phải cứ có tiền, muốn làm là làm được. “Người trồng măng tây phải luôn tay luôn chân để chăm sóc từng luống đất, cọng rau. Nhân công làm vườn phải như công nhân, làm đúng giờ, đúng giấc”- ông Ba Nhoai chia sẻ.

Để có những vườn măng tây này, theo lão nông Ba Nhoai, ông đã đầu tư hàng tỷ đồng. Cứ mỗi ha ông đầu tư hết 700 triệu đồng. Giống măng tây ông nhập hạt từ Mỹ sau đó ươm, thay vì phải mua giống của Thái Lan như nhiều nông dân khác. Sau khi ươm 2 tháng, các bầu giống măng tây sẽ được đưa ra vườn trồng với 24.000 bầu/ha. Hiện, giá giống măng tây này khoảng 25.000 đồng/bầu.

img

Ông Ba Nhoai và vườn măng được đầu tư tiền tỷ. Ảnh: T.Đ

Không chỉ đầu tư cho cây giống, ông Ba Nhoai còn tập trung vào các giải pháp hữu cơ về phân, thuốc cho vườn măng tây. Vì đây là loại rau cao cấp nên phải dùng phân hữu cơ và thuốc trừ sâu sinh học, như: Dùng phân trùn quế, thuốc sử lý sâu là hỗn hợp chế phẩm bằng ớt, sả, tỏi… Các hoạt động sản xuất trên nông trang rất tỉ mỉ và thủ công.

Mỗi ha cần đến 5 - 6 nhân công làm việc liên tục. Họ phải cắt từng cọng cỏ, bắt từng con sâu, ốc, dế, kiến… để tránh măng tây bị phá hoại. Ông còn lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước. Ông Ba Nhoai cho rằng, với việc tập trung đầu tư đúng quy trình, nông trại rau “Hoàng đế” này sẽ thu hoạch 8 - 9 năm. Lão nông Ba Nhoai tính, đến năm thứ 3, mỗi công đất (1.000m2) măng tây lúc này cho hơn 100kg/ngày  và thu hoạch liên tục 9 tháng/năm.

Trong khi đó, tại phường Trường Thành (quận 9), 2 năm nay, ông Võ Văn Giả tập trung đầu tư và thu hoạch những luống măng tây. Giữa khu dân cư đô thị, tận dụng, cải tạo 1.200m2 đất vườn còn bỏ trống ông đầu tư xây dựng vườn măng tây. “Cứ theo quy trình trồng măng tây của cơ quan khuyến nông thành phố tôi làm theo. Tôi sử dụng giải pháp hữu cơ cho đất, như dùng phân bò để bón cho cây. Nhìn chung thu nhập từ vườn măng tây này cũng khá tốt”- ông Giả chia sẻ.

Hiện, mỗi ngày ông Giả thu hoạch được hơn 10kg măng tây, với giá thị trường khoảng 100.000 đồng/kg.

Sài thành trồng được măng tây

Năm 2005, Công ty TNHH Cẩm Hon đã phối hợp Trạm Khuyến nông huyện Củ Chi trồng thử nghiệm 2ha giống măng tây xanh tại các xã: Phước Vĩnh An, Tân Phú Trung, Trung Lập Hạ, qui mô đầu tư 60 - 70 triệu đồng/ha. Sau một năm, kết quả cho thấy, tỷ lệ sống đạt 60 - 70% và thu hoạch trên 100kg măng/ha/ngày. Điều này khẳng định điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của vùng đất xám huyện Củ Chi thích hợp cho việc sinh trưởng và phát triển của cây măng tây xanh.

Hai năm sau, Trung tâm Khuyến nông thành phố lại kết hợp với Công ty Cẩm Hon mở rộng diện tích trồng cây măng tây xanh với diện tích 4ha tại các xã: Nhuận Đức, Trung Lập Hạ. Sau 8 tháng tỷ lệ sống đạt trên 70%, năng suất bình quân 100kg măng/ha/ngày. Với đà phát triển này, Trung tâm Khuyến nông thành phố kỳ vọng sẽ xây dựng dự án trồng măng tây thành vùng sản xuất hàng hoá 10ha vào năm 2010 và 100ha vào năm 2015 tại huyện Củ Chi, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của Công ty Cẩm Hon. Tuy nhiên, kế hoạch này đã chết yểu. Tất cả các hộ được hỗ trợ trồng măng tây trước đó, từng người một từ bỏ cây trồng cao cấp này. Theo Phó Chủ tịch Hội ND huyện Củ Chi Phạm Phú Cường, sau phong trào trồng măng tây, không còn nông dân trên đất Củ Chi trồng măng tây nữa. Hiện, Sài thành chỉ còn hai nông dân kể trên trồng măng tây.

Ông Giả cho biết, mặc dù đã áp dụng các biện pháp tốt nhất theo khuyến cáo của ngành khuyến nông, nhưng chất lượng măng thu hoạch vẫn không đạt bằng măng tây các nơi khác. “Thực tế, măng tây tôi trồng không bằng măng nơi khác. Nó nhỏ hơn, chỉ bằng 8/10 mà thôi. Chính vì điều này, giá thương lái mua cũng thấp”- ông Giả nói.

Cuộc thi “Làm nông thời công nghệ 4.0” do Báo Nông Thôn Ngày Nay - cơ quan của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Ban Khoa giáo (VTV2) - Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức, nhằm khích lệ và tôn vinh nông dân Việt Nam có thành tích nổi bật về nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất. Cá nhân, tổ chức dự thi có thể gửi hồ sơ dự thi qua hòm thư điện tử: cuocthinongnghiep40@gmail.com. Hoặc qua đường bưu điện: Ban Thư ký cuộc thi “Làm nông thời công nghệ 4.0” - Báo Nông Thôn Ngày Nay - Địa chỉ: Tầng 11, Toà nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay, Lô E2, Khu đô thị mới Cầu Giấy, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Thời gian kết thúc nhận hồ sơ dự thi là hết ngày: 20/4/2020. Lễ công bố, trao tặng và đón nhận giải thưởng cuộc thi (dự kiến): Quý II/2020.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem