Dân khốn khổ vì ruồi... tấn công

Duy Hậu Thứ bảy, ngày 18/06/2016 13:19 PM (GMT+7)
Đến hẹn lại lên, cứ vào thời điểm bắt đầu có mưa, hàng trăm hộ dân ở Buôn Sut M’rư, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) lại bị ruồi... tấn công.
Bình luận 0

Người dân Buôn Sut M’gưr vừa gửi đơn kêu cứu đến chính quyền địa phương, phản ánh tình trạng ruồi sinh sôi trên địa bàn đến mức quá sức chịu đựng của họ.

“Buôn ruồi” mắc mùng ăn cơm.

Trong đơn, người dân cho biết, nhiều năm qua, cứ vào thời điểm này, đâu đâu cũng thấy ruồi. Ruồi nhiều đến mức nhiều gia đình phải mắc mùng để ăn cơm. Dù đã dùng nhiều biện pháp để diệt nhưng ruồi vẫn nhiều như... đỗ đen, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày của người dân.

imgMỗi ngày bà Nga phải dùng hàng chục tấm vỉ như thế này để bắt ruồi nhưng không xuể

Khi hỏi đường về Buôn Sut M’gưr, chúng tôi nhận được một câu nói... rất sốc: “Các anh về buôn ruồi hả...”. Hỏi ra mới biết, vì ruồi quá nhiều nên từ lâu người dân Cư Suê hay gọi Buôn Sut M’gưr là “buôn ruồi”.

Chúng tôi đến nhà bà Phạm Thị Tố Nga (đội 4). Bà Nga đưa những tấm vỉ ruồi đã dính hàng ngàn con ruồi ở đó chúng tôi mới thực sự tin rằng người dân đã không quá ngoa khi gọi nơi mình ở là "buôn ruồi".

Bà Nga cho biết, cứ mở mắt ra đã thấy ruồi. Bà đã dùng thuốc diệt cho ruồi chết hàng loạt nhưng hôm sau ruồi vẫn bu đầy. Nhiều ngày qua, bà Nga buộc phải đóng cửa quán vì khách không ai dám đến ăn.

Chị Nguyễn Thị Phúc (cùng địa chỉ) cũng than thở: “Tôi đã phải đóng quán ăn. Mở mắt ra ruồi đã bu kín, khách vào thấy ruồi bỏ đi hết không ai dám ăn. Nhiều quán ăn gần đây cũng phải đóng cửa vì nạn ruồi”.

Theo chị Thủy, mấy ngày trước mỗi ngày chị phải mất từ 20-30 ngàn đồng để mua vỉ bắt ruồi (mỗi vỉ 1.000 đồng) nhưng vẫn không xuể.

Ông Trần Văn Hòa (đội 4) cũng phản ánh: “Năm nào đến mùa này là ruồi bu kín khắp nơi. Tình trạng này khiến cuộc sống người dân chúng tôi khổ sở vô cùng. Khổ nhất là mấy nhà có con nít, vừa pha cốc sữa ra đã bị ruồi bay vào đành phải đổ đi pha cốc mới. Còn nhà tôi, suốt ngày phải đóng kín cửa, hễ hé ra là ruồi lại ùa vào”. 

​​“Thủ phạm” là các trại gà liên kết?

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện ở Cư Suê có 26 khu chuồng, trại nuôi tổng cộng khoảng 140 ngàn con gà mỗi lứa. Tất cả trại gà này đều được nuôi theo hình thức liên kết với các công ty: chăn nuôi CP, Chăn nuôi Emivest và Chăn nuôi Bình Minh.

Theo quan sát của chúng tôi, hiện có khoảng 8 trại gà được nuôi rất gần với khu dân cư. Trong khi đó, theo ông Phan Xuân Sơn (đội 4, hộ liên kết với Công ty Chăn nuôi Emivest) việc liên kết chủ yếu ràng buộc về quy mô chuồng trại, số lượng đàn gà còn vấn đề môi trường hộ nuôi tự xử lý.

imgCác trại nuôi gà được cho là "thủ phạm" khiến ruồi sinh sản mạnh

Người dân địa phương khẳng định, các trại gà này chính là “thủ phạm” khiến ruồi phát sinh.

Ông Đặng Văn Hoan, chủ tịch xã Cư Suê, cũng thừa nhận, ngoài nguyên nhân về thời tiết thì các trại nuôi gà chính là nơi khiến ruồi sinh sản mạnh. Song theo ông Hoan, so với những năm trước thì hiện nay nạn ruồi đã bớt “nóng” hơn rất nhiều vì ý thức của các hộ chăn nuôi cũng đã được cải thiện. Tuy nhiên, hiện vẫn có nhiều trại nuôi gà nằm gần khu vực dân cư cần phải được di dời.

“Do đời sống của các hộ chăn nuôi còn nhiều khó khăn nên những năm qua xã chưa xử phạt trường hợp nào. Biện pháp của xã chủ yếu là kiểm tra, nhắc nhở, yêu cầu các hộ dân thực hiện tốt cam kết bảo vệ môi trường”- ông Hoan nói.

Theo ông Trần Tuấn Ngọc, trưởng phòng TNMT huyện Cư M’gar, phòng này vừa có đợt kiểm tra các trại nuôi gà trên địa bàn và kết quả chỉ có 2 hộ chưa có đề án bảo vệ môi trường. Các hộ còn lại hầu hết đều thực hiện tốt cam kết bảo vệ môi trường. Ông Ngọc thừa nhận, nhiều năm qua, các trại nuôi gà đã làm môi trường trên địa bàn bị ảnh hưởng. Tuy nhiên do điều kiện kinh tế của người dân nên huyện khó “mạnh tay”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem