Dân châu Âu tăng mua lương thực, gạo Việt có lợi thế ở EU, hồ tiêu có triển vọng tốt ở Mỹ

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 05/01/2021 19:18 PM (GMT+7)
Trong kế hoạch phát triển thị trường và xúc tiến thương mại nông sản năm 2021, Bộ NNPTNT đặt mục tiêu vừa phát triển thị trường trong nước gắn với phát triển văn hóa địa phương và du lịch nông nghiệp bản địa vừa tổ chức đàm phán mở cửa thị trường, tháo gỡ khó khăn, rào cản thương mại.
Bình luận 0

Gạo chiếm ưu thế ở EU, hồ tiêu xuất khẩu đều sang Mỹ

Ngày 31/12/2020, Bộ NNPTNT đã ban hành Kế hoạch phát triển thị trường và xúc tiến thương mại nông sản năm 2021 với rất nhiều mục tiêu và giải pháp cụ thể. 

Trong bản kế hoạch do Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan ký nêu rõ, kinh tế thế giới năm 2021 được dự báo sẽ diễn biến phức tạp, khó lường thể hiện ở việc cạnh tranh chiến lược, xung đột thương mại, cạnh tranh thị trường, công nghệ, nhân lực chất lượng cao giữa các quốc gia ngày càng quyết liệt.

 Việc các quốc gia ban bố lệnh phong tỏa để làm chậm tốc độ lây lan của Covid-19 phần nào đã tạo ra sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng, lưu chuyển thương mại. 

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã và đang đàm phán, ký kết và triển khai 16 hiệp định thương mại tự do (FTAs), mở ra cho nông sản Việt Nam cơ hội thâm nhập một số thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu và tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực.

 Trong khi đó, theo dự báo của FAO, nhu cầu nông sản trên thế giới sẽ tiếp tục tăng lên 15% vào năm 2029 do gia tăng dân số lên khoảng 11% trong giai đoạn từ năm 2017 đến 2029, tiếp tục tạo cơ hội rất tốt cho nông sản Việt Nam trong việc mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.

Dân châu Âu tăng mua lương thực, gạo Việt có lợi thế ở EU, hồ tiêu có triển vọng tốt ở Mỹ - Ảnh 1.

Người dân châu Âu có xu hướng mua gạo nấu tại nhà nhiều hơn, cơ hội xuất khẩu gạo Việt trong năm 2021 rất rộng mở. Ảnh: I.T

Bản kế hoạch cũng chỉ rõ những cơ hội, thách thức ở một số thị trường xuất khẩu nông sản chính của Việt Nam.

Đơn cử như thị trường Trung Quốc, hiện Trung Quốc chiếm 25,14% tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản chính của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc năm 2020 ước đạt 10,36 tỷ USD, giảm 5,2% so với năm 2019 và đứng thứ 2 sau Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, việc phía Trung Quốc tăng cường kiểm tra nhiều lô hàng nhập khẩu nhằm kiểm soát tiềm ẩn rủi ro về lây lan dịch bệnh, quản lý chất lượng; kiên quyết siết chặt quản lý đối với nhập khẩu các mặt hàng nông sản chưa được phép mở cửa thị trường sẽ khiến quá trình xuất khẩu gặp nhiều khó khăn hơn.

Trong khi đó, Mỹ đã vươn lên là thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu năm 2020 ước đạt 10,99 tỷ USD, tăng 23,3% so với cùng kỳ và chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Thủy sản, gỗ và các sản phẩm gỗ, hồ tiêu, rau quả tiếp tục là những mặt hàng có lợi thế ở thị trường Mỹ. Hiện, gỗ và các sản phẩm gỗ là mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ, tính đến hết tháng 11, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường này ước đạt 6,37 tỷ USD, tương đương với mức tỷ trọng đạt 57,8% (tăng 34% so với cùng kỳ năm 2019). 

Mỹ cũng là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 21,5% tổng xuất khẩu. So với các đối thủ cạnh tranh khác, hồ tiêu Việt Nam vẫn có triển vọng tốt tại thị trường Mỹ và tiếp tục là nguồn cung hồ tiêu lớn nhất của Mỹ, với thị phần 65,9%.

Thị trường các nước EU là thị trường lớn thứ 3 của xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam, trong năm 2020 ước đạt 3,7 tỷ USD, giảm 3,6% so với năm trước, chiếm 8,98%trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam.

Dân châu Âu tăng mua lương thực, gạo Việt có lợi thế ở EU, hồ tiêu có triển vọng tốt ở Mỹ - Ảnh 2.

Gỗ và các sản phẩm gỗ đang chiếm ưu thế tại thị trường Mỹ. Ảnh: I.T

Trong đó, gạo là mặt hàng đang có nhu cầu cao tại EU khi vào cuối năm 2020, một số quốc gia ở EU bắt đầu tiến hành phong tỏa như Pháp, Đức, Anh, Bỉ… khiến nhu cầu mua lương thực để nấu tại nhà tăng lên. 

EU cũng là thị trường tiêu thụ cà phê nhiều nhất của Việt Nam, chiếm 40% về khối lượng và 38% tổng kim ngạch xuất khẩu.

EVFTA đã mở ra cơ hội cho ngành hàng hồ tiêu Việt Nam trên thị trường EU nếu đảm bảo các yêu cầu về kiểm dịch thực vật, quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt với mặt hàng hồ tiêu chế biến với mức thuế giảm xuống 0%. 

Phát triển thị trường trong nước gắn với du lịch nông nghiệp

Từ những cơ hội và thách thức này, theo Thứ trưởng Lê Minh Hoan, mục tiêu của công tác xúc tiến thương mại nông sản trong năm 2021 là phát triển thị trường trong nước gắn với phát triển văn hóa địa phương và du lịch nông nghiệp bản địa; kích thích tiêu dùng nông sản, đặc sản chất lượng cao, sản phẩm có thương hiệu/chỉ dẫn địa lý.

Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại theo vùng để thúc đẩy liên kết vùng trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nhằm tạo ra các vùng nguyên liệu lớn, sản lượng lớn, năng suất cao phục vụ nhu cầu nội tiêu và xuất khẩu.

Dân châu Âu tăng mua lương thực, gạo Việt có lợi thế ở EU, hồ tiêu có triển vọng tốt ở Mỹ - Ảnh 3.

Năm 2021, Bộ NNPTNT chủ trương đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ nội địa thông qua các hoạt động du lịch nông nghiệp, các hội chợ, sự kiện xúc tiến thương mại. Trong ảnh: Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan thăm gian hàng của tỉnh Hà Giang.

Tiếp tục tổ chức đàm phán mở cửa thị trường, tháo gỡ khó khăn, rào cản thương mại; tổ chức xúc tiến quảng bá tại các thị trường lớn và tiềm năng khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát.

 Đối với công tác phát triển thị trường trong nước, Thứ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu thúc đẩy tiêu dùng nông sản tại các thành phố lớn; tổ chức các hoạt động kết nối đưa nông sản địa phương, vùng miền vào các chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ; tổ chức trao đổi thông tin, thảo luận về các giải pháp trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xây dựng thương hiệu.

Đối với công tác phát triển thị trường thúc đẩy xuất khẩu tổ chức phổ biến, tuyên truyền các quy định về kiểm dịch động thực vật, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm của thị trường xuất khẩu; nhu cầu của thị trường xuất khẩu.

 Tổ chức các hoạt động kết nối xuất khẩu, hỗ trợ giao thương tại các tỉnh biên giới trong nước nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản sang thị trường Trung Quốc; 

 Tiếp tục đàm phán, tháo gỡ khó khăn, rào cản thương mại, mở cửa thị trường cho nông sản Việt Nam xuất khẩu chính ngạch tại các thị trường (hoa quả, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi...)

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản năm 2020 ước đạt 72,1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 41,2 tỷ USD, tăng 2,6% so với năm 2019.

Hiện đã có 09 nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong đó có 05 nhóm mặt hàng có kim ngạch trên 03 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 12,3 tỷ USD; tôm ước đạt trên 3,7 tỷ USD; rau quả đạt gần 3,3 tỷ USD; hạt điều đạt 3,2 tỷ USD; gạo đạt 3,07 tỷ USD).

Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là bốn thị trường nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam năm 2020.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem