Đại sứ Nguyễn Quang Khai hồi tưởng về vụ khủng bố 11/9: Tôi bàng hoàng, mọi thứ giống như một bộ phim hành động!

"Không thể hiểu được tại sao những kẻ khủng bố lại có thể tổ chức được một vụ tấn công tinh vi, hoàn hảo đến như vậy. Mọi thứ giống như một bộ phim hành động", Đại sứ Nguyễn Quang Khai chia sẻ với PV Báo Điện tử Dân Việt nhân kỷ niệm 20 năm ngày Mỹ hứng chịu vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất lịch sử 11/9/2001-11/9/2021.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai hồi tưởng vụ khủng bố 11/9: Tôi bàng hoàng, mọi thứ giống như một bộ phim hành động! - Ảnh 1.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai. Ảnh: Đại sứ cung cấp.

Là một nhà ngoại giao, ấn tượng của ông về vụ khủng bố diễn ra cách đây đúng 20 năm trước vào ngày 11/9/2001 ở Mỹ là gì? Khi đó, ông cảm thấy thế nào?

img
img
img
img
img

Khoảnh khắc tòa tháp đôi của Trung tâm thương mại thế giới ở New York, Mỹ bốc cháy dữ dội sau khi bị không tặc tấn công sáng thứ Ba ngày 11/9/2001. Ảnh Reuters/Getty.

- Ngày 11/9/2001, khi đó tôi đang ở thăm Nam Phi thì nghe tin tòa tháp đôi của khu phức hợp Trung tâm thương mại thế giới ở New York bị đánh sập. 4 máy bay thương mại cất cánh từ Đông Bắc Mỹ tới California thì bị cướp bởi 19 tên không tặc al-Qaeda.

Hai chiếc máy bay, một là chuyến bay 11 của American Airlines và hai là chuyến bay 175 của United Airlines, lần lượt đâm vào 2 tòa tháp Bắc và Nam của khu phức hợp Trung tâm thương mại thế giới ở Lower Manhattan, New York. Chỉ trong vòng gần 2 giờ, cả hai tòa tháp 110 tầng đều sụp đổ.

Phải nói rằng lúc nghe tin tôi thực sự bàng hoàng và không tin rằng đây là một vụ khủng bố mà chỉ nghĩ rằng đây là một vụ tai nạn/động đất gì đó thôi.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai

Máy bay thứ 3, chuyến bay 77 của American Airlines, khởi hành từ sân bay quốc tế Dulles bị cướp khi bay qua Ohio và khoảng 9 rưỡi sáng ngày 11/9. Nó đâm vào phía tây Lầu Năm Góc (trụ sở của quân đội Mỹ) ở Virginia, làm sụp đổ một phần phía tây của tòa nhà.

Máy bay thứ 4 và cũng là cuối cùng bị cướp là chuyến bay 93 của United Airlines. Ban đầu, máy bay bay về hướng Washington, D.C, mục tiêu thực sự của chiếc máy bay có thể là Điện Capitol hoặc Nhà Trắng. Nhưng sau đó máy bay rơi xuống cánh đồng gần Shanksville, Pennsylvania.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai hồi tưởng vụ khủng bố 11/9: Tôi bàng hoàng, mọi thứ giống như một bộ phim hành động! - Ảnh 3.

Các nhân viên cứu hộ nhìn vào miệng hố lớn được tạo ra khi chiếc máy bay bị không tặc cướp lao xuống một cánh đồng gần Shanksville, Pennsylvania sáng thứ Ba ngày 11/9/2001. Ảnh Getty.

Phải nói rằng lúc nghe tin tôi thực sự bàng hoàng và không tin rằng đây là một vụ khủng bố mà chỉ nghĩ rằng đây là một vụ tai nạn/động đất gì đó thôi. Bởi vì trong lịch sử nước Mỹ chưa từng có vụ khủng bố nào khủng khiếp như vậy cả. Chưa từng có vụ nào được tổ chức hoàn hảo, chính xác như vậy cả.

Hơn nữa, nước Mỹ có một bộ máy an ninh chặt chẽ, tinh vi và hiện đại nhất thế giới, không thể hiểu được vì sao 19 tên không tặc lại có thể lọt qua được các rào chắn an ninh đó để máy bay và thực hiện các vụ cướp máy bay.

Nhưng sau đó xem tin tức trên tivi thì biết rằng, vụ khủng bố là có thật. Nhưng đến lúc bấy giờ vẫn không thể hiểu được, tại sao những kẻ khủng bố lại có thể tổ chức được một vụ tấn công tinh vi, hoàn hảo đến như vậy. Mọi thứ giống như một bộ phim hành động!

Mọi thứ giống như một bộ phim hành động!

Đại sứ Nguyễn Quang Khai

Điều thứ 2 là lúc bấy giờ tôi rất lo lắng cho người Việt Nam mình ở New York. Vì ở New York lúc đó có cơ quan đại diện ngoại giao của nước mình. Nên tôi rất lo cho số phận của những đồng nghiệp, những người bạn của mình làm việc tại cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở New York cũng như mọi công dân Việt Nam sinh sống và học tập ở đây.

Nhưng sau đó, hết sức may mắn là tất cả mọi người trong cơ quan đại diện ngoại giao của nước mình đều an toàn, bình yên vô sự.

img
img
img
img

Lửa vẫn cháy ở Lầu Năm Góc vào đêm 11/9/2001 sau khi tòa nhà này bị tấn công khủng bố vào sáng cùng ngày. Ảnh Reuters/Getty.

Vì sao những kẻ khủng bố lại nhắm vào nước Mỹ để tấn công, thưa ông?

- Thực ra các tổ chức khủng bố từ trước tới nay thường chọn các mục tiêu của Mỹ để tấn công. Có rất nhiều vụ tấn công khủng bố trước và sau sự kiện 11/9 nhắm vào phương Tây, nhưng chủ yếu là Mỹ.

Để hiểu được tại sao những kẻ khủng bố lại chọn Mỹ làm mục tiêu, thì phải biết những kẻ khủng bố là ai. Chúng ta đều đã biết 19 kẻ cướp máy bay hôm 11/9/2001 là thành viên tổ chức khủng bố al-Qaeda. Đây là một tổ chức đa quốc gia tập hợp các chiến binh Hồi giáo cực đoan dòng Sunni, với thủ lĩnh là Osama bin Laden.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai hồi tưởng vụ khủng bố 11/9: Tôi bàng hoàng, mọi thứ giống như một bộ phim hành động! - Ảnh 5.

Bên trong Lầu Năm Góc tan hoang sau vụ tấn công kinh hoàng Ảnh Getty.

Tổ chức này vốn ghét Mỹ, chống Mỹ vì Mỹ đã có những chính sách thù địch với thế giới Hồi giáo. Nhìn chung, các yếu tố Hồi giáo thường đóng vai trò chính trong nhiều vụ khủng bố đẫm máu.

Trước vụ khủng bố 11/9/2001, Mỹ vốn đã hiện diện ở Trung Đông từ rất lâu. Lính Mỹ và các căn cứ quân sự Mỹ có mặt trên khắp Trung Đông. Các công ty Mỹ thì ra sức khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở đây. Người Mỹ cũng đẩy mạnh truyền bá văn hóa, lối sống tự do phương Tây hoàn toàn không phù hợp với nền tảng văn hóa và lối sống, phong tục tập quán của người Hồi giáo nên người Hồi giáo rất ác cảm với Mỹ.

Tôi đã từng công tác ở các nước Hồi giáo ở Trung Đông gần 20 năm thì thấy, nhìn chung, người dân ở đây không có cảm tình với Mỹ nếu không muốn nói là họ ghét Mỹ.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai hồi tưởng vụ khủng bố 11/9: Tôi bàng hoàng, mọi thứ giống như một bộ phim hành động! - Ảnh 6.

Người Afghanistan tbiểu tình chống Mỹ ở tỉnh Jalalabad sau vụ một binh sĩ Mỹ bị cáo buộc bắn chết dân thường ở Kandahar. Ảnh Reuters.

Ngoài ra, một nguyên nhân cũng quan trọng khác là Mỹ chủ trương ủng hộ Nhà nước Do thái Israel trong các cuộc xung đột Israel-Ả Rập, xung đột Israel–Palestine. Điều này khiến căng thẳng giữa Mỹ và thế giới Hồi giáo càng thêm căng thẳng.

img
img
img

Sau 20 năm, những hình ảnh đau thương về vụ tấn công khủng bố đẫm máu ngày 11/9/2001 ở Mỹ vẫn đầy ám ảnh, xót xa. Ảnh Getty/Reuters.

Thực tế, sau khi nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công khủng bố 11/9, Osama bin Laden, thủ lĩnh al-Qaeda cũng đã viết một bức thư nói rõ lý do tại sao lại tấn công nước Mỹ. Theo đó, bin Laden nói rằng, họ nhắm vào nước Mỹ vì Mỹ không ngừng tấn công al-Qaeda, buộc lòng họ phải đáp trả. 

Ngoài ra, al-Qaeda cũng cáo buộc Mỹ đánh cắp tài nguyên vùng bán đảo Ả Rập; Lũng đoạn nền chính trị của các quốc gia trong khu vực; Đặt các căn cứ quân sự tại bán đảo Ả Rập, xâm phạm đất thánh của người Hồi giáo; Gây bất hòa giữa các quốc gia Hồi giáo để làm suy yếu sức mạnh chính trị của khối này; Ủng hộ Israel...

Đại sứ Nguyễn Quang Khai hồi tưởng vụ khủng bố 11/9: Tôi bàng hoàng, mọi thứ giống như một bộ phim hành động! - Ảnh 8.

Hình ảnh nhiều người bị mắc kẹt bên trong tòa tháp Bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới đang bốc cháy ngùn ngụt ngày 11/9/2001 ngóng trông ra bên ngoài cầu cứu. Ảnh Reuters

Ông đánh giá vụ khủng bố kinh hoàng 111/9 đã ảnh hưởng thế nào đến nước Mỹ và đời sống của người dân Mỹ?

- Vụ tấn công 11/9 khiến gần 3.000 người thiệt mạng và hơn 6.000 người khác bị thương. Người ta đã ước tính được hơn 3.000 trẻ em có cha hoặc mẹ thiệt mạng trong khủng bố đẫm máu này.

Ngay sau khi vụ khủng bố, chính quyền New York đã đưa ra đánh giá về mức thiệt hại trực tiếp về kinh tế sau khi tòa tháp đôi sụp đổ là 55 tỷ USD. Sau đó, Mỹ phải chi thêm 40 tỷ USD để xây dựng lại tòa tháp đôi. Ngoài ra, các chi phí về bảo hiểm, bồi thường thiệt hại... lên tới hàng trăm tỷ USD.

img
img
img
img

Không chỉ nước Mỹ, vụ khủng bố 11/9 được cho là đã làm thay đổi thế giới mãi mãi. Ảnh Reuters/Getty.

Năm 2011, tờ New York Times đưa ra ước tính tổng thiệt hại trong vụ khủng bố 11/9 là 3,3 nghìn tỷ USD. Sự kiện này đã gây ra suy thoái kinh tế cho nước Mỹ, châm ngòi cho những cuộc chiến chống khủng bố tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD ở Iraq và Afghanistan của Mỹ suốt hàng chục năm, khiến tổng cộng hơn 6.500 binh sĩ Mỹ thiệt mạng (4.000 binh sĩ ở Iraq và hơn 2.500 người ở Afghanistan).

Ngoài ra, về chính trị, cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ ở Iraq và Afghanistan sau thảm kịch 11/9 đã làm nước Mỹ chia rẽ nghiêm trọng, chưa từng có. Sự chia rẽ xuất hiện không chỉ ở trong nội bộ người dân Mỹ, mà còn giữa 2 đảng Dân chủ-Cộng hòa lẫn Quốc hội Mỹ.

Sau vụ khủng bố 11/9/2001, người dân Mỹ có ủng hộ cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan và Iraq hay không thưa ông? Sau khi rút quân khỏi Afghanistan mới đây, liệu tương lai chính quyền Mỹ có công nhận chính quyền Taliban hay không?

img
img
img

Vụ khủng bố 11/9/2001 đã châm ngòi cho cuộc xâm lược Afghanistan (2001) và Iraq (2003) của Mỹ. Ảnh BBC/Reuters

- Sau vụ khủng bố 11/9, vì thiệt hại gây ra quá lớn, quá đau thương nên người dân đa phần ủng hộ chính quyền Mỹ tấn công Afghanistan và Iraq.

Theo thăm dò dư luận của viện Gallup khi đó, có tới 88% người Mỹ ủng hộ Mỹ đưa quân sang Afghanistan để tiêu diệt al-Qaeda, Taliban vì Taliban đang che chở al-Qaeda. Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Bush khi đó cũng tăng vọt lên 90%. Mỹ thời điểm đó ra tối hậu thư đòi Taliban giao bin Laden cho Mỹ nhưng Taliban không đồng ý. Cuối cùng ông Bush phát động cuộc chiến ở Afghanistan và sau đó là Iraq.

Tuy nhiên, đến nay lại ngược lại, đại đa số người Mỹ lại không ủng hộ cuộc chiến của Mỹ ở 2 quốc gia nói trên vì chúng kéo dài quá, tổn thất lớn quá về người lẫn vật chất. Theo thăm dò dư luận thì có tới 62% người Mỹ cho rằng, đáng lẽ cuộc chiến ở Afghanistan không nên xảy ra.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai hồi tưởng vụ khủng bố 11/9: Tôi bàng hoàng, mọi thứ giống như một bộ phim hành động! - Ảnh 11.

Mỹ cuối cùng đã rút hết quân đội tại Afghanistan, chấm dứt cuộc chiến kéo dài 20 năm vô cùng tốn kém này vào ngày 31/8/2021. Ảnh Reuters.

Về việc liệu trong tương lai, Mỹ có công nhận chính quyền Taliban ở Afghanistan hay không, thì theo tôi, chắc chắn dù sớm hay muộn Mỹ cũng sẽ công nhận thôi.

Mỹ sẽ công nhận chính quyền Taiban dù sớm hay muộn

Đại sứ Nguyễn Quang Khai

Taliban thực tế là một lực lượng chính trị, quân sự không thể thiếu được ở Afghanistan. Thực tế, sau khi Taliban chiếm được Kabul thì lực lượng này lại hợp tác rất tốt với Mỹ trong việc đảm bảo an ninh cho người Mỹ và người Afghanistan từng hợp tác với Mỹ di tản. Chính Mỹ cũng đã phải thừa nhận điều đó. Hiện mặc dù đã đóng cửa đại sứ quán ở Kabul, song các nhà ngoại giao Mỹ ở Doha, Qatar vẫn được giao nhiệm vụ theo dõi và phối hợp với Taliban để di tản số người Mỹ vẫn còn kẹt lại tại Afghanistan.

Tôi cho rằng, Mỹ đã ở Afghanistan 20 năm, có rất nhiều lợi ích ở đây. Để bảo vệ lợi ích của mình, Mỹ không còn cách nào khác là phải quan hệ với chính quyền Taliban. Một điều nữa, Mỹ không thể để Nga, Trung Quốc lấp chỗ trống của mình ở Afghanistan, không thể để 2 nước đó tăng cường ảnh hưởng ở đây. Vì thế, sớm hay muộn thì Mỹ cũng sẽ quay lại Afghanistan, không phải bằng quân sự mà bằng kinh tế và chính trị nên Mỹ sẽ công nhận chính quyền Taiban.

Sau 20 năm, nên nhớ đến và nghĩ về vụ khủng bố 11/9/2001 như thế nào, thưa ông?

img
img
img
img

20 năm sau vụ khủng bố 11/9, nỗi đau của người Mỹ vẫn chưa thể nguôi ngoai. Ảnh Reuters/Getty.

- Đây là vụ khủng bố thảm khốc nhất trong lịch sử nước Mỹ và không ai ủng hộ cuộc khủng bố này cả. Đến nay, 20 năm trôi qua, tôi cảm thấy vẫn có rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp rõ ràng về vụ khủng bố này. Những câu hỏi đó, liệu có được giải đáp hay không thì phải đợi chính phủ Mỹ giải mật toàn bộ cuộc điều tra của họ về sự kiện này.

Mặt khác, 20 năm trước, sau thảm kịch 11/9, Mỹ và phương Tây đã tuyên bố cuộc chiến chống khủng bố ở Iraq và Afghanistan, nhưng thực tế mục đích chính/mục tiêu chiến lược của họ lại là thành lập một chính phủ thân phương Tây tại đây, biến 2 nước này này đồng minh chiến lược của Mỹ tại Trung Đông, rồi truyền bá văn hóa/lối sống phương Tây tới người dân ở đây. Nhưng cuối cùng, Mỹ đã thất bại. Tất cả các mục tiêu, họ đều không đạt được.

Tôi cho rằng, thực tế, cuộc chiến chống khủng bố không hề đơn giản, cần có sự tham gia góp sức của cả cộng đồng quốc tế. Một mình Mỹ không thể làm được. Cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan đã chứng minh điều đó. Theo tôi, để triệt tiêu chủ nghĩa khủng bố, thì không thể chỉ chống lại một con người cụ thể nào đó được (chẳng hạn, trùm khủng bố al-Qaeda Osama bin Laden), mà phải "thủ tiêu" nguyên nhân gây ra chủ nghĩa khủng bố, nghĩa là phải chống khủng bố từ gốc. Và đó là gì? Mọi thứ lại bắt nguồn từ chính sách của Mỹ như tôi đã nói ở trên. Nên đây là điều mà các nhà hoạch định chính sách Mỹ cần phải suy nghĩ.

Xin cảm ơn ông!

Phương Dung thực hiện.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai tốt nghiệp Khoa Phương Đông Trường ĐHTH Tashkent thuộc Liên Xô cũ. Ông là một nhà ngoại giao kỳ cựu, từng làm việc tại nhiều nước Trung Đông, giữ cương vị Đại sứ Việt Nam tại Iraq, Jordan, Yemen, Lebanon và các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Ông nói thông thạo tiếng Ả Rập, tiếng Nga và tiếng Anh và từng giữ chức Vụ trưởng Bộ Ngoại giao.

Ghi nhận những đóng góp của Đại sứ Nguyễn Quang Khai trong phát triển quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước Trung Đông, ông đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba (2003), Huân chương Lao động hạng Nhì (2011), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2001) và nhiều giải thưởng cao quý khác.



Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem