Đại biểu Quốc hội phân tích vì sao dịch diễn biến phức tạp nhưng chưa phải ban bố tình trạng khẩn cấp

PVCT Thứ bảy, ngày 24/07/2021 06:25 AM (GMT+7)
Theo ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau), đại dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp ở TP.HCM và các tỉnh lận cận thuộc các tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Tuy nhiên nói đến việc ban bố tình trạng khẩn cấp thì phải dựa vào những dấu hiệu đặc trưng được pháp luật quy định.
Bình luận 0

Tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh có những dấu hiệu thế nào?

Khi Quốc hội thảo luận tổ về kinh tế -xã hội, trong phát biểu, ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng - Đại tá, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã nói, với tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhất là ở các tỉnh phía Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Đại biểu Quốc hội phân tích vì sao dịch diễn biến phức tạp nhưng chưa phải ban bố tình trạng khẩn cấp - Ảnh 1.

ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau, ảnh Trung tâm báo chí Quốc hội).

Tuy nhiên, vị ĐBQH này cho rằng, Chính phủ nên nghiên cứu, đề xuất Quốc hội ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh.

Từ đề nghị của vị ĐBQH tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu, dư luận đặt vấn đề, tình trạng dịch Covid -19 hiện nay đã đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp chưa? Để ban bố tình trạng khẩn cấp phải dựa trên những yếu tố nào.

Trao đổi về vấn đề này, ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng: Đại dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp ở TP.HCM và các tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Tuy nhiên nói tới việc ban bố tình trạng khẩn cấp thì phải dựa vào những dấu hiệu đặc trưng được pháp luật quy định.

"Trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm có quy định thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội không họp, Chủ tịch nước công bố tình trạng khẩn cấp.

Tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh có những dấu hiệu thế nào? Đó là dấu hiệu lan rộng ở mức độ nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng, đến sự an nguy của người dân và khả năng có tính hủy diệt cao, lúc đó mới ban bố tình trạng khẩn cấp", ĐBQH Lê Thanh Vân nói.

Theo vị ĐBQH Đoàn Cà Mau, với thực trạng phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay, tuy dịch có diễn biến phức tạp, chúng ta đang huy động cả hệ thống vào cuộc quyết liệt và dịch vẫn đang trong tầm kiểm soát. Mặc dù tại TP.HCM, qua phát biểu lãnh đạo cho thấy có dấu hiệu tăng cường công tác chống dịch trên mức của Chỉ thị 16 (trên mức giãn cách xã hội) nhưng chưa tới mức ban bố tình trạng khẩn cấp.

Nếu so sánh với những dấu hiệu của tình trạng khẩn cấp thì dịch Covid-19 hiện vẫn trong tình trạng kiểm soát. Sự lây nhiễm đe dọa đến tính mạng người dân chưa tới mức như quy định để ban bố tình trạng khẩn cấp. Hàng ngày số ca nhiễm tăng lên nhưng bên cạnh đó số ca bệnh được chữa khỏi cũng tăng lên.

Đại biểu Quốc hội phân tích vì sao dịch diễn biến phức tạp nhưng chưa phải ban bố tình trạng khẩn cấp - Ảnh 3.

ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng cho rằng Chính phủ nên nghiên cứu, đề xuất Quốc hội ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh.(ảnh Vietnamnet.vn).

Chính phủ đang có những điều chỉnh cần thiết

Theo ĐBQH Lê Thanh Vân, trong lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch không được hốt hoảng và phải có nhưng giải pháp thích hợp. Mọi người cũng cần phải có nhận thức đầy đủ về dịch và có những kiến thức để sớm phát hiện, tự điều trị trước.

"Nói tới dịch Covid-19, tử vong là nỗi lo lớn nhất của nhiều người hiện nay. Tuy nhiên có thể thấy, phương án chống dịch của chúng ta đã chuyển trọng tâm từ việc ngăn chặn, bao vây, truy vết sang hướng tập trung bảo vệ các đối tượng có nguy cơ nhất. Đây là hướng chống dịch đúng và đang phát huy tác dụng, điều đó cũng có nghĩa dấu hiệu đe dọa tính mạng của nhân dân đang được xử lý từng bước.

Phân tích như thế để thấy thực trạng hiện nay chưa thỏa mãn các dấu hiệu để ban bố tình trạng khẩn cấp theo quy định trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm", ĐB Vân nói.

ĐBQH Lê Thanh Vân cũng chia sẻ với lo lắng của nhiều người trước diễn biến phức tạp của dịch, nhưng lo lắng tới mức hoảng loạn là không nên. Trong công tác phòng, chống dịch lúc này phải bình tĩnh nhận diện ra tính chất của dịch bệnh để có phương án và đối sách thích hợp.

"Hiện Chính phủ đang có những điều chỉnh rất cần thiết, rất sát thực, nhưng trong công tác phòng, chống dịch vấn đề còn là thẩm quyền và trách nhiệm của mỗi địa phương. Các địa phương phải thực sự bám sát vào đặc thù của mình để có giải pháp thiết thực, đừng hoảng loạn về tâm lý, đừng vì lo sợ dịch quá mức để rồi dẫn tới việc "ngăn sông, cấm chợ", cắt đứt nguồn cung cấp thực phẩm của người dân; ngăn chặn những người trở về địa phương bằng những biện pháp cực đoan rồi vô hình chung tạo ra những hệ lụy", ĐBQH Lê Thanh Vân nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem