Cựu Chủ tịch Bình Thuận Lê Tiến Phương vừa bị bắt có liên quan gì đến dự án của Tập đoàn Rạng Đông?

Nhóm PV Thời Sự Thứ bảy, ngày 27/04/2024 14:00 PM (GMT+7)
Theo nguồn tin Dân Việt, trên cương vị Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, ông Lê Tiến Phương đã chủ trì cuộc họp thông qua Đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 Khu đô thị du lịch biển tại khu vực sân Golf Phan Thiết cũ, TP. Phan Thiết của Tập đoàn Rạng Đông.
Bình luận 0

Ông Lê Tiến Phương khi trên cương vị Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã trực tiếp ký kết nhiều quyết định quan trọng như báo cáo một số vấn đề lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của dự án Ocean Dunes Golf Club (gọi tắt là sân Golf Phan Thiết) sang xây dựng đô thị biển liên quan đến Tập đoàn Rạng Đông. Bên cạnh đó là quyết định phê duyệt giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất với diện tích gần 36,4ha được phép chuyển đổi mục đích trong dự án...

Cựu Chủ tịch Bình Thuận Lê Tiến Phương vừa bị bắt có liên quan gì đến dự án của Tập đoàn Rạng Đông?- Ảnh 1.

Xe Bộ Công an trước nhà ông Lê Tiến Phương chiều 26/4. Ảnh: PV

Theo tư liệu PV Dân Việt thu thập được, tháng 1/2015, ông Lê Tiến Phương, lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã chủ trì cuộc họp thông qua Đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 Khu đô thị du lịch biển tại khu vực sân Golf Phan Thiết cũ, phường Phú Thủy, TP. Phan Thiết.

Tại cuộc họp này, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Rạng Đông (Tập đoàn Rạng Đông) trình bày Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu đô thị du lịch biển có quy mô diện tích đất khoảng hơn 62 ha, là khu ở kết hợp với các loại hình thương mại, dịch vụ, du lịch.

Quy mô dân số dự kiến trong khu quy hoạch khoảng 10.000 người, trong đó khoảng 6.000 người sinh sống ổn định và khoảng 4.000 tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng. Chủ đầu tư đề xuất 2 phương án quy hoạch. Phương án 1: Đất ở kết hợp thương mại dịch vụ 37,22 ha, chiếm 59,96%; đất giao thông 19,95 ha, chiếm 32,14% và đất công viên cây xanh 4,895 ha, chiếm 7,90%. Phương án 2: Đất ở kết hợp thương mại dịch vụ 36.527 ha, chiếm 58,85%; đất công cộng 0.252 ha, chiếm 0.41%; đất giao thông 19.775 ha, chiếm 31,86% và đất công viên cây xanh 5.511 ha, chiếm 8,88%.

Sau khi nghe chủ đầu tư báo cáo, căn cứ Quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung TP. Phan Thiết, Giấy phép quy hoạch của UBND tỉnh, báo cáo của Hội đồng thẩm định và các ý kiến đóng góp phân tích ưu điểm, khuyết điểm của hai phương án, ông Lê Tiến Phương thống nhất chủ trương Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị du lịch biển theo phương án 2 như đề xuất của chủ đầu tư.

Để Đồ án hoàn chỉnh trước khi báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ông Lê Tiến Phương yêu cầu: Sở Xây dựng và chủ đầu tư cần nghiên cứu diện tích dự phòng để bố trí nhà trẻ, mẫu giáo đảm bảo bố trí cho các cháu khi quy mô dân số của khu đô thị vượt quá 6.000 người; nghiên cứu trồng cây xanh ở các tuyến đường, công viên đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp.

Khi thiết kế và phê duyệt thiết kế các khối nhà cao tầng phải đảm bảo hạn chế tối đa chắn tầm nhìn và làm cản gió biển vào khu đô thị. Ngoài ra, ông Lê Tiến Phương còn giao cho Sở Xây dựng cùng chủ đầu tư tiếp thu bổ sung, hoàn chỉnh phương án quy hoạch, tập hợp hồ sơ, tham mưu UBND tỉnh văn bản trình xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước khi phê duyệt theo quy định. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm nghiên cứu, rà soát các quy định Nhà nước về đầu tư xây dựng khu đô thị để hướng dẫn Chủ đầu tư triển khai thực hiện các thủ tục đúng quy định...


Cựu Chủ tịch Bình Thuận Lê Tiến Phương vừa bị bắt có liên quan gì đến dự án của Tập đoàn Rạng Đông?- Ảnh 3.

Công an và bảo vệ dân phố trước khu vực nhà riêng của cựu giám đốc Sở Xây dựng Bình Thuận Xà Dương Thắng (đường Tuyên Quang nối dài).. Ảnh: PV

Lòng vòng chuyển 20% quỹ đất nhà ở xã hội ra khỏi dự án

Theo diễn biến sự việc, trước đó và ngày 1/3/2023, Trung tướng Đỗ Văn Hoành - khi đó là Phó Thủ trưởng Thường trực Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ký quyết định khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết (Bình Thuận). Dự án này do Công ty Cổ phần Rạng Đông làm chủ đầu tư có quy mô hơn 62 ha.

Theo quy định pháp luật, chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới không phân biệt quy mô diện tích đất tại các đô thị từ loại 3 trở lên phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết tổng thể mặt bằng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đã đầu tư xây dựng hệ thống kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội. Trong khi đó TP. Phan Thiết là đô thị loại II được Thủ tướng có quyết định công nhận từ tháng 6/2009.

Thế nhưng, thời điểm ông Lê Tiến Phương làm chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, lại đồng ý và bố trí hai khu đất khác (tổng diện tích 8,57 ha) để xây dựng nhà ở xã hội và cho phép chủ đầu tư nộp khoản tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% trong dự án trên với tổng diện tích đất nhà ở xã hội khoảng 7,2 ha.

Việc này đã làm thất thu ngân sách Nhà nước và có dấu hiệu cố ý biến đất để xây nhà ở xã hội trong dự án nằm ở vị trí đắc địa thành đất xây nhà thương mại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu lợi trái quy định.

Cựu Chủ tịch Bình Thuận Lê Tiến Phương vừa bị bắt có liên quan gì đến dự án của Tập đoàn Rạng Đông?- Ảnh 4.

Một góc trong Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết. Ản: PV

Cựu chủ tịch UBND TP Phan Thiết từng bị tuyên án

Trước đó ngày 26/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã công bố quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét nhà riêng đối với 6 bị can trong vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Cụ thể, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam và khám xét đối với 6 trường hợp, gồm: Lê Tiến Phương, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; Xà Dương Thắng, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng, nguyên Bí thư Huyện ủy Bắc Bình; Đỗ Ngọc Điệp, nguyên Chủ tịch UBND TP Phan Thiết; Hồ Như Hải, nguyên Phó Giám đốc Công ty CP Thông tin và Thẩm định giá Miền Nam - Chi nhánh Bình Thuận, Thẩm định viên về giá và Lê Anh Huy, nguyên Trưởng phòng Hành chính tổng hợp thuộc Chi cục quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận.

Trong đó bị can Nguyễn Xuân Phong, nguyên Cục phó Cục thuế Bình Thuận được tại ngoại.

Cơ quan điều tra cũng ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh tạm giam đối với 6 trường hợp là các cựu cán bộ tỉnh Bình Thuận hiện đều đang chấp hành án phạt tù trong vụ án Tân Việt Phát 2.

Trong các bị can trên có bị can Đỗ Ngọc Điệp (cựu chủ tịch UBND TP Phan Thiết) vào tháng 8/2020 đã bị TAND tỉnh Bình Thuận kết án 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo trong vụ sai phạm đất đai tại Phan Thiết và Lê Anh Huy, nguyên Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp, Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận bị kết án 18 tháng tù, cho hưởng án treo trong vụ án Tân Việt Phát 2.

Cựu Chủ tịch Bình Thuận Lê Tiến Phương vừa bị bắt có liên quan gì đến dự án của Tập đoàn Rạng Đông?- Ảnh 5.

Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết. Ảnh: PV

Trước đó, liên quan đến vụ việc này, ngày 26/4/2022 Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật Cảnh cáo đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận các nhiệm kỳ 2010 – 2015, 2015 – 2020 và Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bình Thuận các nhiệm kỳ 2011 – 2016, 2016 – 2021. Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng kỷ luật khiển trách ông Huỳnh Văn Tí, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2005 - 2010, 2010 – 2015; Cảnh cáo ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020; nguyên Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2010 - 2015; Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Lê Tiến Phương, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2005 - 2010, 2010 - 2015; nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2011 - 2016...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem