Cướp ngân hàng ở Hà Nội, hai đối tượng đối mặt với hình phạt nào?

Bảo Linh Thứ tư, ngày 29/07/2020 14:23 PM (GMT+7)
Theo luật sư, 2 đối tượng cướp ngân hàng ở Hà Nội có dấu hiệu phạm hai tội là tội Cướp tài sản và tội Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự.
Bình luận 0

Như Dân Việt thông tin, ngày 29/7, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.Hà Nội phối hợp với Công an quận Đống Đa và Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an bắt giữ 2 đối tượng nổ súng cướp ngân hàng BIDV chi nhánh Ngọc Khánh (số 27 Huỳnh Thúc Kháng, phường Láng Hạ, quận Đống Đa).

Theo đó, 2 đối tượng bị bắt gồm Phùng Hữu Mạnh (SN 1997, trú tại phố Châu Long, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, hiện ở phố Trúc Khê, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội); Hoàng Ngọc (SN 1978, trú tại phố Phan Bội Châu, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, hiện ở tòa nhà 27 phố Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa).

Cơ quan chức năng cho biết, do làm ăn thua lỗ, dẫn đến nợ nần nhiều tiền, Ngọc đã rủ Mạnh cướp tiền của Ngân hàng BIDV Chi nhánh Ngọc Khánh.

Hai đối tượng cướp ngân hàng ở Hà Nội đối mặt với hình phạt nào? - Ảnh 1.

Đối tượng Ngọc (trái) và Mạnh.

Trước đó, khoảng 10h ngày 27/7,  hai đối tượng đeo khẩu trang, mặc áo chống nắng đi bộ vào chi nhánh của ngân hàng BIDV.

Trong đó, 1 đối tượng đã sử dụng khẩu súng tự chế, dạng súng colt xoay, bắn đạn thể thao và số tiền cướp được là 942 triệu đồng.

Sau đó, 2 đối tượng đi bộ ra ngoài cửa ngân hàng, tiếp tục dùng súng đe dọa người dân cướp chiếc xe máy Dream màu mận chín, BKS: 29-137.X2, rồi tẩu thoát theo hướng đường Nguyên Hồng - Trúc Khê - Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng - Đại lộ Thăng Long.

Trao đổi với Dân Việt về hình phạt đối với hành vi trên của các đối tượng cướp ngân hàng, luật sư Trần Tuấn Anh – Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết: "Với những hành vi cụ thể nêu trên, đối chiếu với các quy định của pháp luật, tôi thấy các đối tượng đã có dấu hiệu phạm 2 tội được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Cụ thể là tội Cướp tài sản (Điều 168 BLHS) và tội Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (Điều 304 BLHS) với hành vi cụ thể là sử dụng trái phép vũ khí quân dụng".

Theo luật sư, đối với tội cướp tài sản, giá trị tài sản bị cướp là trên 500 triệu đồng, thì những đối tượng thực hiện hành vi này có thể phải đối mặt với mức án cao nhất là chung thân.

Ngoài ra, còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 1 đến 5 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản

Đối với hành vi sử dụng trái phép súng tự chế, dạng súng colt xoay, bắn đạn thể thao đã có dấu hiệu của tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng theo khái niệm về vũ khí quân dụng quy định tại Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu hỗ và công cụ hỗ trợ năm 2017 và khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu hỗ và công cụ hỗ trợ năm 2019.

Hành vi này của các đối tượng có thể phải chịu hình phạt nhẹ nhất là từ 1 đến 7 năm tù (theo quy định tại khoản 1 Điều 304 BLHS) và cao nhất là chung thân (theo khoản 4 Điều 304 BLHS).

Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 đến 5 năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem