dd/mm/yyyy

Cuối năm, các làng nghề miền Tây vẫn dè dặt sản xuất vì lo sức mua giảm

Còn chưa đầy 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, mọi năm đây là thời điểm các làng nghề ở ĐBSCL khẩn trương vào vụ sản xuất. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, nhiều cơ sở lo ngại sức mua giảm nên chỉ dám sản xuất cầm chừng.

Sản xuất cầm chừng

Hàng chục năm nay, làng nghề làm cá khô biển ở thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân (Cà Mau) nức tiếng gần xa bởi chất lượng sản phẩm vượt trội. Mọi năm vào thời điểm này, làng cá khô Cái Đôi Vàm đã tất bật sản xuất, với hàng chục hộ làm nghề, đến đâu cũng thấy người dân nhộn nhịp sơ chế cá, phơi cá… Thế nhưng năm nay, không khí sản xuất tại đây có phần trầm lắng hơn hẳn.

Ông Nguyễn Văn Chẵn (khóm 4, thị trấn Cái Đôi Vàm) cho biết: "Gia đình tôi đã theo nghề làm khô cá gần 20 năm. Mùa này là lúc làng cá khô biển hoạt động mạnh nhất vì ai cũng tranh thủ làm hàng để cung ứng vào dịp cuối năm, thông thường gia đình tôi sẽ nâng sản lượng cá khô lên gấp đôi. Tuy nhiên, năm nay sản lượng sản xuất có thể không bằng các năm. Thời điểm này, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, thiên tai... nên các đơn hàng đặt trước rất ít" - ông Chẵn nhận định.

Cuối năm, làng nghề vẫn dè dặt sản xuất - Ảnh 1.

Làng nghề cá khô ở Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân, Cà Mau) hiện chưa dám sản xuất nhiều hàng vì lo ngại sức mua giảm. Ảnh: C.L

Nhiều nhà vườn cũng cho rằng, có thể Tết Nguyên đán năm nay thị trường tiêu thụ hoa, cây cảnh... sẽ khó khăn do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, dành ưu tiên cho các mặt hàng thiết yếu như nhu yếu phẩm và quà tặng.

Tương tự, tại làng bánh tráng Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), hoạt động sản xuất tại các các cơ sở cũng đang ở mức cầm chừng. 

Anh Nguyễn Như Mạnh - chủ một trong những cơ sở sản xuất bánh tráng quy mô lớn, cho biết: "Sản phẩm bánh tráng có hạn sử dụng đến 6 tháng, nên thông thường trước tết cơ sở phải vào lò sớm để có đủ hàng cung ứng cho thị trường. Có những năm để đủ số lượng, lò bánh tráng của gia đình tôi "đỏ lửa" đến tận ngày 29 Tết. Như năm rồi cơ sở tiêu thụ được khoảng 120 tấn, riêng dịp Tết Nguyên đán mỗi ngày tiêu thụ khoảng 600kg".

Theo anh Mạnh, thông thường, từ khoảng tháng 10 âm lịch, cơ sở đã phải tất bật sản xuất cung ứng đặt hàng cho dịp tết. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, đến thời điểm này vẫn chưa có đơn đặt hàng nhiều. Các đại lý, cửa hàng tạp hóa cũng chỉ đặt ít hàng nên cơ sở của anh Mạnh chỉ sản xuất ở mức cầm chừng, mỗi ngày từ 300-400kg.

Cuối năm, làng nghề vẫn dè dặt sản xuất - Ảnh 3.

Hàng năm, từ giữa tháng 10 âm lịch, lò bánh tráng của anh Nguyễn Như Mạnh đã có đơn hàng tăng gấp 2-3 lần ngày thường. Tuy nhiên năm nay anh chỉ sản xuất cầm chừng. Ảnh: N.Q

Bất an tại làng hoa kiểng

Đến thời điểm này, các nhà vườn hoa kiểng ở ĐBSCL đang bắt tay xuống giống cho vụ hoa lớn nhất trong năm. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên khi chúng tôi hỏi, hầu hết các nhà vườn đều bày tỏ sự bất an về sức tiêu thụ của thị trường tết.

Tại làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán năm nay, bà con không chỉ dừng lại ở 20-30 dòng hoa truyền thống, mà còn nghiên cứu, tìm kiếm thêm nhiều giống hoa mới, lạ.

Theo thông tin từ Phòng Kinh tế - Hạ tầng TP.Sa Đéc, dịp tết năm nay, địa phương dự kiến cung ứng ra thị trường khoảng 2,5 - 3 triệu giỏ hoa. Trong đó, cúc mâm xôi trên 150.000 giỏ, hồng các loại trên 600.000 giỏ...

Đặc biệt, năm nay nông dân trồng hoa Sa Đéc sẽ tung ra thị trường các loại hoa mới như cúc tia, cúc đồng tiền mini siêu lùn, ngoài ra còn có một số cúc giống mới được lai tạo từ Viện Cây ăn quả Miền Nam, cúc họa mi, hỏa châu, thạch thảo đỏ…

Trò chuyện với phóng viên, ông Nguyễn Hoàng Võ Mộng Kha (ngụ khóm Tân Mỹ, phường Tân Quy Đông) cho biết, sau nhiều năm thử nghiệm, ông đã trồng được một số giống hoa mới phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương như: Dâu tây, cúc mai với 8 màu khác nhau… Tuy nhiên, năm nay gia đình ông cũng không dám tăng diện tích, tăng số chậu vì lo lắng thị trường tiêu thụ cuối năm ảm đạm, do ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19.

"Đầu vụ xuống giống thời tiết khá thuận lợi, phù hợp cho người trồng hoa. Tôi chỉ mong sao thời tiết từ đây đến cuối năm ổn định, dịch Covid-19 không bùng phát để người dân yên tâm sản xuất" - ông Kha bộc bạch.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng TP.Sa Đéc, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình tiêu thụ hoa kiểng những tháng đầu năm nay chậm hơn so với 2019, lượng tiêu thụ giảm khoảng 30%, tuy nhiên giá không giảm.

"Hà Nội, TP.HCM vẫn là thị trường tiêu thụ hoa kiểng truyền thống. Vào mùa này, làng hoa bắt đầu nhộn nhịp trở lại, nhưng do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên hiện chưa thể đánh giá được thị trường. Cũng vì thế cả người trồng hoa và thương lái vừa làm vừa ngóng tình hình dịch" - bà Ngọc cho biết.

Tại huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ, người dân cũng dè dặt xuống giống hoa kiểng vì sợ ảnh hưởng của dịch Covid-19, sức mua giảm. Tết năm trước, Phong Điền cung cấp ra thị trường khoảng 340.000 chậu hoa các loại, năm nay sản lượng ước giảm khoảng 30%. Riêng loại cúc Đài Loan giảm đến 60% vì vốn cao lại chiếm diện tích khá lớn, đòi hỏi chi phí đầu tư cao và nhiều công chăm sóc. 

 

  

Chúc Ly