Cuộc hội ngộ của "Vua cá sấu", "vua sáng chế", "vua bưởi" ở Thủ đô

Thu Hà Thứ sáu, ngày 13/10/2017 18:30 PM (GMT+7)
Để tham dự các sự kiện quan trọng của Chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam 30 năm Đổi mới”, từ chiều  12.10, nhiều đại biểu Nông dân Việt Nam xuất sắc từ các tỉnh, thành phố trong cả nước đã tụ hội về Thủ đô Hà Nội với niềm hân hoan, phấn khởi được dự ngày hội lớn và những sẻ chia về cuộc sống, công việc...
Bình luận 0

Tâm tình của những nhà nông giỏi giang

Là một trong những người về Hà Nội sớm nhất “Tỷ phú lái đò trên dòng sông Pô Kô” - anh A Hiếu, dân tộc Rơ Ngao (Kon Tum) phấn khởi cho hay: “Tôi rất vinh dự được là đại diện cho nông dân tỉnh Kon Tum ra Hà Nội dự lễ tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 30 năm Đổi mới”. Ra Hà Nội lần này, vợ con tôi đã chuẩn bị cho tôi một bộ trang phục dân tộc Rơ Ngao thật đẹp để lên nhận danh hiệu và cũng để giới thiệu về nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình”.

Còn anh Ma Văn Anh (dân tộc Tày) đến từ tỉnh Hà Giang bộc bạch, quanh năm anh và gia đình làm việc ở nương ngô và chăm sóc đàn bò, tham gia công tác bảo vệ biên giới chỉ để mong có thể mang lại cuộc sống ấm no, bình yên cho gia đình, cho dân bản. Thế nên anh rất bất ngờ và tự hào khi được bầu chọn là “Nông dân Việt Nam xuất sắc” của tỉnh với thành tích tham gia bảo vệ an ninh biên giới và được về thủ đô Hà Nội dự lễ vinh danh.

img

 Nông dân xuất sắc Nguyễn Văn Giầu (Tuyên Quang) giới thiệu bưởi đặc sản do ông làm ra. Ảnh: TRẦN QUANG

“Nếu xét toàn tỉnh thì thu nhập của gia đình tôi chưa phải là lớn, nhưng có lẽ Ban tổ chức chọn tôi là bởi thành tích tham gia bảo vệ biên giới, an ninh Tổ quốc, điều này làm tôi và gia đình tự hào lắm. Mong muốn của tôi được gặp gỡ bạn bè nông dân giỏi của các tỉnh, thành phố trên khắp cả nước để học hỏi, giao lưu kinh nghiệm sản xuất và hiểu biết thêm nhiều lĩnh vực khác” - anh Ma Văn Anh bày tỏ.

Cũng rất tình cờ, 2 “nhà sáng chế chân đất” là anh Phi Anh Đệ ở tỉnh Phú Yên và anh Trần Đình Lai ở Thừa Thiên- Huế được xếp ở cùng 1 phòng khách sạn. Câu chuyện giữa 2 nhà sáng chế rôm rả tưởng như không dứt ra được.

Anh Lai tâm sự: “Xuất phát từ quá trình lao động thực tiễn vất vả nên chúng tôi tự mày mò, nghĩ cách để bản thân mình và bà con nông dân bớt khổ! Được tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc, đây là động lực để chúng tôi tiếp tục trau dồi kinh nghiệm, tri thức, vươn lên làm giàu cho bản thân mình và tiếp tục phục vụ bà con nông dân”.

img

Các đại biểu Nông dân Việt Nam xuất sắc 30 năm Đổi mới gặp nhau ở Hà Nội buổi đầu với niềm vui, phấn khởi, tay bắt, mặt mừng và sau đó là những câu chuyện làm ăn, kinh doanh sôi nổi. Ảnh: Trần Quang.

Không chỉ nổi tiếng với biệt danh “Vua cá sấu”, ông Trần Ngọc Hiếu ở Thái Bình còn được nhiều người biết đến  với mô hình trồng thanh long tím. Theo ông Hiếu, ông là người đầu tiên ở tỉnh Thái Bình trồng thành công giống thanh long này. Năm nay là vụ thu hoạch thanh long tím đầu tiên, với thu nhập đạt bình quân 1 tỷ đồng/ha.

“Hiện nay, các giống thanh long ruột trắng, ruột đỏ, ruột vàng thì có nhiều nhưng giống thành long ruột tím khá hiếm. Chính vì hiếm, nên toàn bộ số lượng quả thanh long ruột tím của trang trại tôi được các thương lái Trung Quốc mua với giá cao. Sắp tới, cùng với việc xây dựng nhà máy chế biến da cá sấu, tôi cũng sẽ liên kết với các hộ nông dân xây dựng HTX trồng thanh long ruột tím” - ông Hiếu nói.

Hiến kế, chia sẻ chuyện làm ăn

Được biết, hiện ông Hiếu đang ký hợp đồng với đối tác Trung Quốc cung cấp 50.000 con cá sấu/năm. Bên cạnh đó, ông Hiếu còn tổ chức cho 3.000 hộ gia đình làm vệ tinh nuôi cá sấu, lượng đặt hàng bà con nuôi đến 30.000 con/năm, trung bình mỗi hộ nuôi có thể thu lợi 100 triệu đồng/năm. Theo ông Hiếu, để làm ăn với đối tác Trung Quốc cần phải có hợp đồng ký kết cụ thể, rõ ràng và chặt chẽ...

img

Nông dân xuất sắc Trần Ngọc Hiếu (Thái Bình, trái) vui mừng gặp Nông dân xuất sắc Lò Văn Pâng (Điện Biên). ảnh: Trần Quang

Chia sẻ của ông Hiếu là điều làm anh Nguyễn Văn Giầu ở Tuyên Quang và nhiều Nông dân Việt Nam xuất sắc 30 năm đổi mới tâm đắc, bởi vấn đề thị trường đầu ra vốn là điểm yếu của nông dân Việt Nam.

“Tôi có hơn chục ha trồng bưởi Đường, bưởi Diễn, bưởi da xanh. Hiện nay thị trường tiêu thụ rất tốt, tuy nhiên chủ yếu là các thương lái thu mua tự do, không có hợp đồng làm ăn cụ thể. Trên Tuyên Quang đất đai rộng rãi, để đa dạng các loại cây trồng, tránh “trứng bỏ 1 giỏ”, sau chuyến này tôi sẽ về tận nhà ông Hiếu học hỏi kỹ thuật trồng giống thanh long ruột tím” - anh Giầu cho hay.

Tại buổi đầu gặp gỡ đầu tiên ở thủ đô, những nông dân xuất sắc là những người chăn nuôi lợn giỏi nhất nước tỏ ra rất tâm đầu ý hợp trong việc cùng nhau bàn bạc, hiến kế vượt qua cơn “đại khủng hoảng giá lợn” diễn ra suốt gần 1 năm qua. Theo Nông dân xuất sắc Tô Hiến Thành (Bắc Giang), sở dĩ HTX Trường Thành của ông vẫn duy trì chăn nuôi tốt là do biết tìm hướng đi riêng trong sản xuất, chế biến các sản phẩm từ thịt lợn sạch. Hay như ông Nguyễn Văn Thanh ở Hà Nội vẫn có lãi từ việc áp dụng công nghệ cao vào chăn nuôi lợn…

Tuy nhiên nhiều nông dân xuất sắc cho rằng, về lâu dài để giúp người chăn nuôi vượt qua cơn khủng hoảng giá lợn rất cần những giải pháp hỗ trợ kịp thời của Chính phủ và các bộ ban ngành. “Được biết trong khuôn khổ chương trình, đoàn Nông dân Việt Nam xuất sắc được tiếp kiến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúng tôi rất phấn khởi. Đây là dịp để chúng tôi nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước” - Nông dân Việt Nam xuất sắc Lành Thị Triều (Đồng Nai) bày tỏ.

Mang bưởi ngọt đi làm quà
Hiện anh Nguyễn Văn Giầu (đến từ Tuyên Quang) đang trồng 34ha cây ăn quả và trồng rừng. Anh cho biết: “Đang bắt đầu vào mùa thu hoạch bưởi nên về tham gia chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam 30 năm đổi mới, tôi chọn những quả bưởi ngon nhất đến làm quà cho mọi người. Thấy mọi người hào hứng thưởng thức và khen quà “cây nhà lá vườn” ngon tôi rất vui” - anh Giàu phấn khởi nói.

Vượt lũ, đi thuyền về Thủ đô
Những ngày này, các tỉnh miền núi phía Tây Bắc đang là tâm điểm mưa lũ, ngập lụt nên nhiều Nông dân xuất sắc di chuyển xuống Hà Nội rất khó khăn. Gian nan nhất có lẽ là ông Nguyễn Công Bắc ở Sơn La, người mất một chân do bị tai nạn lao động nhiều năm trước.

Ông đi xe khách từ Sơn La đến huyện Mai Châu (Hòa Bình) thì nước ngập sâu, xe khách không đi nổi. Cũng may là có thuyền cứu hộ nên ông đi qua được, sau đó bắt xe ôm rồi bắt xe khách mới xuống được Hà Nội.  
Đức Thịnh (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem