"Cuộc chơi" không dành cho người liều: Những trại lợn dần hồi sinh, thu quả ngọt (bài 4)

Nhóm P.V Thứ sáu, ngày 05/06/2020 19:00 PM (GMT+7)
Ngay sau khi dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tạm lắng xuống, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã có chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trang trại, HTX và nông hộ tái đàn, tăng đàn lợn.
Bình luận 0

Ở nông thôn, nghề nuôi lợn cũng chính là kế sinh nhai của bà con. Vì thế, khi giá lợn hơi tăng cao từ cuối năm 2019, nhiều nông hộ, trang trại đã áp dụng "trăm phương ngàn kế", quyết tâm tái đàn thành công.

Thay đổi "chiến lược" phòng dịch bệnh

Ở thôn Phù Lang, xã Phù Lương (huyện Quế Võ, Bắc Ninh), người duy nhất giữ, duy trì và tái đàn lợn thành công là ông Đào Viết Xuê - Giám đốc HTX sản xuất VAC Tiến Thịnh. 20 năm nuôi lợn, chưa bao giờ ông Xuê thấy bất lực như lúc trại lợn cả nghìn con bị "dính" DTLCP. 

May mắn sau đó, ông đã có sự thay đổi trong cách thức phòng chống bệnh dịch và bắt đầu thu "quả ngọt".

Bài 4: Dùng “trăm phương ngàn kế”, nhiều trại lợn  hồi sinh  - Ảnh 1.

Bài 4: Dùng “trăm phương ngàn kế”, nhiều trại lợn  hồi sinh  - Ảnh 2.

Vượt qua “bão” dịch tả lợn châu Phi, gia đình ông Đào Viết Xuê đã giữ, duy trì và tái đàn với 70 nái sinh sản và 800 lợn thương phẩm. Ảnh: K.L

"Để chăn nuôi bình ổn, đề nghị các cấp chính quyền, các hộ chăn nuôi phải đăng ký để kiểm soát đầu con. Người chăn nuôi lợn có lãi từ 1-1,2 triệu đồng/con thì người tiêu dùng được hưởng lợi đầu tiên. Với mức đó, giá không bao giờ bị cao, người chăn nuôi không bao giờ bị lỗ".

Ông Đào Viết Xuê

Ông Xuê cho biết, năm 2017, giá thịt lợn hơi giảm sâu. Năm 2018 phục hồi được một thời gian, đến năm 2019 lại bị DTLCP hoành hành. Gia đình ông thiệt hại 100 tấn vừa lợn nái, lợn thịt và lợn con, tương đương 2/3 tổng đàn. May mắn ông còn giữ lại được 1/3.

Được biết, năm ngoái trại lợn của gia đình ông Xuê gần như là trại cuối cùng bị DTLCP, dù đã tìm đủ cách chống đỡ. Tuy nhiên trong hoàn cảnh đó, ông không hề nao núng. Ông quyết tâm bỏ tiền mua thuốc về sát trùng chuồng trại, đầu tư xây bể nước sạch, quây lưới ngăn côn trùng xâm nhập trại...

Đặc biệt, trong lúc đang thua lỗ, dịch bệnh chưa biết thế nào, nhưng ông vẫn đầu tư 500-600 triệu đồng để mua máy phát điện. 

"Lúc đó đang lỗ nặng, cả đàn lợn bị tiêu huỷ nhưng tôi vẫn cắn răng chi tiền mua máy vì sợ mở cửa, bỏ lưới ra côn trùng sẽ xâm nhập, gây bệnh cho những con khoẻ mạnh còn lại" - ông Xuê nói.

Điều may mắn với gia đình ông là sự thay đổi trong cách thức phòng trừ DTLCP. Thay vì phải tiêu hủy cả đàn lợn, chỉ những con lợn bị bệnh ông mới tiêu hủy. Nhờ đó ông đã giữ được đàn nái và có cơ hội tái đàn khi dịch bệnh lắng xuống.

"Qua quá trình giữ lại, đến nay gia đình đã có thêm 20 lợn nái, bắt đầu đẻ rồi. Tổng đàn bây giờ là 70 lợn nái và 800 lợn thương phẩm. Rất mừng là tôi có lợn bán lúc giá lợn hơi lên cao, trung bình thu lãi từ 4 - 4,5 triệu đồng/con. Nhờ đó mà tôi đã gỡ được ít vốn liếng và đầu tư cơ sở giết mổ trị giá hơn 400 triệu" - ông Xuê nói.

Tương tự, giữa "cơn bão" DTLCP, ông Lương Văn Thương (SN 1971) ở thôn Lân Bông, thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn, vẫn tin với cách làm của mình, đàn lợn gần 500 con sẽ khoẻ mạnh, ăn no ngủ kỹ. Hiện trang trại lợn thịt của gia đình ông được gây giống từ 30 con nái còn sót lại sau đợt DTLCP. 

Ông Thương cho biết, trước đây gia đình ông chăn nuôi theo kiểu nhỏ lẻ. Năm 2015 ông thí điểm nuôi trên 1.000 con, sau đó tăng lên 1.800 con.

Ngăn chặn dịch bệnh bằng an toàn sinh học

PGS - TS Nguyễn Ngọc Hải - Khoa Chăn nuôi Thú y (Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM) cho biết, khi các nước châu Âu có DTLCP, họ làm mọi cách để hạn chế tác nhân truyền lây là lợn rừng.

Họ ra quyết định cho phép bắn lợn rừng để giảm áp lực lây nhiễm và áp dụng nguyên tắc giảm đàn. Hay khi Thái Lan có dịch, các công ty lớn ở nước này tìm đến vùng biên giới, thu mua toàn bộ lợn của nông hộ nhỏ lẻ để tiêu hủy, nhằm giảm tối đa áp lực lây bệnh. Việc làm này tưởng lạ nhưng hiệu quả.

Hiện nay, không có sản phẩm nào ngăn chặn tuyệt đối DTLCP. Trong khi đó, an toàn sinh học là giải pháp tổng thể, có thể áp dụng chung cho các mô hình chăn nuôi khác nhau.

N.V

Tuy nhiên, DTLCP xuất hiện khiến trại lợn của ông bị thiệt hại lớn. "Hồi đó, thấy mấy hộ nuôi nhỏ lẻ ở khu vực lân cận có lợn bị chết là vợ chồng tôi ăn ngủ không yên. Nhờ trại lợn của gia đình có 3 khu ở cách xa nhau nên may mắn giữ lại được 30 con lợn nái già" - ông Thương nói.

Sau khi bị DTLCP, 2 khu chuồng trại của gia đình ông sạch bóng lợn. Thiệt hại kinh tế do dịch gây ra lên đến hàng trăm triệu đồng. Gần đây, nhận thấy tình hình dịch bệnh đã lắng xuống, giá lợn hơi tăng mạnh nên vợ chồng ông "xốc tinh thần", sửa sang lại chuồng trại, gây giống tái đàn.

Từ 30 con lợn nái già, vợ chồng ông Thương từ từ nhân giống và nay đã có 70 lợn nái, với hơn 400 con lợn thịt trong chuồng. 

"Giá lợn hơi thời gian qua tăng rất cao, rất nhiều người nôn nóng mua con giống bên ngoài về nuôi nhưng tôi quyết tâm tự gây giống. Lứa này tôi chưa nuôi nhiều, một phần vốn liếng cũng đã cạn, phần khác cũng rất sợ DTLCP quay lại. Thôi thì chắc tới đâu làm tới đó, không thể đánh quả liều được" - ông Thương tâm sự.

Chỉ nên nuôi khi đủ điều kiện

Nằm lọt thỏm giữa vườn cây cao su và tách biệt khỏi khu dân cư, trại lợn của anh Nguyễn Văn Linh (ở huyện Bàu Bàng, Bình Dương) là 1 trong số ít những trang trại không bị DTLCP "ghé thăm". Hiện trang trại duy trì tổng đàn 1.000 con lợn các loại. Anh Linh cho biết, đàn lợn đã giảm 10% so với năm 2019 do trại tự giảm đàn để giảm áp lực dịch bệnh.

Trong mùa cao điểm DTLCP năm 2019, các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học được anh áp dụng triệt để, hạn chế tiếp xúc nguồn lây nhiễm bệnh. Các nhân viên kỹ thuật, nhân công trong trại đều bị hạn chế, thậm chí cấm ra ngoài. Xe đến mua lợn và tài xế cũng không được vào trại nuôi. Công nhân trong trại sẽ lùa lợn ra ngoài rồi mới cân bán.

Bên trong chuồng trại được vệ sinh, sát trùng kỹ hàng ngày. Điều quan trọng là trại nuôi nằm cách xa các trại khác, cách xa cả khu dân cư. 

"Mật độ nuôi trong chuồng cũng giảm xuống vì nếu mật độ nuôi quá dày đặc thì làm an toàn sinh học cũng không có ý nghĩa gì" - anh Linh nói.

Còn theo ông Lương Văn Thương (ở Chi Lăng, Lạng Sơn), thực tế là không ít hộ dân xuất hiện tình trạng vừa tái đàn lợn xong, đã lại tái bệnh, lợn lại chết. Theo ông, nguyên nhân chủ yếu là do khâu xử lý chuồng trại chưa tốt. 

"Nhiều người cứ nghĩ chuồng trại chỉ cần phun rửa sạch sẽ, rắc vôi bột và phun thuốc khử trùng là có thể ung dung tái đàn. Tuy nhiên làm như vậy là chưa đảm bảo, bởi nền trại, các kẽ hở, thành chuồng trại vẫn tồn tại virus, mầm bệnh" - ông Thương nói. Với kinh nghiệm nhiều năm chăn nuôi, ông Thương cho biết: Phải dùng khò, khò ở nhiệt độ cao thật tỉ mỉ diện tích chuồng trại, kết hợp phun khử khuẩn trước khi tái đàn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem