Cúm gia cầm A/H5N8 nguy cơ lây lan rộng: Kiểm soát chặt, đốc thúc tiêm vaccine

Minh Ngọc Chủ nhật, ngày 11/07/2021 18:46 PM (GMT+7)
Dịch cúm gia cầm A/H5N8 đã xuất hiện tại 3 tỉnh Hòa Bình, Quảng Ninh, Cao Bằng. Đây là dịch cúm gia cầm lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, các tỉnh, thành phố cần vào cuộc quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống dịch.
Bình luận 0

Khó xác định nguồn lây bệnh cúm gia cầm A/H5N8

Từ ngày 3/6, tại xã Hữu Lợi, huyện Yên Thủy (Hòa Bình), đàn gà 40 ngày tuổi của gia đình ông Vũ Đình Cường biểu hiện ốm, chết hàng loạt. Trong 3 ngày đầu, mỗi ngày chết 200 con, sau đó gà chết nhiều đến ngày 10/6. Tổng đàn gà chết trên 4.000 con.

Ông Cường cho biết, trước khi chết gà có triệu chứng đi loạng choạng, phân trắng, nhớt, chết rải rác trong chuồng nuôi. 

Nắm được thông tin, ngày 7/6, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hòa Bình lấy mẫu bệnh phẩm gửi Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương xét nghiệm xác định bệnh. 

Đến ngày 10/6, mẫu bệnh phẩm cho kết quả dương tính với virus cúm gia cầm A/H5N8. Ngay sau đó, Cục Thú y, Chi cục Thú y vùng 1 đã xuống ổ dịch, phối hợp với địa phương tiêu hủy toàn bộ đàn gà mắc bệnh, với tổng số 5.180 con (trong đó có 5.150 con gà, 30 con ngỗng).

Ngày 15/6, UBND huyện Yên Thủy đã ra quyết định công bố dịch cúm gia cầm A/H5N8 trên địa bàn xã Hữu Lợi. 

Đến nay, sau hơn 1 tháng phát hiện dịch cúm gia cầm A/H5N8 tại xã Hữu Lợi, ông Nguyễn Văn Tuấn - Trưởng phòng Thú y (Chi cục Thú y và Chăn nuôi tỉnh Hòa Bình) cho biết, hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân nguồn lây bệnh từ đâu.

Cúm gia cầm A/H5N8 nguy cơ lây lan rộng: Kiểm soát chặt, đốc thúc tiêm vaccine - Ảnh 1.

Xử lý ổ dịch cúm gia cầm A/H5N8 tại TP.Hạ Long, Quảng Ninh. (Ảnh: Phương Loan).

"Vì hộ chăn nuôi chuồng hở trong khu vực hủy đạn của quân đội đã bỏ hoang, không có người và cách xa khu dân cư, chính vì vậy việc xác định nguồn lây là rất khó khăn" - ông Tuấn cho hay.

Ông Tuấn cho biết thêm, để bao vây dập dịch, không để dịch lây lan ra diện rộng, chính quyền địa phương đã yêu cầu gia đình ông Cường tạm dừng chăn nuôi gia cầm đến hết năm 2021.

Để tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh cúm gia cầm A/H5N8, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Văn bản số 946 ngày 11/6 yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm A/H5N8. Đặc biệt, văn bản nêu rõ, thực hiện tiêm vaccine phòng bệnh cúm gia cầm đầy đủ cho đàn gia cầm.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, cái khó hiện nay của tỉnh Hòa Bình là toàn tỉnh có tới 475 cơ sở giết mổ gia cầm nhỏ lẻ, 1 cơ sở giết mổ tập trung tại TP.Hòa Bình, nhưng lực lượng thú y cơ sở rất mỏng, có nơi còn không có cán bộ thú y để kiểm soát hoạt động giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm. Đây là một trong những điểm yếu, nguy cơ xuất hiện dịch bệnh và lan rộng.

Cúm gia cầm A/H5N8 nguy cơ lây lan rộng: Kiểm soát chặt, đốc thúc tiêm vaccine - Ảnh 2.

Cán bộ thú y rắc vôi bột và phun thuốc khử trùng tiêu độc quanh khu vực chuồng trại của 2 hộ gia đình có đàn gà mắc bệnh cúm gia cầm A/H5N8 ở xã Vũ Oai, TP.Hạ Long (Quảng Ninh). (Ảnh: Phương Loan).

Quyết liệt phòng, chống dịch cúm gia cầm A/H5N8

Tại tỉnh Quảng Ninh, từ ngày 1/7 đến nay, trên địa bàn xã Vũ Oai, TP.Hạ Long đã xuất hiện 2 ổ dịch cúm A/H5N8. Hiện, các lực lượng chức năng của xã Vũ Oai cũng như TP.Hạ Long đang quyết liệt triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát và phòng, chống dịch lây lan.

Theo đó, từ ngày 29/6, đàn gà của hộ gia đình ông Vũ Huy Long (thôn Bãi Cát, xã Vũ Oai) có biểu hiện mệt mỏi, ốm chết rải rác trong chuồng, triệu chứng sốt cao, mào cờ thâm đen, mào tích sưng phù, tích nước, chân bị xuất huyết. Số gà chết trong ngày lên đến hơn 100 con. 

Ngay sau khi nhận được tin báo, Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp TP.Hạ Long đã nhanh chóng kiểm tra, lấy mẫu bệnh phẩm gửi Chi cục Thú y vùng 2 Hải Phòng để xét nghiệm. Kết quả, cả 3/3 mẫu đều dương tính với virus cúm gia cầm A/H5N8.

Ngày 2/7, Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp TP.Hạ Long phối hợp UBND xã Vũ Oai tổ chức kiểm đếm, thu gom toàn bộ số gà bị bệnh (1.895 con) để đưa đi tiêu hủy theo đúng quy định; khử trùng tiêu độc khu vực chăn nuôi gia cầm của gia đình và các hộ lân cận; thông báo cho các hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn thực hiện cách ly phòng chống dịch, phun thuốc khử trùng tiêu độc.

Tiếp đó, ngày 6/7, đàn gà của hộ gia đình anh Bùi Đức Việt (liền kề với hộ ông Nguyễn Huy Long) cũng có hiện tượng mệt mỏi, ốm chết nhanh bất thường. 

Sau khi lấy mẫu kiểm tra, 3/3 mẫu bệnh phẩm đều dương tính với virus cúm A/H5N8. Các cơ quan chức năng của TP.Hạ Long và xã Vũ Oai đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn gà và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch lây lan.

Ông Đào Tất Thắng - Chủ tịch UBND xã Vũ Oai, cho biết, trên địa bàn xã có trên 11 hộ nuôi gà với khoảng hơn 11.000 con. 

Để chủ động phòng chống dịch lây ra diện rộng, cán bộ thú y và y tế xã đã nhanh chóng phun khử khuẩn quanh khu vực chuồng trại của tất cả các hộ chăn nuôi gà; đồng thời đã tiêm vaccine phòng cúm gia cầm cho trên 90% số gà trên địa bàn.

Để chủ động phòng, chống, ngăn chặn sự lây lan của cúm A/H5N8 và các chủng virus cúm gia cầm khác, cùng với việc tiêu hủy toàn bộ số gà bị bệnh, khoanh vùng và cách ly các ổ dịch, TP.Hạ Long đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh, giảm thiệt hại cho ngành chăn nuôi.

Chỉ đạo các địa phương thống kê số lượng đàn gia cầm hiện có, đôn đốc và vận động nhân dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tích cực chăm sóc, nuôi dưỡng nâng cao sức đề kháng cho đàn gia cầm, vệ sinh phun thuốc khử trùng, tiêu độc định kỳ. 

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem