Cua Cà Mau chết trên diện rộng nhưng tỉnh không thể công bố dịch, vì sao?

Chúc Ly Chủ nhật, ngày 28/03/2021 08:14 AM (GMT+7)
Các mẫu cua Cà Mau chết nghi ngờ chỉ do nhiễm ký sinh trùng nên không nằm trong danh mục bệnh động vật thủy sản phải công bố dịch. Vậy nông dân cần làm gì để hạn chế thiệt hại?
Bình luận 0

Cua Cà Mau chết trên diện rộng, tỉnh không thể công bố dịch

Liên quan đến thông tin cua Cà Mau chết bất thường trên diện rộng mà báo Dân Việt đã phản ánh, ngày 28/3, theo nguồn tin của PV, các mẫu cua chết tại nghi ngờ chỉ do nhiễm ký sinh trùng giáp xác chân tơ Sacculina.sp nên không nằm trong danh mục bệnh động vật thuỷ sản phải công bố dịch.

Ghi nhận thực tế tại các huyện, cua chết bất thường diễn ra từ trước Tết Nguyên đán và kéo dài đến nay. Tình trạng trên xảy ra rải rác tại một số xã của các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn, Phú Tân, Đầm Dơi.

Theo kết quả xét nghiệm mẫu nước, đất trên địa bàn xã Tân Ân Tây, Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển; xã Lâm Hải, huyện Năm Căn của Phân Viện nghiên cứu thuỷ sản Nam Sông Hậu thì mẫu môi trường nước phù hợp cho động vật thuỷ sản (cua) phát triển.

Cua Cà Mau chết trên diện rộng: Nông dân cần làm gì khi không thể công bố dịch? - Ảnh 1.

Cua Cà Mau chết trên diện rộng: Nông dân cần làm gì khi không thể công bố dịch? - Ảnh 2.

Cua Cà Mau chết bất thường trên diện rộng, nhưng tỉnh Cà Mau không thể công bố dịch.

Tuy nhiên, mẫu bùn mật độ vi khuẩn có khả năng gây bệnh (Vibro parahaemolyticus) khá cao 2,3 x 104 (cfu/gram). Đây là một trong những tác nhân cơ hội có khả năng gây bệnh cho cua nuôi.

Trên mẫu cua, phân tích các tác nhân gây bệnh: Tất cả các mẫu phân tích đều phát hiện ký sinh trùng (giáp xác chân tơ Sacculina sp) trên mang, gan, mô, buồng trứng.

 Khi nhiễm ký sinh trùng giáp xác chân tơ Sacculina sp, chúng làm thay đổi nội tiết của vật chủ, ảnh hưởng đến khả năng lột vỏ, hoạt động, sinh sản, sinh trưởng chậm. 

Tuy nhiên, theo Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, đối chiếu các trường hợp dịch bệnh động vật thủy sản phải công bố dịch quy định tại Khoản 1, Điều 3, Thông tư 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ NNPTNT Quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản quy định: Danh mục bệnh động vật thủy sản phải công bố dịch bao gồm các bệnh được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này. Theo đó chỉ có bệnh đốm trắng (White Spot Disease) trên cua biển mới phải công bố.

Do đó, các mẫu cua chết nghi ngờ tại các huyện của tỉnh Cà Mau chỉ do nhiễm ký sinh trùng giáp xác chân tơ Sacculina.sp (không phát hiện virus đốm trắng), nên không nằm trong danh mục bệnh động vật thuỷ sản phải công bố dịch.

Nông dân cần làm gì để hạn chế thiệt hại?

Vì chưa có thuốc đặc trị hữu hiệu nên ngành nông nghiệp Cà Mau khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng là chính. 

Trong đó, đặc biệt chú ý cải tạo vuông nuôi triệt để, đúng quy trình kỹ thuật; thả giống với mật độ vừa phải (từ 0,5 - 1 con/m2); trước khi vào mùa vụ thả giống - đặc biệt những vuông nuôi đã, đang có cua chết - người dân cần phơi đầm, sử dụng vôi để cải tạo, diệt khuẩn, nấm, ký sinh trùng, giáp xác nhỏ trong ao nuôi.

Cua Cà Mau chết trên diện rộng: Nông dân cần làm gì khi không thể công bố dịch? - Ảnh 3.

Cua Cà Mau chết trên diện rộng: Nông dân cần làm gì khi không thể công bố dịch? - Ảnh 4.

Nông dân Cà Mau cần thực hiện nhiều biện pháp phòng bệnh là chính để giảm thiệt hại do cua Cà Mau chết hàng loạt.

Bên cạnh đó, người dân có thể sử dụng 1 trong các loại sản phẩm: Praziquantel là thuốc trị sán; Mebendazole là dẫn xuất Benzimidazol; CuS04; Glutaldehyt; BKC; Iodine; các hợp chất chứa Chlorine, để diệt ký sinh trùng.

Trước đó, như Dân Việt đã thông tin, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau phản ánh, thời gian gần đây xảy ra tình trạng cua nuôi chết bất thường trên diện rộng.

Theo một số nông dân ở xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển không chỉ diễn ra tình trạng con cua khỏe mạnh bị chết sau khi bắt lên mà hiện tượng cua chết tấp vào mé bờ cũng xảy ra. Đặc biệt, những con cua còn sống chất lượng thịt cũng không bình thường.

Ông Trương Minh Út – Chi cục Phó Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Cà Mau thông tin: "Đây là hiện tượng mới, chưa từng thấy. Chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu thêm và khảo sát tại các địa phương khác. Cua có hiện tượng chết nhiều hơn ở các xã ven biển". 

Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau có một số lưu ý, khuyến cáo cho người dân khi sử dụng các sản phẩm diệt ký sinh trùng: Với môi trường ao/vuông nuôi quảng canh (tôm - rừng), quảng canh cải tiến là môi trường hở, việc sử dụng thuốc, hoá chất điều trị bệnh tốn nhiều chi phí nhưng hiệu quả mang lại không cao, do động vật thuỷ sản là động vật bật thấp, hệ thống miễn dịch trên cơ thể gần như không có.

Do đó, hiệu quả điều trị bệnh gần như không có tác dụng lâu dài, đặc biệt đổi mới mô hình nuôi không kiểm soát được các yếu tố môi trường.

Trên thị trường nhiều nhóm sản phẩm có chứa nhiều hợp chất, thành phần khác nhau, để sử dụng các sản phấm đúng theo quy định (trong thành phần thuốc không chứa các sản phẩm cấm), trước khi lựa chọn, người dân cần xem nhãn bao bì, hạn sử dụng, tem chống hàng giả và các quy định liên quan đến chất lượng sản phẩm hàng hoá.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem