Công tác dân tộc: “Đừng ngứa ở đầu, lại đi gãi ở chân”

Lê San Thứ bảy, ngày 27/02/2016 15:59 PM (GMT+7)
Nơi nào có đông đồng bào DTTS nơi đó đặc biệt khó khăn như vùng biên giới, hải đảo... Đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc miền núi cần phải thiết thực, hiệu quả. Chứ không thể “ngứa ở đầu, lại đi gãi ở chân” được.
Bình luận 0

Đó là chỉ đạo của Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Tổng kết công tác dân tộc, chính sách dân tộc nhiệm kì (2011 – 2015) và triển khai nhiệm vụ năm 2016 do Uỷ ban Dân tộc (UBDT) tổ chức tại TP. Lào Cai ngày 27.2.

img

Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Đánh giá giai đoạn 2011 – 2015, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, công tác dân tộc đã đạt được 5 thắng lợi. Đó là: Thể chế pháp luật, cơ chế chính sách về công tác dân tộc ngày càng hoàn thiện, với nhiều nghị quyết, chiến lược phân biệt theo ngành, lĩnh vực, khu vực.

Nguồn lực để thực hiện chính sách dân tộc ngày càng phong phú đa dạng và được sử dụng hiệu quả hơn. Chuyển một bước quan trọng về tư duy, từ cho không sang cho vay ưu đãi, tạo động lực cho đồng bào vươn lên. Công tác chỉ đạo điều hành có trọng tâm, trọng điểm và có sự phối hợp giữa các bộ ngành tốt hơn. Kinh tế xã hội vùng DTTS đã có nhiều chuyển biến rõ rệt.

Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại như các chương trình, chính sách còn chồng chéo, một số chính sách không mang tính đặc thù, phối hợp chưa đồng bộ. Ban hành nhiều chính sách nhưng nguồn lực bố trí còn nhiều bất cập, nhất là chưa có cơ chế huy động nguồn lực xã hội cho vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm tới vùng khó khăn, vùng DTTS. Mặt khác chúng ta giảm nghèo cũng chưa bền vững, chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn.

Đề xuất khung chính sách thực hiện tại vùng DTTS & MN giai đoạn 2016 – 2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Giàng Seo Phử cho biết: Chính sách hiện nay đang đề xuất có nhiều đổi mới. Trước hết là đối với những chính sách đang có, đến năm 2015 hết hiệu lực nhưng mục tiêu còn lớn, chúng tôi đã tích hợp lại với mục tiêu tiếp tục giải quyết những vấn đề bức xúc về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và hỗ trợ tín dụng.

Đổi mới đầu tiên là trước đây chúng ta nhiều văn bản rải rác thì nay gom lại thành một văn bản. Về cơ chế cũng có sự điều chỉnh, định mức đề xuất tăng lên cho phù hợp với điều kiện mới. Điều chỉnh cơ chế là phân cấp mạnh cho địa phương, tăng cho vay, giảm cho không. Định mức cho vay nâng lên, lấy mức vay của hộ nghèo làm mức chung cho việc thực hiện các chính sách này.

img

Song hành đó, trong thiết kế của chương trình 135 trước đây chỉ có hai học phần (học phần hỗ trợ phát triển sản xuất và hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng) thì nay có thêm học phần hỗ trợ nâng cao năng lực cho cộng đồng và cho cán bộ cơ sở.

Đồng thời trong thiết kế tới đây chúng tôi cũng đang đề xuất tính tới việc hỗ trợ cho cộng đồng (trong đó có hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khá) để có sự chia sẻ với nhau về mặt kinh nghiệm, cũng như về điều kiện để khi chúng ta xây dựng các mô hình phát triển bền vững, chứ không phải mô hình mang tính chất phong trào sau khi kết thúc chương trình thì không phát huy được. Đó là một vài điều chỉnh để phù hợp với điều kiện mới, hướng tới cái nghèo đa chiều chứ không phải đơn chiều, chỉ tính tới thu nhập mà phải tiếp cận tới dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin tuyên truyền, nhà ở, nước sạch…

Trong giai đoạn mới, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo cần nâng cao trách nhiệm và tình cảm của chúng ta, các Bộ ngành, các địa phương đối với công tác dân tộc, để từ đó xây dựng chính sách dân tộc phù hợp, chủ động, sáng tạo, thực tiễn, hiệu quả. Quan tâm tới biên giới, dân tộc, miền núi là một ý thức, trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo các cấp để thực hiện mục tiêu, định hướng chủ nghĩa xã hội.

Việc thứ hai là Tổng kết thực hiện Nghị quyết 24 của Ban chấp hành TW khóa 9, đồng thời xây dựng Nghị quyết mới và Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác dân tộc. Đây là văn bản nòng cốt, quan trọng để thúc đẩy toàn hệ thống chính trị. Thứ ba là phải rà lại chính sách để tránh trùng lặp, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, xây dựng chính sách mới. Đây là nhiệm vụ quan trọng của Ủy ban Dân tộc, của các Bộ, các tỉnh để điều hành công tác dân tộc hiệu quả hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem