Có mã số vùng trồng, nông sản Phú Thọ rộng đường xuất khẩu sang Trung Quốc, châu Âu...

Hoan Nguyễn Thứ tư, ngày 25/10/2023 18:52 PM (GMT+7)
Phú Thọ hiện nay có 102 vùng trồng chè, bưởi, chuối… được cấp mã số vùng trồng. Từ đó, các mặt hàng này thuận lợi xuất khẩu sang Trung Quốc, châu Âu..., giúp nông dân tăng thu nhập.
Bình luận 0

Được cấp mã số vùng trồng, nông sản ùn ùn xuất khẩu

Ông Phan Văn Đạo - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Thọ cho biết, mã số vùng trồng (MSVT) là mã định danh cho một vùng trồng trọt, nhằm giúp cơ quan chức năng và người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xác định quy trình sản xuất của nông sản. Đặc biệt, MSVT được xem là "tấm vé thông hành" cho nông sản xuất khẩu, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị.

Cấp mã số vùng trồng, nông sản Phú Thọ rộng đường xuất ngoại, tăng giá trị - Ảnh 1.

Phú Thọ đã có 9 vùng trồng chuối được cấp mã số vùng trồng, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và EU. Ảnh: Ngọc Lam

Việc mã hóa vùng trồng mang lại nhiều ích lợi thiết thực cho nông dân như: Chuẩn hóa quá trình chăm sóc, quản lý cây trồng, vật nuôi, quản lý được diện tích trồng, đưa ra quy trình chuẩn trong chăm sóc; cảnh báo tình hình dịch bệnh, lên kế hoạch chăm sóc, danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng và ước lượng năng suất… Từ đó, cây trồng cho năng suất, chất lượng ngon, đồng đều, đáp ứng tiêu chuẩn của những thị trường khó tính nhất. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để sản phẩm nông sản được xuất khẩu theo đường chính ngạch.

Đến nay, tỉnh Phú Thọ đã được cấp 102 MSVT. Trong đó, có 27 MSVT bưởi xuất khẩu sang EU và Mỹ với diện tích trên 360ha tại các huyện Đoan Hùng, Yên Lập; 9 MSVT chuối xuất khẩu sang EU và Trung Quốc với diện tích gần 300ha tại các huyện Lâm Thao, Hạ Hoà, Tam Nông, Cẩm Khê; 25 MSVT chè xuất khẩu với diện tích hơn 1.700ha tại TX.Phú Thọ và các huyện Đoan Hùng, Thanh Sơn, Tân Sơn, Thanh Ba...

Cấp mã số vùng trồng, nông sản Phú Thọ rộng đường xuất ngoại, tăng giá trị - Ảnh 2.

Sản phẩm chuối của HTX Thượng Nông được dán tem, cấp MSVT giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, yên tâm sử dụng. Ảnh: Ngọc Lam

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc HTX nông nghiệp Thượng Nông (xã Dân Quyền, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) cho biết, HTX nông nghiệp Thượng Nông là một trong những đơn vị đầu tiên được cấp MSVT chuối tại Phú Thọ. Hiện diện tích trồng chuối của HTX hơn 30ha, năng suất bình quân đạt hơn 1.200 tấn/năm.

Những năm trước, khi chưa được cấp MSVT, sản phẩm chuối của HTX xuất khẩu rất ít. Nhờ được cấp MSVT, việc xuất khẩu chuối được thuận lợi và nhiều hơn, trong đó thị trường xuất khẩu chuối chủ yếu là Trung Quốc.

Còn ông Hà Văn Tú - Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Biển Xanh (khu 3, xã Vĩnh Chân, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) cho hay, công ty đã có 50ha chuối được cấp MSVT. Để tăng giá trị cho mặt hàng chuối, công ty đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng cơ sở đóng gói sản phẩm, chuyên xuất khẩu chuối.

Hoạt động sản xuất nông sản của công ty đã tạo việc làm cho 15 - 30 lao động thời vụ trong địa phương. Ngoài ra, công ty còn liên kết, bao tiêu, đóng gói sản phẩm cho các hộ dân khác cũng đã được cấp MSVT, tạo nên vùng nguyên liệu hơn 100ha để phục vụ xuất khẩu.

"Việc tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, đóng gói sản phẩm và được cấp MSVT đã giúp nâng cao chất lượng, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của đối tác. Từ đó làm gia tăng giá trị và lợi thế cạnh tranh của quả chuối, mang lại quyền lợi và giá trị kinh tế cao hơn cho người nông dân và doanh nghiệp" - ông Tú phấn khởi nói.

Cấp mã số vùng trồng, nông sản Phú Thọ rộng đường xuất ngoại, tăng giá trị - Ảnh 3.

HTX bưởi và dịch vụ tổng hợp Vân Đồn chuyển những thùng bưởi Đoan Hùng đạt chất lượng, được cấp MSVT lên container để xuất khẩu sang thị trường Nga. Ảnh: Ngọc Lam

Liên kết, xây dựng mã số vùng trồng hướng phát triển nông nghiệp bền vững

Ông Đào Mạnh Đạt - Giám đốc HTX bưởi và dịch vụ tổng hợp Vân Đồn (huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) cho hay, ngay sau khi được cấp MSVT, HTX đã liên kết cùng với nhiều hộ dân trồng bưởi trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi, hướng tới bảo quản, sơ chế, chế biến và xuất khẩu.

Ông Đạt nhấn mạnh, từ khi HTX được cấp MSVT, nông dân tuân thủ ghi chép nhật ký sản xuất, sử dụng phân bón, thuốc BVTV có trong danh mục cho phép. Trong đó, chủ yếu sử dụng phân bón hữu cơ, sinh học, góp phần đảm bảo chất lượng, tăng năng suất, đảm bảo sức khỏe cho nông dân lẫn môi trường.

"Việc cấp MSVT không chỉ giúp tiêu thụ hàng hóa ổn định hơn, mà còn từng bước chuẩn hóa hoạt động trồng trọt, đáp ứng nhu cầu thị trường. Từ đó, thúc đẩy các chuỗi liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp xuất khẩu, hạn chế rủi ro từ việc cung vượt cầu, được mùa, mất giá. Thời gian tới, HTX sẽ nhân rộng diện tích được cấp MSVT để tăng sản lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ" - ông Đạt cho biết thêm.

Cấp mã số vùng trồng, nông sản Phú Thọ rộng đường xuất ngoại, tăng giá trị - Ảnh 4.

Công ty Chè Phú Đa liên kết với hàng chục hộ dân tại xã Địch Qủa (huyện Thanh Sơn), tạo thành vùng sản xuất chè hàng hóa với mã số vùng trồng lên đến hơn 145ha. Ảnh: Ngọc Lam

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Thọ, việc tuân thủ đúng quy trình sản xuất đã giúp quản lý và bảo vệ cây trồng tốt hơn, môi trường được cải thiện, năng suất, chất lượng sản phẩm cũng nâng lên rõ rệt. MSVT góp phần quan trọng trong tạo dựng niềm tin và khẳng định uy tín của sản phẩm hàng hóa nông nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế. Việc xây dựng MSVT giúp thay đổi nhận thức, hành động của người dân, doanh nghiệp và cán bộ quản lý tại địa phương về sản xuất nông nghiệp, hướng đến mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, góp phần xây dựng nền kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững.

Tuy nhiên hiện nay, việc cấp MSVT ở Phú Thọ còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, yêu cầu diện tích vùng trồng tối thiểu là 10ha trong khi diện tích canh tác của người dân trong tỉnh còn manh mún; khó để thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật sản xuất.

Đối với những loại cây ngắn ngày, nông dân không cố định một diện tích trồng cho mỗi loại cây trồng, thường xuyên thay đổi sau mỗi vụ. Do dó, tiến độ thiết lập MSVT còn chậm so với tiềm năng, quy mô diện tích của từng loại cây trồng tại địa phương.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ còn thiếu doanh nghiệp trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu. Hầu hết các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh vẫn phải liên kết với các doanh nghiệp ngoài tỉnh để thực hiện quy trình xuất khẩu…

Theo ông Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Phú Thọ, đẩy mạnh thực hiện cấp MSVT xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh là quá trình lâu dài, trải qua nhiều công đoạn, từ vùng nguyên liệu đầu vào đến quy trình sơ chế, bảo quản, quảng bá hình ảnh, tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

Thời gian tới, Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương hướng dẫn nông dân, doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng MSVT, tạo thuận lợi xuất khẩu cho nhiều loại nông sản thế mạnh của tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong xây dựng bản đồ số nhằm đánh giá được vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Từ đó hỗ trợ người sản xuất đưa sản phẩm an toàn lên sàn giao dịch thương mại điện tử, hỗ trợ công nghệ mã hóa vùng trồng theo quy chuẩn quốc gia…

Giai đoạn 2023-2025, Phú Thọ sẽ dự kiến cấp MSVT cho 179 mã cây chè với diện tích 6.000ha; bưởi 222 mã với 3.000ha; chuối 70 mã với 1.000ha; rau 150 mã với 890ha. Riêng cây chè, đến năm 2025, phấn đấu 100% diện tích sản xuất chè tập trung được quản lý, cấp MSVT cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem