Cô gái trẻ nhạy bén tìm "chỗ thoáng" trong hành trình đưa nông sản Đăk Lăk ra biển lớn

Duy Hậu Thứ hai, ngày 04/01/2021 09:22 AM (GMT+7)
Chỉ thành lập công ty được 2 năm nhưng Nguyễn Thị Xuân Hương đã có được chỗ đứng "thoáng" trên thị trường rau, củ, quả. Điều đáng quý ở nữ doanh nhân trẻ này, đó là cô luôn tâm nguyện phải chia sẻ khó khăn với nông dân để cùng đồng hành xây dựng chuỗi nông nghiệp phát triển bền vững.
Bình luận 0

Con đường khởi nghiệp gian nan

Năm 2018, Nguyễn Thị Xuân Hương bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh ở tuổi 34 với việc thành lập Công ty cổ phần Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Hương Cao Nguyên (Hương Cao Nguyên).
Khi ấy, Hương cùng một người bạn tham gia cuộc thi khởi nghiệp do tỉnh Đăk Lăk tổ chức. Vốn là cán bộ Hội nông dân, thường xuyên tuyên truyền Nghị định 98 về liên kết chuỗi giá trị, Hương thấm nhuần và rất tâm đắc Nghị định này. Thế nên, cô cùng bạn tham gia cuộc thi với Dự án "Liên kết chuỗi hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và chuỗi hệ thống đầu ra trên địa bàn tỉnh". 

Dự án này đoạt giải Nhì nhưng sau đó, Hương và người bạn mỗi người mỗi ngả, tự đi theo những con đường riêng.

Hành trình đưa nông sản Đăk Lăk... ra biển lớn - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Xuân Hương (phải) trực tiếp xuống vườn vận động từng nông dân. Ảnh: Duy Hậu

"Một người bạn ở một tập đoàn lớn nói với em rằng: Chị đang có nhiều thứ mà người khác không có. Điều chị cần bây giờ là tìm cho mình một chỗ thoáng mà đứng"- Hương nói.

Nữ doanh nhân trẻ ấy bắt đầu bằng việc đi tìm những siêu thị vừa và nhỏ để tìm đơn hàng, rồi tập đóng gói, vận chuyển hàng cho khách. "Nhưng có những ngày bị trả lại nguyên đơn hàng. Có một chị đã nói với em: "Hương mà đóng thế này thì mình sẽ trả lại hết cho Hương và Hương khỏi ăn cơm, chỉ ăn trái cây từ ngày này sang ngày khác"- Hương kể với chúng tôi.

Hành trình đưa nông sản Đăk Lăk... ra biển lớn - Ảnh 2.

Chị Nguyễn Thị Xuân Hương trình bày tham luận liên kết theo chuỗi giá trị và xây dựng cây ăn trái, rau củ quả tại một hội nghị do Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk tổ chức. Duy Hậu

"Từ việc bán trôi nổi giờ đây sản phẩm của nông dân Đăk Lăk vượt qua được hàng loạt các tiêu chí để lên kệ hàng tại các siêu thị lớn. Không chỉ thế, người dân khi liên kết với công ty này sẽ không còn lo lắng về đầu ra và giảm được rủi ro khi giá cả biến động".

Ông Nguyễn Văn Tư

Gần một năm sau, Hương Cao Nguyên bắt đầu định vị được vị thế của mình khi chính thức hợp đồng với một công ty rau tại TP.Hồ Chí Minh. Đơn vị này đưa giống và cán bộ kỹ thuật đến còn Hương Cao Nguyên tìm nông dân cho họ. 

Cũng từ đó, Hương nhận ra rằng nông dân Đăk Lăk có sản phẩm thô rất nhiều. Thế nên, Hương đã liên hệ với Sở NNPTNT tỉnh, tham gia hầu hết các hội nghị lớn nhỏ để gặp gỡ và kết nối các doanh nghiệp với người dân.

Tháng 10/2019, Hương Cao Nguyên chính thức bắt đầu "chạy" trái cây Tây Nguyên cho siêu thị. Tưởng chừng doanh nghiệp đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhưng những thử thách vẫn chưa hết nữ doanh nhân trẻ. Hương kể, giai đoạn này, doanh nghiệp tiếp tục bị trả hàng do không đủ quy chuẩn, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao… Điều này đã khiến Hương Cao Nguyên thua lỗ rất nhiều.

Từ thất bại này, Hương Cao Nguyên bắt đầu tiếp cận nông dân theo hướng liên kết. Công ty bắt đầu tìm đến các hợp tác xã, tổ hợp tác và các nông hộ xây dựng vùng nguyên liệu. Hương Cao Nguyên đưa đến cho nông dân đơn vị cung cấp giống, thuốc bảo vệ thực vật cùng kỹ thuật sản xuất. Giữa Hương Cao Nguyên và nông dân bắt đầu có những hợp đồng bao tiêu sản phẩm với cam kết bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường. 

Ngoài ra, khi giá sản phẩm rớt xuống kịch khung, doanh nghiệp sẽ thu mua bằng giá thành sản phẩm cộng thêm 30%. Như vậy, nếu liên kết với Hương Cao Nguyên thì cho dù có bị rớt giá thấp nhất, nông dân vẫn có lãi 30% so với giá thành sản xuất sản phẩm.

Cô gái trẻ nhạy bén tìm "chỗ thoáng" trong hành trình đưa nông sản Đăk Lăk ra biển lớn - Ảnh 4.

Nguyễn Thị Xuân Hương thăm một vườn cam của người dân tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).

Hương nói với chúng tôi, cô phải đến từng nhà, gặp từng người để vận động họ liên kết để cùng sản xuất ra những sản phẩm đạt chuẩn. Và quá trình đó diễn ra không hề dễ dàng, nông dân, hợp tác xã không dễ dàng gì tuân thủ các quy trình sản xuất và thực hiện cam kết hợp đồng.

Chia sẻ với nông dân để cùng bền vững

Bằng sự chân thành, chia sẻ cùng các mối quan hệ, đến nay, Hương Cao Nguyên đã liên kết chuỗi giá trị với 12 hợp tác xã tại tỉnh Đăk Lăk và 6 hợp tác xã ở các tỉnh khác. Đơn vị này cũng đang chủ trì 3 dự án liên kết chuỗi giá trị theo Nghị định 98.

Hiện Hương Cao Nguyên trở thành nhà cung cấp rau, củ, quả cho các siêu thị Mega, BigC, Vinmart, Bách Hóa Xanh, Aone trên toàn quốc với sản lượng trung bình 400-500 tấn/tháng. Trong đó, Hương Cao Nguyên là đơn vị cung cấp chủ lực các loại rau, củ, quả cho hệ thống siêu thị địa phương như Mega, Go, Thành Phát… Công ty này cũng xây dựng 4 địa điểm kinh doanh, sơ chế tại tỉnh Lâm Đồng, TP.HCM, Đà Nẵng, Đăk Lăk.

Cô gái trẻ nhạy bén tìm "chỗ thoáng" trong hành trình đưa nông sản Đăk Lăk ra biển lớn - Ảnh 5.

Chị Nguyễn Thị Xuân Hương (phải) trực tiếp đưa đối tác của mình đi khảo sát vùng nguyên liệu. Ảnh: D.H

Hiện nay, Hương Cao Nguyên đã đồng hành cùng nông dân triển khai xây dựng, đi vào hoạt động hiệu quả các vùng sản xuất rau an toàn đạt chuấn VietGAP theo chuỗi từ cung ứng vật tư đầu vào, sản xuất, thu hoạch, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm tại huyện Cư Kuin (Đăk Lăk) và huyện Cư M'Gar (Đăk Lăk) xã Ea Pốc và Ea Kuêk), Buôn Đôn, Ea Kar, Ea H'Leo (Đăk Lăk)… 

Ngoài ra, công ty cũng đã triển khai xây dựng, đi vào hoạt động hiểu quả vùng sản xuất trái cây an toàn đạt chuẩn VietGAP theo chuỗi từ cung ứng vật tư đầu vào, sản xuất, thu hoạch, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm tại các huyện Cư M'Gar, Krông Năng, Krông Ana, Buôn Đôn, Ea Kar của tỉnh Đăk Lăk.
Năm 2020, doanh nghiệp cùng với Phòng NNPTNT 2 huyện Krông Ana và Krông Năng và các hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia chuỗi liên kết làm truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm vải chín sớm, sầu riêng, bơ, cam, quýt.

Bà Nguyễn Thị Kiều Kim Thoa - Phó Giám đốc Hợp tác xã sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin)- một đơn vị liên kết với Hương Cao Nguyên- khẳng định, việc liên kết sản xuất theo chuỗi với doanh nghiệp đã đem lại lợi nhuận tăng 30% so với trước đây. 

Ngoài việc không còn lo lắng về đầu ra cho sản phẩm, nông dân cũng giảm bớt được chi phí nhân công, thuốc bảo vệ thực vật nhờ những đổi thay về quy trình sản xuất.

Nguyên Chủ tịch Hội ND tỉnh Đăk Lăk, ông Nguyễn Văn Tư cũng khẳng định, Hương Cao Nguyên đã giúp nông dân đưa sản phẩm của mình ra "thị trường lớn". Từ việc bán trôi nổi giờ đây sản phẩm của nông dân Đăk Lăk vượt qua được hàng loạt các tiêu chí để lên kệ hàng tại các siêu thị lớn. Không chỉ thế, người dân khi liên kết với công ty này sẽ không còn lo lắng về đầu ra và giảm được rủi ro khi giá cả biến động.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem