Cô gái làm nên đặc sản mắm thơm Út Mười ở xứ "hoa vàng, cỏ xanh"

Hùng Phiên Thứ năm, ngày 31/08/2017 06:15 AM (GMT+7)
Từ món ăn truyền thống dân dã ở miền núi Phú Yên, một cô gái đã dốc sức làm nên thương hiệu Mắm thơm Út Mười. Để làm nên thương hiệu ấy, có sự nhọc nhằn khổ ải nhưng đầy đam mê tình đất, tình người…
Bình luận 0

Món biển - núi “giao duyên”

Theo ông Nguyễn Công Toàn (75 tuổi), nông dân ở huyện Sơn Hòa, Phú Yên, nguyên liệu chính để làm mắm thơm là thịt trái thơm (dứa) ủ chua với mắm cá cơm, dành để ăn dần trong mùa mưa bão. Hàng trăm năm qua, đây là món ăn quen thuộc của người dân vùng cao Ba Xã, nơi đường sá xa xôi cách trở (địa danh Ba Xã là tên gọi chung của 3 xã Sơn Long, Sơn Định và Sơn Xuân, thuộc vùng cao nguyên Vân Hòa, Sơn Hòa). 

“Từ thời ông bà tôi đã có thứ mắm này rồi. Cứ đến mùa thơm là mỗi nhà thường lựa những trái thơm ngon nhất đem chẻ phơi, rồi mua mắm nêm cá cơm về ướp trộn để làm 1 - 2 hũ mắm thơm cất trong góc bếp. Tới mùa mưa bão, chợ búa đi lại khó khăn, đồ ăn hiếm hoi thì hũ mắm thơm chính là món “đưa cơm” trường kỳ của dân núi đây. Ui, món này mặn lắm mà hồi trước cũng không được ăn nhiều đâu! Thơm ủ lâu với mắm thì lên nước đỏ au; cơm gạo rẫy mà rưới chút mắm thơm thì ăn quên thôi... Chỉ với chén mắm thơm là xong bữa cơm mùa mưa. Sau này, người ta dùng mắm thơm để kho với thịt, cá… được nhiều người ưa thích. Vậy mà mắm thơm nổi tiếng, thành hương vị khó quên cho ai một lần nếm trải” - ông Toàn nhớ lại.

img

 Út Mười tại quầy giới thiệu đặc sản mắm thơm. ảnh: Hùng Phiên

Vốn là một cán bộ Hội Nông dân xã, ông Toàn đã nghĩ nhiều đến việc làm sao để giữ lại và “lan truyền” đặc sản mắm thơm Ba Xã. Bởi món này dần mai một; khi có ai nhắc, chính một số người cứng tuổi cũng buông câu: “Ùi, ăn chi cái đồ mặn chát đó. Bây giờ đường xá thông thương, thiếu gì đồ ăn thức uống…”. Thế nhưng nhiều người vẫn nhớ, vẫn muốn tìm ăn nhưng các rẫy thơm Ba Xã dần thu hẹp, lại cũng không mấy người còn biết làm mắm thơm.

Thế rồi bỗng có một cô gái tìm đến ông Toàn để hỏi thơm nguyên liệu, hỏi về bí quyết làm mắm thơm. Như được chạm đúng nỗi niềm, ông Toàn hồ hởi bày vẽ, rồi chỉ nơi mua thơm Ba Xã (bởi cây thơm có ở nhiều nơi nhưng chỉ trồng trên vùng đất đỏ vùng Ba Xã nắng gió thì mới cho miếng thơm chắc thịt, dai mềm để ủ mắm lâu ngày mà không bị chua mốc).

Cô gái đến gặp ông Toàn hơn 5 năm trước là nữ hộ sinh Ngô Thị Mười (35 tuổi, ở Sơn Hòa) - giờ là chủ thương hiệu Mắm thơm Út Mười. “Là con dân nông dân Ba Xã nên em muốn quảng bá đặc sản khác biệt của quê mình. Giờ nói bà chủ cho oai thôi, chứ cơ sở mắm thơm của em vẫn còn nhiều khó khăn lắm. Đường xây dựng thương hiệu cho một thức món bản địa, phải đâu khơi khơi”.          

Thức, ngủ cùng mắm

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa - ông Phạm Đình Phụng, cơ sở Mắm thơm Út Mười là một “điểm sáng” trong phát triển kinh doanh sản phẩm đặc trưng địa phương. Tuy nhiên, cơ sở đang gặp nhiều khó khăn do thiếu điều kiện nguồn lực. Ông Phụng cũng cam kết, chính quyền huyện sẽ dành kinh phí khuyến công để hỗ trợ các mô hình khôi phục, phát triển cây thơm và mở rộng sản xuất, kinh doanh của Mắm thơm Út Mười.

“Nung nấu đầy khí thế, bắt tay vào làm mới lộ ra nhiều thứ gay go! Cây thơm vùng Ba Xã không còn mấy lợi nhuận nên nông dân dẹp hết, chuyển trồng cây khác. Để tìm mua cùng lúc hàng trăm ký thơm vùng này, không phải ngày một ngày hai. Ngoài giờ làm ở Trung tâm Y tế Sơn Hòa, em đã phải huy động cả gia đình cùng gọt vỏ, phơi thơm. Liên hệ mua mắm cá cơm loại hảo hạng ở vùng biển Tuy An (Phú Yên), mua khạp (hũ sành) phù hợp..., rồi muối muối, ủ ủ. Rồi nghĩ cách để quảng bá đến người tiêu dùng. Đó là chưa kể cái khó về vốn liếng…” - Út Mười kể.

Đón đợi mùa thơm chín, Út Mười nhờ người đi mua gom, đem về gọt bỏ vỏ, mỗi trái chẻ làm 4 - 5 phần, phơi một nắng cho miếng thơm khô vừa  rồi trộn với mắm cá cơm, muối hạt sạch theo tỷ lệ một lớp thơm một lớp mắm và muối cho đến khi đầy rồi dán kín miệng thạp; ủ khoảng 1 - 2 tháng là đóng gói đem bán. Miếng thơm ủ kín trong khạp mắm chuyển màu vàng đậm, vị thơm nồng quyện giữa hương biển giã - núi rừng. Khạp mắm đầu, Út Mười mời ăn để quảng bá. Mắm ủ xong, đem xé nhỏ miếng thơm rồi ăn trực tiếp với cơm, bún, chấm rau luộc. Ai cũng khen đậm đà, lạ miệng. Đem kho với thịt gà, thịt lợn, cá nục, cá trê, nấu lẫu... thì hương vị lại càng ngon. Thế nhưng bạn bè, bà con chỉ ủng hộ tinh thần một vài lần rồi thôi.

Nhiều đêm suy tính, Út Mười nhận thấy không thể ngồi ở chợ huyện bán buôn kiểu nhỏ lẻ. Cô bèn nghĩ cách chia ra từng lọ nhỏ để gọn tiện cho người mua, rồi nhờ bạn bè thiết kế nhãn hiệu, gõ cửa cơ quan chức năng để kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, chứng nhận nhãn mác sản phẩm… Tìm lối riêng bao giờ cũng khó. Do thiếu kinh nghiệm, nhiều mẻ mắm thơm ban đầu của lò Út Mười đã bị chua hỏng. Cô dứt khoát đổ bỏ, rồi lùng tìm người giỏi nghề để học hỏi thêm, đối chiếu cách làm mắm thơm đạt độ ngon ổn định nhất.  

Đến năm 2016, Út Mười chính thức đi chào hàng đặc sản mắm thơm. Lúc này, xứ “hoa vàng, cỏ xanh” đang bắt đầu được nhiều du khách tìm đến. Thế là Út Mười hướng mục tiêu tiêu thụ mắm thơm vào các siêu thị, đầu mối phân phối thực phẩm, các cửa hàng bán đặc sản quà tặng du lịch... Bên cạnh đó, cô lên mạng tìm cách quảng bá, xây dựng trang Facebook “Mắm thơm Út Mười” để tương tác với khách hàng,… Đầu năm 2017, Mắm thơm Út Mười đã được bình chọn là Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của huyện Sơn Hòa.

“Do đang thiếu nguyên liệu nên hiện mỗi đợt em chỉ sản xuất khoảng 100 lọ mắm thơm. Để chủ động kinh doanh, em đang tìm đất để gầy dựng cơ sở trồng thơm tại Ba Xã” - Út Mười cho hay. 

Chị Lê Hằng - chủ cửa hàng đặc sản quà tặng Lê Hằng (TP.Tuy Hòa) nhận xét: “Điểm khác biệt của Mắm thơm Út Mười so với mắm thơm truyền thống là cơ sở đã nghiên cứu công thức giúp giảm độ mặn của mắm để phù hợp khẩu vị khách hàng nhưng vẫn đảm bảo hương vị mắm thơm. Sau một năm Út Mười ký gửi, sản phẩm mắm thơm đang được nhiều khách hàng để ý mua, lượng bán ra đã tăng dần”.  /.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem