Có của ăn của để nhờ nuôi con bay cả ngày đêm "cày" ra mật

Hà Thanh Thứ hai, ngày 06/01/2020 13:25 PM (GMT+7)
Ở tuổi 60, nhưng lão nông Hoàng Văn Tiến (xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) vẫn kiếm được trăm triệu đồng mỗi năm nhờ gắn bó với việc nuôi ong lấy mật.
Bình luận 0

Mô hình nuôi ong lấy mật của gia đình ông Hoàng Văn Tiến (60 tuổi, xóm Phúc Thành, xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) - một trong những người tiên phong trong việc nuôi ong ở địa phương. Hiện ông Tiến là một trong những thành viên có nhiều năm kinh nghiệm trong việc nuôi ong của Hợp tác xã nuôi ong Phúc Thành. 

img

Ông Tiến là một trong những người đầu tiên nuôi ong mật ở địa phương nên đã có nhiều kinh nghiệm

Ông Tiến cho hay, nuôi ong không quá khó và công chăm sóc cũng không đáng kể. Quan trọng là phải có tính kiên trì, khả năng quan sát, phán đoán tốt để kịp thời phát hiện những bất thường ở đàn ong và có hướng xử lý đúng.

Theo ông Tiến, nuôi ong cần một quá trình tích lũy kinh nghiệm nhiều năm, vì ong thường hay mắc các bệnh về đường tiêu hóa như đi ngoài, thối ấu trùng rất khó chữa. Nhưng nếu là người có kinh nghiệm sẽ biết cách chuyển vùng, di chuyển ong đến địa điểm mới để cách ly khu vực gây bệnh, giúp cho đàn ong khỏe mạnh hơn.

img

Theo ông Tiến, ong thường hay mắc các bệnh về đường tiêu hóa như đi ngoài, thối ấu trùng rất khó chữa

"Lúc đầu khi mới bắt tay vào nuôi ong, tôi cũng gặp phải rất nhiều khó khăn do chưa có nhiều kinh nghiệm, hơn nữa mô hình này khi đó vẫn còn rất mới ở địa phương. Nhưng cho đến thời điểm này, tôi đã nắm chắc được tập tính sinh hoạt của con ong và có kinh nghiệm xử lý những rủi ro nếu không may xảy ra với đàn ong của gia đình mình," ông Tiến cho biết. 

img

Đến bây giờ, ông Tiến đã thực sự làm chủ được con ong và có kinh nghiệm xử lý nếu không may ong bị bệnh

Do đó, nếu muốn ong sinh trưởng tốt và cho nhiều mật, cần phải đặc biệt chú ý đến đời sống sinh học của ong. Thông thường, làm ong phải chọn thời điểm vào cuối mưa, đầu nắng vì lúc này ong có sức khỏe tốt và ít khi bị bệnh. Khi mới bắt đầu mưa, ong phải được ủ ấm trong thùng. Đến khi trời nắng mới mở thùng ra để ong đi làm mật. 

img

Theo ông Tiến khi mới bắt đầu mưa ong phải được ủ ấm trong thùng để tránh bệnh tật mà chết

Để có một đàn ong khỏe mạnh, chất lượng tốt, ông Tiến chia sẻ, điều cốt lõi khi vào ong cần phải lựa chọn những con ong khỏe, không bị bệnh, như vậy sẽ tránh được tối đa bệnh tật cho ong về sau này. Thông thường mỗi đàn ong sẽ có 1 ong chúa, nhiều ong thợ và ong đực, trong đó trung bình mỗi con ong chúa đẻ từ 4 – 5 con. Tuổi thọ trung bình của ong thợ là khoảng 40 ngày vào mùa hoa và 60 ngày vào mùa đông, còn đối với ong chúa là 90 ngày.

Do đó để phòng trường hợp ong chúa bỏ đi hoặc bị chết sẽ có con khác thay thế, những người nuôi ong kinh nghiệm đã nghĩ đến việc làm ong chúa nhân tạo. Đồng thời để tăng lượng mật cho mỗi đàn ong, cách thời điểm hoa nở khoảng 40 ngày, người nuôi phải kích thích cho ong chúa đẻ ra nhộng bằng cách làm cho ong chúa trẻ lại với chế độ ăn uống đặc biệt hơn như mua phấn hoa trộn đường cho ong ăn.  

img

Để tăng lượng mật cho mỗi đàn ong, cách thời điểm hoa nở khoảng 40 ngày, người nuôi ong phải kích thích cho ong chúa đẻ ra nhộng

Thời gian lấy mật của ong thường kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8 dương lịch hằng năm. Đây là thời điểm nguồn thức ăn của ong dồi dào nhất nên ong rất khỏe, sinh sản tốt và ít khi bị bệnh. Bởi vậy ở thời điểm này, người nuôi chủ yếu quản lý việc thả ong ra cho ong đi làm mật.

Từ tháng 9 trở đi là thời điểm khó khăn cho việc nuôi ong vì đây là giai đoạn nuôi dưỡng và chăm sóc con ong để chờ đến vụ sau tiếp tục khai thác mật. Lúc này ong sẽ được di chuyển đến những vùng đất mới, chủ yếu là lên những vùng núi đá có khí hậu lạnh. 

Ông Tiến cho biết, vào những thời điểm chính vụ, cứ khoảng 6 – 7 ngày là lại có thể quay mật ong một lần. Với 100 thùng ong, mỗi lần quay sẽ cho khoảng 130 lít mật. Tính ra mỗi năm 1 đàn ong sẽ cho khoảng 15kg mật. Như vậy trung bình với 140 thùng ong gia đình ông Tiến thu được khoảng 1,3 - 1,5 tấn mật/năm.

img

img

Với 140 thùng ong mỗi năm gia đình ông Tiến thu được khoảng 1,3 - 1,5 tấn mật cho thu nhập ổn định khoảng 100 triệu đồng/năm.

Với giá bán ở thời điểm hiện tại từ 120.000 – 140.000 đồng/lít, mỗi năm thu nhập của gia đình ông Tiến từ việc nuôi ong lấy mật khoảng 100 triệu đồng. Ngoài ra, việc bán ong giống với giá 180.000 đồng/cầu và sáp ong với giá 120.000 – 150.000 đồng/kg cũng mang về thêm thu nhập cho gia đình ông. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem