Clip: Kỳ bí "cây thần" khổng lồ ngàn tuổi, dân bản phải dâng lợn, chó, gà

PV Tây Bắc Thứ bảy, ngày 09/05/2020 13:30 PM (GMT+7)
DANVIET.VN. Cây sa mu khổng lồ nghìn năm tuổi ở bản Nà Tâu có chu vi khoảng 10m, cao trên 50m, xòe tán lá rộng xum xuê. Ở trên ngọn cây, chim chóc đùa vui hát ca líu lo. Nhưng trước mặt cây này có ngôi miếu thờ, hỏi ra mới biết đây là "cây thần", mỗi năm dân bản phải dâng lợn, chó, gà để cúng.
Bình luận 0

Clip: Kỳ bí "cây thần" khổng lồ ngàn tuổi, dân bản Nà Tâu phải dâng lợn, chó, gà. Nhạc: Grekt.

Từ trung tâm xã Ngọc Chiến theo tỉnh lộ 109 đi huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, khi đến cánh đồng Mường Chiến (bản Mường Chiến, xã Ngọc Chiến) đánh mắt theo hướng bên phải nhìn lên bản du lịch cộng đồng Nà Tâu, có một thân cây khổng lồ đứng sừng sững như cột chống trời. Tò mò, chúng tôi dừng lại dò hỏi người dân bên đường mới biết đây là cây sa mu nghìn năm tuổi ở bản Nà Tâu, xã Ngọc Chiến.

Clip: Kỳ bí "cây thần" khổng lồ ngàn tuổi, dân bản phải dâng lợn, chó, gà - Ảnh 2.

Ngôi miếu được bản Nà Tâu dựng lên để thờ "cây thần" nghìn năm tuổi.

Chúng tôi di chuyển lại gần, cây sa mu khổng lồ nằm cạnh một nhà văn hóa. Trước mặt cây này có một ngôi miếu thờ, mái lợp bằng tấm fibro xi măng, xung quanh được xây kiên cố. Tại đây, chúng tôi gặp một vài em học sinh đang đá bóng. Hỏi về cây khổng lồ, có một cháu bảo đây là "cây thần" của bản. Các chú muốn biết thì di chuyển lên ngã ba hỏi bác Tòng Văn Hưởng, Bí thư chi bộ sẽ rõ.

Clip: Kỳ bí "cây thần" khổng lồ ngàn tuổi, dân bản phải dâng lợn, chó, gà - Ảnh 3.

Ông Hưởng bên cạnh "cây thần" khổng lồ.

Nhà ông Hưởng nằm cách gốc "cây thần" khoảng 50 bước chân. Ông Hưởng nói: Đây là cây sa mu. Tôi chưa đo, nhưng bằng mắt thường quan sát thì cây có chu vi khoảng 10m, chiều cao trên 50m. Cây đã được nhà khoa học đến đây nghiên cứu và bảo có tuổi đời lên đến nghìn năm. Cây sa mu được người dân trong bản gọi là "cây thần"

Theo ông Hưởng, bản Nà Tâu có 273 hộ, 100% là đồng bào dân tộc Thái Trắng. Hàng năm, cứ đến ngày mùng 7 Tết, mỗi hộ đóng góp một ít tiền và cử một người cùng thầy mo ra ngôi miếu để cúng "cây thần". Lễ vật để cúng dâng lên "cây thần" gồm" 1 con lợn nặng từ 80 - 100kg; 1 con chó nặng khoảng 10kg; 1 con gà màu trắng, 1 con gà màu đỏ (1 trống, 1 mái). Sau khi thức ăn nấu chín, mọi người giúp nhau chuẩn bị mâm cỗ bê ra miếu cùng thầy mo để làm lý dâng cho "cây thần".

Clip: Kỳ bí "cây thần" khổng lồ ngàn tuổi, dân bản phải dâng lợn, chó, gà - Ảnh 4.

Vỏ "cây thần" xù xì, rêu mốc.

Ông Hưởng tiết lộ: Bài cúng của thầy mo chủ yếu xin "cây thần" bảo vệ, che chở cho người dân trong bản được khỏe mạnh, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt bội thu. Cầu cho những con cháu trong bản đi học, đi làm ăn xa "thuận buồm xuôi gió". Sau ngày mùng 7 Tết dâng lễ vật cho "cây thần" xong, người dân mới ra khỏi bản để lao động, làm ăn...

Clip: Kỳ bí "cây thần" khổng lồ ngàn tuổi, dân bản phải dâng lợn, chó, gà - Ảnh 5.

Bên cạnh "cây thần" có thêm cây si khủng bám chặt lấy như để cùng bà con bản Nà Tâu bảo vệ lấy "cây thần".

"Từ khi sinh ra, "cây thần" này đã to như vậy rồi. Tôi cũng chỉ nghe các cụ kể lại thôi. Nếu nhà báo muốn tìm hiểu sâu hơn thì tôi dẫn đi gặp ông Cà Văn Pỏm - già làng của bản", ông Hưởng bảo. Nói xong, chúng tôi đi lên nhà ông Pỏm.

Clip: Kỳ bí "cây thần" khổng lồ ngàn tuổi, dân bản phải dâng lợn, chó, gà - Ảnh 6.

Ông Cà Văn Pỏm cho biết: "Chỉ người già đi chứ cây thần thì cứ sống mãi với thời gian".

Ông Pỏm sinh năm 1928, năm nay bước sang tuổi 92, 51 tuổi Đảng, nhưng nom người vẫn rất khỏe. Dẫn chúng tôi đi xem "cây thần", 1 bước sải chân của ông bằng 2 bước chân của chúng tôi. Ông bảo: "Tôi nghe ông cụ kể lại rằng: Trước đây, khu vực này rừng rậm lắm, hổ, gấu rất nhiều. Bản Nà Tâu lúc đấy chỉ có 7 hộ dân sinh sống. Ban đêm, nghe thấy tiếng hổ gầm gừ vọng lại từ gốc cây sa mu về bắt trâu, bò nên bà con rất sợ.

Thấy vậy, một số già làng trong bản đã tìm đến thầy mo cúng để xin tổ tiên bảo vệ người dân khỏi đàn hổ. Sau khi cúng, tổ tiên bảo rằng cây sa mu có thần sinh sống. Bà con muốn xua đuổi đàn hổ đi nơi khác thì phải lập miếu thờ để thần bảo vệ. Sau khi lập miếu thờ, bà con không còn nghe thấy hổ gầm gừ nữa. Từ đó, người dân tích cực khai phá ruộng lúa, trâu, bò càng ngày càng đông, cuộc sống no ấm dần dần".

Clip: Kỳ bí "cây thần" khổng lồ ngàn tuổi, dân bản phải dâng lợn, chó, gà - Ảnh 7.

Tán cành "cây thần" rộng xum xuê.

Ông Pỏm nói thêm: "Cây thần" này rất thiêng. Thời chống Pháp, chống Mỹ, các thanh niên trong bản trước khi lên đường đánh giặc đều xin cây thần bảo vệ nên ai cũng sống sót trở về đoàn tụ với gia đình. Cả bản có 60 cựu chiến binh đi lính về, chỉ có 2 người bị thương nhẹ".

Clip: Kỳ bí "cây thần" khổng lồ ngàn tuổi, dân bản phải dâng lợn, chó, gà - Ảnh 8.

Tán "cây thần" rộng lớn, che mát cả một khu đất rộng.

Tiếp tục câu chuyện kỳ bí về "cây thần" với ông Pỏm, chúng tôi được biết, những người trong bản khi mất, đem đi chôn cất không được đi qua trước mặt cây thần. Nếu đi qua, các hộ dân sinh sống gần "cây thần" được bản giao bảo vệ miếu thờ thần sẽ không ăn, không ngủ được trong nhiều ngày liền. Nên khi đem người mất đi chôn phải đi đường vòng và tránh xa "cây thần".

Clip: Kỳ bí "cây thần" khổng lồ ngàn tuổi, dân bản phải dâng lợn, chó, gà - Ảnh 9.

Các loại cây tầm gửi bám đầy lên cành cây của "cây thần".

Theo tìm hiểu, cây sa mu là loại gỗ quý hiếm thuộc nhóm IA trong danh sách các nhóm gỗ quý ở Việt Nam. Hiện nay, cấp ủy, chính quyền xã Ngọc Chiến đang vận động nhân dân xã hội hóa xây dựng khu tâm linh cây sa mu bản Nà Tâu để góp phần đánh thức tiềm năng du lịch ở nơi đây.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem