Chuyện về gia đình có 12 liệt sĩ, 3 mẹ Việt Nam anh hùng

Dũ Tuấn Thứ tư, ngày 17/02/2016 10:17 AM (GMT+7)
Gia đình ông Nguyễn Chưng (SN 1889, trú thôn Kim Đông, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, Bình Định) có đến 12 liệt sĩ và 3 mẹ Việt Nam Anh hùng VNAH. Thời chiến gia đình ông đã đóng góp nhiều máu xương cho đất nước. Thời bình con cháu của gia đình tiếp tục đóng góp tiền của, công sức xây dựng quê hương.
Bình luận 0

Lão nông đòi đất cho dân

Khu vườn của gia đình liệt sĩ Nguyễn Chưng nằm lọt thỏm giữa vùng đất trũng của thôn Kim Đông, đằng trước là đồng ruộng, phía sau là dòng sông. Tại khu vườn, bia tưởng niệm gia tộc được xây dựng kiên cố ở nơi trang nghiêm nhất. Trên bia khắc đầy đủ tên 12 liệt sĩ, gồm Nguyễn Chưng, Nguyễn Học, Nguyễn Tuân, Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Văn Sanh, Nguyễn Thị Năm, Nguyễn Mậu, Nguyễn Xuân Đãi, Nguyễn Văn Thái, Nguyễn Đăng Khoa và Nguyễn Văn Năm. 3 mẹ VNAH là mẹ Lê Thị Mười - vợ liệt sĩ Nguyễn Chưng, cùng hai con dâu là mẹ Huỳnh Thị Thử và Trần Thị Lưỡng (vừa là mẹ VNAH vừa là liệt sĩ).

img

Ông Nguyễn Minh Chuẩn - Trưởng thôn Kim Đông bên bia tưởng niệm khắc tên 12 liệt sĩ, 3 Mẹ VNAH của gia đình liệt sĩ Nguyễn Chưng. Ảnh: D.T

Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Huyến (85 tuổi, con trai út liệt sĩ Nguyễn Chưng), ngày trước ông Chưng làm ruộng. Thời phong kiến, phần lớn ruộng đất tập trung vào tay địa chủ và những chức sắc tại địa phương, người dân thôn Kim Đông luôn gánh chịu sự áp bức, bóc lột. Không chịu được cảnh bất công, ông Nguyễn Chưng đứng ra tập hợp người dân thôn Kim Đông đấu tranh chống cường hào, địa chủ để đòi lại sự công bằng và ruộng đất.

Chưa dừng lại ở đó, ông còn đứng ra thành lập công đoàn, tổ chức hội nông dân đi vào canh tác tập thể và phụ trách công trình thủy lợi của thôn, xây dựng đê điều, đập dâng đưa nước về cung cấp cho thôn, xóm. Thời kỳ chống Mỹ, ông bí mật bám trụ ở thôn, hoạt động bí mật, như treo cờ, rải truyền đơn, liên lạc, cung cấp thực phẩm, thuốc men và nuôi giấu cán bộ.

img

Ông Nguyễn Văn Huyến giữ gìn cuốn sổ vàng của gia đình còn được lưu giữ. Ảnh: D.T

“Cha tôi đã động viên 7 người con tham gia kháng chiến, trong đó 6 người là bộ đội trực tiếp cầm súng đánh giặc, 1 người tham gia phong trào cách mạng địa phương. Ông chắt chiu từng hạt gạo để  cùng người dân thôn Kim Đông đánh giặc giữ làng”- ông Huyến nhớ lại.

Ngày 28.3.1966, ông Nguyễn Chưng hy sinh trong cuộc đấu tranh chống cuộc càn quét của địch. Năm 2001, ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu liệt sĩ.

Tiếng thơm còn vang mãi

Năm nay, đã tròn 85 tuổi nhưng đôi mắt người con trai út của liệt sĩ Nguyễn Chưng vẫn còn rất tinh anh, minh mẫn. Ông Huyến say sưa kể về chuyện cũ của gia đình và cả những dự định tuổi già mà ông đau đáu. “Năm nay tôi được 66 tuổi Đảng, tôi đang cố gắng dành dụm chút tiền để mua quà tặng cho những đứa nhỏ tại quê. Chỉ sợ tuổi già chứ còn sức thì làm gì cho quê hương thêm tốt đẹp thì rất nên làm”- ông Huyến nói.

Gia tộc liệt sĩ Nguyễn Chưng đã đóng góp nhiều công trình phúc lợi cho địa phương như hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn liên xóm, xây dựng cây cầu ở thôn Kim Đông...”.

Ông Nguyễn Văn Nhâm - Chủ tịch UBND xã Phước Hòa

Theo ông Nguyễn Minh Chuẩn - Trưởng thôn Kim Đông, liệt sĩ Nguyễn Chưng là cái tên luôn được người dân địa phương nhắc đến với niềm tự hào và lòng biết ơn. Năm 2006, con cháu của gia đình liệt sĩ Nguyễn Chưng đã tự nguyện đóng góp, hỗ trợ tiền để xây dựng chiếc cầu ông Tường và con đường bê tông dẫn vào thôn Kim Đông với chiều dài 300m, kinh phí hơn 200 triệu đồng. Đặc biệt, con trai út của ông Nguyễn Chưng đã đã trao 5 chiếc xe đạp cho những em học sinh nghèo, hiếu học trong thôn.

“Lúc trước, người dân trong thôn cũng có ý định làm cầu và đường để đi lại được thuận tiện hơn nhưng hiểm nỗi ai cũng có khó khăn nên chưa làm được. May là con cháu liệt sĩ Nguyễn Chưng bỏ vốn, rồi người dân chung tay làm mặt bằng, đóng góp ngày công. Nhờ vậy, xóa cảnh lầy lội,  bất trắc mỗi khi mùa mưa về. Dân ở đây khi nhắc về ông Nguyễn Chưng thì họ tự hào lắm”- ông Chuẩn chia sẻ.

img

Cầu ông Tường do con cháu liệt sĩ Nguyễn Chưng đóng góp kinh phí dựng nên. Ảnh: D.T

Ngày chiếc cầu và con đường hoàn thành, con cháu liệt sĩ Nguyễn Chưng từ khắp nơi đã về sum vầy và chung vui cùng bà con thôn Kim Đông. Bà Nguyễn Thị Mai (48 tuổi) khoe: “Nhờ chiếc cầu và con đường kiên cố do con cháu ông Nguyễn Chưng và dân làng đóng góp xây dựng, người dân đỡ bớt gánh nặng mua thu hoạch vì xe cơ giới tới thẳng đồng ruộng vận chuyển nông sản về tận nhà. Không phải vất vả như lúc còn đường đất”.

Ông Nguyễn Văn Nhâm- Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, cho biết: “Gia tộc liệt sĩ Nguyễn Chưng đã đóng góp nhiều công trình phúc lợi cho địa phương như hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn liên xóm, xây dựng cây cầu ở thôn Kim Đông… Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Huyến đã trích tiền 60 năm tuổi Đảng của mình tặng cho Hội Khuyến học xã và tặng 5 chiếc xe đạp cho các cháu nhà nghèo học giỏi trong thôn. Hàng năm, gia tộc Nguyễn luôn duy trì học bổng cho con cháu trong dòng họ và học sinh nghèo học giỏi ở Kim Đông”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem