dd/mm/yyyy

Chuyện ở nơi “một nhà sáng đèn cả xóm thao thức”

Theo chân cả xóm lên vuông (mảnh đất được đắp đê- gọi là bao ngạn- cao ráo để nuôi tôm) xổ tôm tôi mới có thể tin và hiểu hơn về câu chuyện “một nhà sáng đèn cả xóm thao thức”.

“Một nhà sáng đèn cả xóm thao thức vì không biết nhà đó có chuyện gì hay cần tiếp giúp gì không”, chú Nguyễn Văn Thạch (Tám Thạch) ở ấp Bến Bào, xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, nói như vậy về tình làng nghĩa xóm ở đây. Một biểu hiện sinh động nhất chính là tinh thần gắn bó trong lao động, sản xuất với tục vần công.

Bà con giúp nhau thu hoạch tôm. Ảnh: DUY KHÔI
Bà con giúp nhau thu hoạch tôm. Ảnh: DUY KHÔI

Cả xóm cùng ra đồng

Mới hơn 4 giờ sáng mà nhà anh Nguyễn Sê Ri ở ấp Bến Bào đã rộn tiếng cười nói. Chuyện là nhà anh Ri hôm đó thu hoạch tôm- từ địa phương gọi là xổ tôm- nên bà con tới giúp. Cánh đàn ông chuẩn bị máy móc bơm nước, máy bơm ô-xy giữ cho tôm sống; phụ nữ loay hoay sau bếp để chuẩn bị bữa cơm sáng và đem cơm theo ăn bữa trưa. Nồi cơm nấu 5 lít gạo nhìn thấy “phát ngán” mà vợ anh Ri nói: “Tới trưa là sạch bách!”.

Theo chân cả xóm lên vuông (mảnh đất được đắp đê- gọi là bao ngạn- cao ráo để nuôi tôm) xổ tôm tôi mới có thể tin lời nói vợ anh Ri là thật. Vuông chừng hơn 10 công đất nhưng có đến hơn 50 người sẵn sàng giúp anh chị bắt tôm.

Chú Tám Thạch, lối xóm của anh Ri, lý giải: Bà con ở đây giờ phổ biến nuôi hai loại tôm: càng xanh và thẻ chân trắng. Để bắt tôm càng, bà con sử dụng một xuồng máy có che chắn ở chân vịt (để không chặt phải tôm) và chạy trong vuông sục bùn. Những con tôm bị bùn làm mờ mắt và do thiếu ô-xy nên nổi lên mặt nước, búng xôi xối. Còn với tôm thẻ, bà con dùng lưới để kéo. Điểm chung của cả hai cách bắt này là đều cần rất nhiều người mới có thể làm được vì nếu chậm tôm sẽ chết, mất giá trị. “Tục vần công xổ tôm ở xóm này có từ đó”- chú Tám Thạch cho biết.

Sau hơn 1 giờ dùng máy sục bùn, tôm càng trong vuông nhảy tung tóe. Hơn 30 người, có người 60- 70 tuổi, có người lực điền, thanh niên… xuống vuông bắt tôm, ai cũng lấm lem bùn đất mà cười tươi rói, nhanh nhảu bắt những con tôm cho vào thùng xốp, túi nhựa cầm sẵn trên tay. Chị em phụ nữ ngồi trên bờ vuông chuẩn bị “tắm” cho tôm sạch rồi phân loại, cho vào những thùng chứa nước chạy ô-xy để giữ cho tôm sống.

Không khí ngoài vuông tôm nhộn nhịp như một ngày hội. Quá 10 giờ, thương lái cân tôm của anh Ri xong, vợ chồng anh tính toán lời gần 50 triệu đồng. Bà con nghe vậy vỗ tay chúc mừng vang dậy một miền quê đồng chua nước mặn. Vậy rồi bà con ngồi lại lai rai cùng gia chủ, chia sẻ niềm vui “trúng tôm”. Vợ chồng anh Ri cám ơn bà con rối rít nhưng bà con thì khoác ngang: “Có gì đâu, mai mốt tới chú tụi bây tiếp lại!”. Mỗi người ra về, đôi vợ chồng trẻ gởi bọc tôm hơn nửa ký “ăn lấy thảo”.

Cùng buồn, cùng vui

Theo những lão nông tri điền ở ấp Bến Bào như ông Út Nhỏ, ông Ba Lầu, ông Tám Thạch… dù chuyện vần công xổ tôm xuất phát từ nhu cầu cần đông người nhưng lâu dần, trở thành nét đẹp của tình làng nghĩa xóm. Trước bữa xổ tôm, gia chủ sẽ đi đến từng nhà nhờ, gọi là “mượn”. Nói vậy, nhưng nhiều người không được “mượn” mà rảnh rỗi cũng đến tiếp. Mỗi người “một tay một chân”: chuẩn bị bồn chạy ô-xy để bảo quản tôm sau khi bắt lên, chỗ đổ tôm để phân loại, thùng lạnh để ướp đá cho tôm... Không khí tất bật nhưng rộn vang tiếng nói cười, lời hỏi thăm xóm giềng thân thiết.

Chị Nguyễn Thị Kim Ly, ở ấp Bến Bào, xã Vĩnh Lộc A, nói, vợ chồng anh Ri khá “mát tay” nuôi tôm nên mấy vụ liền đều trúng đậm. Bà con ai cũng vui lây. Nhưng cũng có người nhiều vụ liền xổ tôm không được bao nhiêu, hoặc đủ vốn, hoặc lỗ. Những bữa như vậy bà con đến tiếp thì đông nhưng ai cũng căng thẳng rồi… buồn xo khi vuông không có tôm. Bà con động viên gia chủ “thua vụ này bày vụ khác”. Chuyện “ăn lấy thảo” cũng không ai nhận. Tình nghĩa xóm giềng càng sâu đậm trong những tình huống như thế.

Anh Nguyễn Sê Ri nói với chúng tôi rằng, cả xóm này ai có đất ở đâu, bao nhiêu công, mọi người đều biết. Ai nuôi tôm trúng, thất cũng biết luôn. Thậm chí, vuông tôm của ai xổ được bao nhiêu ký, bán được bao nhiêu tiền, lời bao nhiêu… cũng “trong lòng bàn tay”. “Không phải nhiều chuyện đâu nghen. Biết như vậy để mình rút kinh nghiệm, rồi chia sẻ với bà con. Ở đây, bà con cùng vui, cùng buồn à!”- anh Ri cười tươi.

Về ấp Bến Bào, xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, nghe bà con nói nhiều về con tôm, chuyện đổi đời từ nghề nuôi tôm. Chúng tôi nghĩ rằng, con tôm không chỉ giúp bà con đổi đời mà còn thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm. “Ở đây mà “đèn nhà ai nấy sáng, trán nhà ai nấy rờ” là chết lớn à!”- ông Út Nhỏ, một lão nông cố cựu ở địa phương hề hà.

Đăng Huỳnh