Chuyện nuôi cừu ở “chảo lửa” Ninh Thuận, nơi cỏ "quý hơn cả vàng"

Công Tâm Thứ hai, ngày 30/10/2017 06:09 AM (GMT+7)
Có thể thấy rằng, nghề nuôi cừu tại vùng hạn Ninh Thuận đang giúp cho đời sống của người dân vùng nông thôn chuyển biến rõ rệt. Từ đàn cừu nhiều hộ gia đình không những nuôi được con cái ăn học mà còn tạo được công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.
Bình luận 0

Vượt đoạn đường dài hơn 100km, chúng tôi tìm về huyện Thuận Nam (Ninh Thuận), mảnh đất luôn có khí hậu khắc nghiệt hơn so với các huyện khác và ở khu vực này còn gọi là “chảo lửa”. Tận mắt chứng kiến những người dân đang cần mẫn chăm chút từng cây lúa dưới đồng ruộng, một số hộ khác đang thả đàn cừu trên cánh đồng bạt ngàn này mới biết được sự kiên trì, bền bỉ của những nông dân vùng hạn.

img

Ông Lưu Kim Hương phấn khởi nhờ cừu tăng giá. Ảnh: Công Tâm 

Trên địa bàn có khoảng 1.300 hộ chăn nuôi cừu. Nghề nuôi cừu đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động vùng nông thôn.  

Dưới cái nắng cháy da, cháy thịt, ông Lộ Chính (thôn Văn Lăm 4, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam) cho biết, gia đình ông đã bắt đầu chăn nuôi cừu từ năm 1995. Những năm đầu nghề nuôi cừu cũng không ít thăng trầm. Để đối phó với thời tiết khắc nghiệt, gia đình phải chủ động trồng 3,5 sào cỏ làm nguồn thức ăn dự trữ.

Theo ông, cứ vào mùa hạn, mỗi tháng phải chi phí khoảng 4 triệu đồng để mua thức ăn cho đàn cừu của mình, thức ăn giai đoạn nắng hạn rất khan hiếm, được xem “quý hơn cả vàng”.

 Vùng  đất này nói đến nắng hạn ai cũng sợ, cây cỏ sống cũng không nổi. Có những lúc ông cũng nản lòng muốn  bỏ cuộc. Tuy nhiên, cứ khó khăn mà bỏ cuộc thì không đáng mặt đàn ông, hơn nữa mảnh đất nơi đây không nuôi cừu thì lấy gì để sống – ông cho biết thêm.

Không chịu khuất phục, ông Chính vẫn cố gắng xây dựng trang trại và phát triển đàn cừu. Đến nay, đã gầy dựng được 200 con cừu, mỗi năm ông xuất bán từ 5 - 7 đợt cho thương lái. Nhờ nuôi cừu, mỗi năm gia đình ông thu 100 triệu đồng.

Dễ nuôi dễ bán

Gắn bó với nghề nuôi cừu hơn 12 năm, anh Sư Minh Tạo (xã Phước Nam, huyện Thuận Nam) cho biết: “Tôi xuất thân từ gia đình nghèo, nhiều năm vất vả làm thuê nên anh dành dụm ít vốn mua được 50 con cừu”. Nhờ tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên trên đồng ruộng, cộng với chăm sóc bài bản, đến nay anh có trên 200 con cừu.

img

Anh Tạo bộc bạch,  nghề nuôi cừu có lợi nhuận hơn so với một số con vật khác. Bình quân mỗi con cừu cái sẽ sinh sản từ 1- 3 con, cứ 2 năm nếu chăm sóc tốt sẽ đẻ được 3 đợt. Sau khoảng 6- 8 tháng nuôi mỗi con đạt 20 – 30kg thịt, giá bán dao động 70.000 – 80.000 đồng/kg loại thịt và 85.000 – 100.000 đồng/kg loại cừu vỗ béo, mỗi con trừ chi phí lãi trên 1,5 triệu đồng.

Ông Thái Bá Sáu – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thuận Nam cho biết, cừu là một trong những sản phẩm đặc thù của tỉnh Ninh Thuận. Nghề nuôi cừu đã giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế và cho thu nhập ổn định. Hiện nay, người dân đang nuôi tập trung nhiều tại các xã Phước Nam, Phước Minh, Nhị Hà, Phước Hà…

Để giúp nghề nuôi cừu phát triển, Hội Nông dân huyện hàng năm đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức mở các lớp đào tạo nghề về chăn nuôi cừu. Theo ông Sáu, sản phẩm cừu của nông dân được thương lái thu mua tại chỗ và ở địa phương cũng có cơ sở chế biến cừu nên phần nào người dân cũng yên tâm đầu ra.

Bà Châu Thùy Mai Ry – Phó Chủ tịch UBND xã Phước Nam nhận xét, xã Phước Nam rất có thế mạnh để chăn nuôi cừu. Toàn xã có trên 29.000 con dê, cừu, trong đó cừu chiếm  tỷ lệ trên 80%. Người dân hiện đang mạnh dạn áp dụng kỹ thuật nuôi cừu vỗ béo và cừu sinh sản cho đàn cừu của mình, nhờ đó mà chất lượng cũng như thu nhập của người nuôi cừu tăng đáng kể. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem