Chuyện lạ Quảng Ninh: Bán lá...cây rừng kiếm không ít tiền

Chủ nhật, ngày 12/01/2020 19:02 PM (GMT+7)
Xưa nay dân gian vẫn có câu: Nhiều như lá cây trên rừng...! Nếu cần thì có thể vào rừng lấy vô số, đâu cần phải mua mà bán... Ấy vậy mà cái nghề nghe có vẻ kỳ lạ này lại có từ lâu, thoạt nghe thì đơn giản nhưng tốn khá nhiều công phu
Bình luận 0

Không chỉ nuôi sống nhiều người, nghề này lại là khởi nguồn cho nhiều bài thuốc quý, chữa cho nhiều người thoát khỏi căn bệnh hiểm nghèo.

Gian nan nghề... bán lá cây rừng !

Nhắc tới nghề kỳ lạ này, tôi chợt nhớ những ấn tượng và sự tò mò khi bắt gặp tấm biển to: Bán lá cây rừng trong chuyến tác nghiệp ở Thượng Yên Công (TP Uông Bí) hoặc ở rừng Bù Lù, phía trên bãi thải Nam Lộ Phong (phường Hà Phong, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh). 

img

Ông Sình giới thiệu về vườn thuốc gồm các loại lá thuốc quý được ông đưa về trồng gần nhà.

Theo những người dân bản địa thì nghề này có từ lâu, không hề xa lạ với nhiều người dân địa phương. Đây là nghề "tay trái" của những người thường xuyên đi rừng và cả những thầy thuốc Nam.

Ban đầu chỉ là nhờ những người thạo nghề đi rừng săn bắn, khai thác lâm sản... tiện lấy hộ nắm lá về tắm hoặc làm thuốc. Về sau do nhu cầu cuộc sống ngày càng cao, rừng ngày càng cạn kiệt, nhu cầu về các loại lá thuốc, các loại lá tắm cổ truyền càng lên ngôi. Nghề này cũng vì thế mà được nhiều người biết tới.

Anh Hà Văn Bình là người Mường, từ tỉnh Phú Thọ di cư xuống vùng đất này, gắn bó nghề đi rừng với thâm niên hàng chục năm, thường đi rừng già trên Bù Lù, đi xuyên xuống tận Vàng Danh (Uông Bí), Cẩm Phả...

"Nói là hái thuốc cho oai chứ thực ra, biết điểm có nhiều loại cây thì chỉ việc hái, chặt cành mang về. Điều khó nhất chính là phải đúng chủng loại lá, thời điểm hái...có thế mới đạt yêu cầu và bán được giá. Nhưng nay đi rừng vất vả mà không còn kiếm sống dễ dàng như trước. Việc phát rừng trồng keo, bạch đàn...đốt cháy thực bì, khiến rất nhiều loại cây cỏ, lá thuốc cũng vì thế mà cạn kiệt dần. Việc lấy lá cây rừng, dây leo...thành ra vô cùng khó khăn. Có lẽ bây giờ phải gọi là đi "săn lá cây rừng"..., anh Bình chia sẻ.

img

Để tìm được nhiều loại lá thuốc quý bán, người "săn lá thuốc" phải lăn lội sâu trong rừng.

Cùng nghề với anh Bình, nhưng gia đình vợ chồng ông bà Tạ Văn Sình - Trương Thị Lâm (tổ 14, khu 3, phường Hà Phong) đi rừng lấy lá bán thường xuyên hơn. Ông bà là thế hệ thứ 3-4 theo nghề làm thuốc truyền thống của gia đình. Để trở thành thầy thuốc giỏi, lấy "lộc rừng" về bán không hề đơn giản.

Ông bà đã mất nhiều năm theo gót cha, ông xuyên rừng tìm, phân biệt từng loại lá rừng, vỏ, rễ cây rừng... về làm thuốc. Qua câu chuyện kể của những người đi hái lá thuốc, chúng tôi biết để hái được lá rừng về làm thuốc họ phải đi hàng chục km đường rừng hoặc leo lên những dãy núi đá cao vút lởm chởm, có khi đi xuyên sang cả khu vực Quang Hanh (Cẩm Phả); đi hết những khu rừng ở Hoành Bồ... 

Do vậy khi được ông Sình đồng ý cho đi cùng, tôi đã phải chuẩn bị chu đáo cho hành trình đi rừng hái lá vào ngày hôm sau. Nhìn ông Sình nai nịt gọn gàng, kỹ lưỡng đầu đội mũ cối, mặc áo dài tay, chân đi ủng cao su... khiến tôi thấy lo. "Cháu không phải lo, chuyến này đi cũng gần và đơn giản thôi", ông trấn an.

img

Ông Sình giới thiệu kho thuốc Nam của gia đình.

Hành trình đơn giản mà ông nói là di chuyển khoảng 4-5km bằng xe máy qua khai trường mỏ than, dừng ở chân bìa rừng rồi theo đường mòn lên rừng Bù Lù. " Ở đây là rừng tái sinh, vùng chân đồi Bù Lù này chỉ có các loại lá cây đơn giản, lại không phong phú".

Vừa nói ông Sình vừa thoắt đi theo lối mòn, dốc lên rừng. Đoạn đường càng đi càng cao, lắm lúc phải leo dốc đứng, nhiều đoạn trơn trượt. Vừa đi ông vừa dùng cây tre dài hoặc con dao phát cây, vạch cỏ, gai đập mạnh về phía trước.

Cảm tưởng như mỗi điểm trên hành trình đi rừng người thợ này đã rõ như... được đánh dấu trước vậy. Đi chừng được khoảng hơn 2k đường rừng, dừng chân lúc này ông mới chỉ cho chúng tôi những vạt rừng rậm rạp, có nhiều lá thuốc như: Lá giành giành, lá cây doi rừng, lá  ku ka, lá và củ cây sâm nam...

Lúc này tôi mới thấm mệt vì đoạn đường đi quá khó, nhiều gai. Dù trời không nóng nhưng chiếc áo phông và áo khoác mỏng dài tay của tôi ướt sũng mồ hôi... như bị ai dội nước. Cổ chân, cổ tay bị lá, gai rừng rạch nhiều đường máu tươi từng vệt...Vừa ngồi nghỉ mệt, ông vừa kể như an ủi tôi: Mùa này là mùa lý tưởng để đi lấy lá cây và một số loại thân, rễ cây rừng...

Thế nhưng ngoài nóng bức, có khá nhiều mối nguy hiểm thường trực với người đi rừng đặc biệt là từ ong và rắn. Thế nên nhiều người không chọn đi rừng mùa hè mà chọn đi rừng từ tháng 10 trở ra. Đối với ong rừng thì nguy hiểm hơn bởi giống ong vào hè thường hung hăng, hiếu chiến hơn khi vô tình đạp nhầm hoặc phá vào tổ. Người đi rừng bao giờ cũng cầm dao hoặc cây tre dài khua mở đường trước mặt.

img

Ông Sình chỉ cho chúng tôi cây sâm nam mà có thể dùng cả lá, thân và củ để chữa bệnh.

Ông cũng kể, đi rừng mùa này đã nhiều lần gặp rắn, đặc biệt là rắn sầu ve. Giống này ban ngày mù nhưng bất cẩn va phải, rất nguy hiểm. Gặp ong còn nguy hiểm hơn. Một lần vô tình đào nhầm vào tổ ong bầu đất to trên triền núi. Lúc phát hiện ra thì thấy ong đã túa ra, thấy vậy tôi phát hoảng liền theo kinh nghiệm cúi rạp xuống, lăn 2-3 vòng xa tổ rồi nằm sát đất.

Ong kéo ra không thấy người liền chui vào tổ. Hôm đó nếu để bị đốt chắc sẽ... mất mạng như chơi! Giống ong này nọc rất độc. Có lần bà xã bị 2-3 con đốt thôi mà đến phát sốt, suy hô hấp, không cấp cứu kịp thời thì bà đã nguy to rồi!. Mùa này đi rừng lúc nào cũng phải có một số loại lá thuốc phòng thân". 

Nhiều vị thuốc quý cứu người...

Ông Sình - bà Lâm là thế hệ thứ 3-4 tiếp nối truyền thống làm thuốc của gia đình. Mà trước hết có lẽ phải trở thành thợ đi rừng hái lá, lấy vỏ, rễ cây rừng... Bà Lâm kể, sở dĩ biết được tất cả các loại cây thuốc quý như ngày hôm nay đều nhờ vào người cha truyền lại.

Ngày trước cứ tờ mờ sáng mùa hè, ông cụ thân sinh lại dẫn bà cùng con cháu đi bộ lên cánh rừng, núi đá tìm lá thuốc chữa bệnh. Khi tìm thấy bất cứ một cây thuốc quý bố đều ngắt lên và hướng dẫn công dụng của từng loại lá rất cẩn thận... Vất vả, gian nan là vậy nhưng ông bà vẫn gắn bó với lá rừng, với rừng thuốc.

Những cánh rừng ở Bù Lù vốn nhiều năm xanh tốt, sương mù bao phủ. Ở đây ông bà còn phát hiện nhiều loại lá thuốc quý như: Xạ đen, trà hoa vàng, sâm nam, sâm xuyên đá... Đặc biệt xạ đen ở đây đã được biết tới cách đây 30-40 năm nhiều thợ đi rừng, thầy thuốc cự phách ở Hòa Bình đã biết đến đây để khai thác loại cây thuốc này, ông Sình kể.

Vất vả, hiểm nguy thế nhưng lá mình hái về phải đảm bảo, mình nấu uống trước, dùng trong gia đình xong mới nghĩ đến chuyện mang bán cho người ta... Thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, kho thuốc cứ thế được làm dày lên tới hàng chục loại lá cây, dễ cây rừng. Kinh nghiệm và công dụng của các bài thuốc cũng dần tốt hơn, mạnh hơn nhờ những cây thuốc đặc biệt chỉ nơi đây mới có, người nơi đây mới biết dùng...

Để bán được các loại lá rừng, tạo nên các bài thuốc quý chữa bệnh, tắm mát... cũng lắm công phu, cần phải có sự phối vị của hàng chục loại lá cây, vỏ, rễ cây rừng. Điều ông bà tự hào là hầu hết các loại lá, cây ở rừng Bù Lù và những dãy núi đá quanh vùng ông bà đều nắm được công dụng và cách sử dụng. Đáng quý nhất có lẽ là: Dây tài lệch, chân vịt, chân ngỗng, sâm cau... là những vị thuốc nam rất quý, lành và có công lực chữa bệnh tốt.

Với lá tắm phải phối vị từ khoảng 20 loại lá cây rừng. Các loại lá cây rừng mọc tự nhiên có dược tính cao, có tính chát, mát... lại là bài thuốc hiệu quả cho các bệnh căn sởi, phỏng dạ, zola thần kinh, thủy đậu, chân tay miệng. Ông cũng khẳng định nhờ các vị lá thuốc quý này mà hầu hết khách hàng đều khỏi bệnh khi dùng các loại lá tắm này.

img

Để tìm được nhiều loại lá thuốc quý bán, người "săn lá thuốc" phải lăn lội sâu trong rừng.

Không chỉ vậy, mỗi thứ lá mang một công dụng riêng chữa trị các bệnh thông thường như thiếu máu, bạc tóc sớm, mất ngủ, cảm hàn, đau lưng, đau gan, viêm khớp, đại tràng, đau dạ dày, ăn khó tiêu, ngộ độc. Đặc biệt ông còn phối các vị của các loại lá rừng như lá giành giành, rúc rúc, cây trân châu... với các cây dây như: Tài lệch, xó nhà, xạ đen, trà hoa vàng, sâm nam, sâm xuyên đá... thành các bài thuốc quý, trị các bệnh hiểm nghèo, nan y.

"Mới đây thôi, tôi nhận chữa cho một cán bộ ngoài tỉnh bị tổn thương gan nghiêm trọng, có men gan tăng gấp 8-10 lần thông thường, đạt mức trên 200-300 (UI/L). Với các loại lá rừng phối vị với các giống thuốc quý trên mà chỉ sau 1-2 thang thuốc căn bệnh đã thuyên giảm hẳn. Cuối năm 2018, một gia đình người bệnh ở phường Yết Kiêu (TP Hạ Long) còn lấy thuốc lá uống chữa khỏi bệnh viêm gan C mà điều trị nhiều nơi chưa đỡ", ông Sình vui vẻ kể chuyện.

Giá bán lá thuốc ở đây cũng phải chăng (chỉ 60.000 đến 250.000 đồng/liều theo từng loại thuốc) nên không chỉ những gia đình có điều kiện ở thành phố mà ngay cả người dân ở các vùng nông thôn cũng mua về nấu, uống thay nước hàng ngày. Đặc biệt có rất nhiều người dân địa phương, ở thành phố và cả các tỉnh khác nghe tiếng đều qua mua lá tắm, các loại lá, cây rừng ở đây về làm thuốc.

"Dù nghề này khá gian nan, vất vả, thậm chí đôi khi còn nguy hiểm, thế nhưng mỗi khi có dịp chúng tôi đều dẫn các con, cháu thế hệ sau, đi theo để hướng dẫn, học nghề. Điều vui nhất là tận dụng được rừng thuốc xung quanh chúng ta để giúp đỡ cho bà con, đồng bào", ông Sình chia sẻ.

Hà Phong (Báo Quảng Ninh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem