dd/mm/yyyy

Chuyện lạ ở ngôi làng đất sinh, người thọ

Giữa dòng sông Trà của tỉnh Quảng Ngãi có làng Ân Phú. "Trời phú" cho người già ở làng này tuổi thọ cao. Ngôi làng này còn sở hữu nhiều cái lạ, đó là sống chung với tre, trị thủy bằng cây bói, đeo số năm từ trước 1975, không có trộm cắp, sở hữu nhiều đất mặt sông...

Xào xạc làng tre

Vượt qua một con đò sông Trà, tôi có mặt tại làng Ân Phú và dừng lại hít thở thật sâu để cảm nhận không khí của ngôi làng giữa sông. Cơn gió nam thổi xào xạc qua làng đã biến nơi đây thành một không gian tràn ngập âm thanh tạch tạch của lũy tre đan nhau, tách ra nghiêng ngả trước gió. Làng Ân Phú chỉ cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi chừng vài km, nhưng bước vào ngôi làng này, sự xô bồ của thị thành đã nhường cho cảm giác an bình và tinh khiết.

Tre làm vành đai bảo vệ nhà ở ốc đảo An Phú.
Tre làm vành đai bảo vệ nhà ở ốc đảo An Phú.

Tre là loại cây không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân ốc đảo. Các cụ già thường đố vui có ai đếm được tre ở Ân Phú. Mỗi gia đình trồng ít nhất 300 cây tre, nhiều gia đình trồng hơn 1.000 đến 2.000 cây. Tre trồng thành một lũy dài, nhưng phần lớn tre được trồng thành khóm, thành bụi. Khi tre đủ 3 năm tuổi thì nông dân phải “xăm mình” để tỉa tre già cho măng mọc.

Lũy tre phủ dày khắp xóm đã tạo cho Ân Phú bầu không khí mát lành. Những ngày trời nắng gắt, ánh mặt trời le lói qua những tán lá và rắc hoa nắng trên lối đi. Ân Phú nằm giữa dòng sông, vì vậy mọi gia đình đều ý thức việc trồng lũy tre ken dày để tạo ra bức tường thiên nhiên để bảo vệ ngôi làng trước dòng nước lũ và gió lốc. Trên đầu có tre như chiếc ô che nắng, dưới đất đào xuống vài mét là có dòng nước ngọt trong mát. Bầu không khí mát rượi đó đã làm nhiều hiên nhà, mái ngói, tường rào rêu phong như ngôi làng đã tồn tại giữa dòng sông từ rất lâu rồi.

Bám làng giữa sông, người dân Ân Phú không sống bằng nghề sông nước, mà phát triển kinh tế trồng trọt và chăn nuôi nhờ vào mảnh đất đầy phù sa được dòng sông ban tặng. Bình quân một gia đình sử dụng 50 cây tre/năm để làm giàn mướp, trồng đậu… Những người già trong làng thì giữ gìn bờ tre với ý niệm để cảm nhớ ông tổ làng đã ra cồn cát giữa dòng sông trồng tre, chờ phù sa lắng đọng, tạo thành đất bồi, biến nơi đây thành ngôi làng mang dáng dấp như một giọt nước trên dòng sông Trà.

Vài điều lạ ở Ân Phú

Nếu từ xa nhìn vào làng Ân Phú thì chỉ thấy một rặng tre dài khoảng 2km nằm giữa dòng sông. Nhưng vào giữa lũy tre thì mới thấy cuộc sống của những cư dân ốc đảo bên trong những ngôi nhà cổ và nhà được xây dựng theo kiến trúc cách đây hơn 40 năm. Đó là nhà ngang 3 gian, mái lợp ngói, trước nhà có trụ đôi và lan can nhỏ, tường nhà quét vôi màu vàng, cửa sổ và cửa chính đóng đóng theo kiểu cửa lịch, trước mỗi ngôi nhà đều gắn năm xây dựng.

Trong ngôi nhà ngang có gắn số năm xây dựng là 1967, anh Phan Đình Tuấn cho biết, cha của anh là ông Phạm Công xây dựng, tới đời con xem như nhà thờ và không bao giờ nghĩ đến việc dỡ bỏ để cất nhà mới. Gần nhà anh Tuấn là 2 ngôi nhà 1966 của anh Nguyễn Văn Thanh, Nguyễn Phẩy; ở giữa xóm có các ngôi nhà xây dựng trên 100 năm của ông Bùi Nguyên Lượng, Bùi Hoàng. Những ngôi nhà này được lợp ngói vẩy, kiến trúc được xây dựng cầu kỳ hơn những ngôi nhà gắn số từ 1960 đến 1975.

Lão nông Nguyễn Thùy Phương, 72 tuổi nhưng vẫn vót tre ra đồng.
Lão nông Nguyễn Thùy Phương, 72 tuổi nhưng vẫn vót tre ra đồng.

Sự trong lành của Ân Phú còn phải kể đến nguồn nước. Anh Nguyễn Ngọc Chưa cho biết, đào xuống 1m là lớp đất phù sa, dưới 1m là tới lớp cát của sông Trà. Nếu đào giếng thì chỉ cần sâu xuống khoảng 3 - 4m là có nước ngọt dùng quanh năm, nước sạch, không bị nhiễm phèn và rất ít cặn lắng vì đã qua bộ lọc của cát tinh khiết giữa dòng sông.

Người dân ốc đảo sống cuộc đời thanh thản và không lo lắng về vấn đề an ninh. Vì trong làng không xảy ra các vụ trộm cắp. Gần đây, vài đối tượng trộm chó rập rình ra ốc đảo, cả làng đã nhóm họp và chuẩn bị thùng, nồi, mõ, phân công dân quân chốt chặn con đường duy nhất để vào làng. Những tên trộm này nếu tiếp tục bén mảng vào Ân Phú thì chắc chắn sẽ bị lùa chạy vòng quanh lũy tre, trước khi chấp nhận quy hàng.

Ở ốc đảo Ân Phú chỉ có một con đường độc đạo duy nhất để ra vào. Hàng năm, người dân thường tụ tập cả làng tại đình vào 2 ngày 16 tháng 3 để làm Lễ cúng Thanh Minh và ngày 16 tháng 8 âm lịch để cúng làng. Chính vì điều này đã dẫn đến bà con có mối quan hệ cộng đồng rất cao. Dù dân số là 1.350 người, nhưng đến đầu làng hỏi người cuối làng thì đều biết nhau, kể cả lai lịch.

Từ ốc đảo nhìn về hướng tây là trung tâm thành phố, nhưng nơi đây vẫn bình lặng cuộc sống của một nông trang. Giữa buổi trưa, ốc đảo mát rượi. Ở đầu làng phát ra âm thanh sột soạt của bầy bò rời chuồng, tiếng gà gáy, tiếng cuốc kêu, mùi lá ngô phơi khô lẫn trong mùi rơm rạ. Do thiên nhiên ưu đãi nên gia đình nào cũng nuôi bò, vì nguồn thức ăn là đồng cỏ bạt ngàn.

Đất sinh, người thọ

Ông Bùi Tỏi, trưởng ốc đảo Ân Phú cho biết, dân số của làng là 281 hộ, 1.350 nhân khẩu, trong đó có 40 hộ vào các tỉnh phía nam như Sài Gòn, Đồng Nai, Vũng Tàu để làm ăn. Hiện nay diện tích đất canh tác hoa màu của bà con là hơn 70ha. Tuy nhiên, trên thực tế thì diện tích đất này có thể còn lớn hơn, do dân ốc đảo có nghệ thuật biến sông thành vườn, khi mùa nước lớn thì lại trả vườn về cho dòng sông.

Thời bao cấp, mỗi gia đình nông dân Ân Phú chỉ được cấp vài trăm mét vuông đất canh tác. Sau này, những cụ già trong làng vận động nhân dân trồng bói thành nhiều lớp hàng rào để trị thủy, giữ đất, bảo vệ làng. Bói là một loại cây thân trúc, cao trên đầu người, tốc độ sinh sôi rất nhanh. Cứ sau mỗi mùa nước, phù sa lại được những vành đai cây bói giữ lại, mở rộng diện tích ốc đảo. Hiện nay có gia đình tạo được mảnh vườn rộng 2 - 3ha trên mặt sông. Mỗi khi nước rút, những mảnh vườn này đọng lại một lớp phù sa màu mỡ ngập đến ngang đầu gối, khi trồng trọt không cần sử dụng phân bón và thuốc kích thích sinh trưởng. Mỗi năm các hộ gia đình có nguồn thu từ rau xanh, củ, ớt… từ 60 đến 100 triệu đồng.

Sống ở ốc đảo, mùa đông lo chuyện nước ngập và phải đi đò khoảng 2 tháng. Bên cạnh cái khó như vậy thì người dân nơi đây có được môi trường trong lành do thiên nhiên ban tặng. Hiện nay tuổi thọ của cư dân ốc đảo đã tăng lên, nhiều người đã xấp xỉ 90. Ông Tỏi và nhiều người thống kê các cụ cao niên thượng thọ ở Ân Phú, trong đó phần lớn là 90 tuổi và mỗi ngày một nhiều, đó là bà Huỳnh Thị Vĩnh, 90 tuổi, bà Cao Thị Tui, 95 tuổi, Nguyễn Chấm, 98 tuổi, ông Kiều Thiên mất năm 100 tuổi...

Cụ bà Nguyễn Ngọc, 90 tuổi, trước ngôi nhà mang số năm xây dựng.
Cụ bà Nguyễn Ngọc, 90 tuổi, trước ngôi nhà mang số năm xây dựng.

Cụ bà Nguyễn Ngọc, 90 tuổi, trí nhớ vẫn khá minh mẫn, hiện sống trong ngôi nhà mang số năm 1967. Thỉnh thoảng bà than thở khiến con cháu bật cười: “Cầu cho chết mà cứ sống hoài”. Trên lối đi vào đầu làng, ông Nguyễn Thùy Phương, năm nay 72 tuổi nhưng hàng ngày vẫn chẻ tre để canh tác.

Câu chuyện của ông vẫn là về cây tre: “Nhiều người ở đây sống trăm tuổi là do ăn uống đồ sạch, tháng 4 tháng 8, măng mọc lệch ra đường thì cắt nấu ăn, thứ này sạch nhất, ở đây không khí mát mẻ, không nhiễm hóa chất gì nên sống tới 90 - 100”.

Lê Văn Chương