Chuyện lạ: “Hai lúa” chế tạo máy trợ thở cho bệnh nhân

Công Tâm Thứ tư, ngày 17/06/2020 10:04 AM (GMT+7)
Sau nhiều ngày mày mò nghiên cứu, một nông dân đã chế tạo thành công máy trợ thở cho bệnh nhân, đó là ông Trần Trung Hiếu (ở thôn Phú Thủy, xã Mỹ Sơn, Ninh Sơn, Ninh Thuận).
Bình luận 0

Nói về ý tưởng làm máy trợ thở, ông Trần Trung Hiếu cho biết: "Sau khi đưa con của tôi là Trần Trung Thiên Hoàng từ bệnh viện về nhà, hàng ngày gia đình tôi phải thay phiên liên tục bóp bóng trợ thở để duy trì sự sống. Công việc này rất vất vả vì trực cả ngày lẫn đêm nên mất nhiều thời gian. Ngay sau đó tôi phải mày mò nghiên cứu chiếc máy trợ thở".

“Hai lúa” chế tạo máy trợ thở cho bệnh nhân - Ảnh 1.

Máy trợ thở vận hành dễ dàng, ít tốn chi phí.

Để cho ra lò chiếc máy trợ thở không hề dễ dàng, bởi ông không học qua trường lớp chuyên ngành nào và thường xuyên bị thất bại. Không hề nản chí, sau 20 ngày tìm tòi, ông đã làm ra chiếc máy trợ thở đầu tiên. "Thật sự đưa vào vận hành, tôi thấy lo lắng nhưng may mắn máy chạy trợ thở ổn định nên rất mừng. Sau đó, tôi tiếp tục làm thêm 3 máy và đã tặng 1 máy cho một bệnh nhân ở TP.HCM", ông Hiếu nói.

Ông Hiếu cho biết thêm, máy được cấu tạo gồm: Khung sắt, mô tơ, niềng xe đạp, bơm hơi và ống dẫn. Máy trợ thở vận hành dễ dàng, chi phí thấp. Ông luôn sẵn sàng giúp đỡ những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, thiếu máy trợ thở giống như gia đình ông.

“Hai lúa” chế tạo máy trợ thở cho bệnh nhân - Ảnh 2.

Đến nay, ông Trần Trung Hiếu đã nghiên cứu, chế tạo được 4 chiếc máy trợ thở

Chị Nguyễn Thị Thơ (vợ bệnh nhân Hoàng) cho biết: "Trước đây, chồng tôi là lao động chính của gia đình, cuộc sống chủ yếu dựa vào nương rẫy. Cách đây khoảng 5 năm, anh Hoàng có hiệu tượng bị teo chân, gia đình đưa đi khám và được bác sĩ xác định mắc bệnh xơ cột bên teo cơ (ALS). Gia đình tôi phải đưa anh đi các bệnh viện khác nhau ở TP.HCM để điều trị. Tuy nhiên, các bệnh viện này đều trả về vì không có thuốc để điều trị".

Chi Thơ chia sẻ: "Năm 2019, bệnh của chồng tôi diễn biến xấu hơn, khó thở, người yếu ớt. Tôi đưa chồng đến bệnh viện tỉnh cấp cứu. Ngay sau đó, bác sĩ đã mổ thông khí quản, đặt máy thở. Kể từ khi xuất viện, gia đình không có tiền mua máy thở nên dùng bóp bóng trợ thở bằng thủ công. Rất may, bố tôi đã nghiên cứu được máy này, nhờ đó đã thay thế cho sức người. Nhiều tháng nay, chiếc máy đã giúp ích được cho gia đình. Máy này rất tiện lợi, có thể điều chỉnh được tốc độ tăng hoặc giảm theo ý muốn".

Clip: Máy trợ thở do nông dân Hiếu (Ninh Sơn, Ninh Thuận) chế tạo.

Theo bác sĩ Bùi Viết Tuấn - Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Ninh Thuận, hoàn cảnh của bệnh nhân Hoàng rất khó khăn. Sau khi ra viện, công đoàn bệnh viện thường xuyên cử người đến thăm hỏi và giúp đỡ thông ống thở cho bệnh nhân. "Tôi thật sự hết sức bất ngờ khi tận mắt chứng kiến thiết bị trợ thở do ông Hiếu làm, máy đơn giản nhưng có hiệu quả cho bệnh nhân", bác sĩ Tuấn nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem