Chuyên gia hiến kế giúp xuất khẩu nông sản “cán đích” 42 tỷ USD

18/06/2021 09:07 GMT+7
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến mục tiêu xuất khẩu hàng nông sản năm 2021 đạt 42 tỷ USD, tuy nhiên theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đưa ra hồi đầu năm vừa qua đó là ngành này phải đem về 44 tỷ USD. Hướng đi nào cho xuất khẩu nông sản năm 2021?

Những gam màu sáng trong xuất khẩu nông sản

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2020 xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt 41,25 tỷ USD, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện đã có 9 nhóm mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 nhóm mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD, bao gồm: gỗ và sản phẩm gỗ 12,3 tỷ USD, tôm 3,7 tỷ USD, rau quả 3,3 tỷ USD, hạt điều 3,2 tỷ USD và gạo 3,07 tỷ USD.

Chuyên gia hiến kế giúp xuất khẩu nông sản “cán đích” mục tiêu 42 tỷ USD - Ảnh 1.

Xuất khẩu nông sản năm 2020 nhiều gam màu sáng. (Ảnh: LT)

Gam màu sáng trong bức tranh xuất khẩu nông sản năm 2020, đầu tiên phải nói đến kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ với thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam bao gồm Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc.

Gam màu tươi sáng tiếp theo thuộc về ngành hàng lúa gạo. Giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh ở các thị trường Indonesia 2,8 lần, Trung Quốc tăng 91,6%. Nhìn chung giá gạo xuất khẩu bình quân năm 2020 đã tăng 12,9 so với năm 2019.

Ngành cao su cũng để lại nhiều ấn tượng trong năm 2020 khi đạt 1,75 triệu tấn với kim ngạch 2,38 tỷ USD. Các thị trường tiêu thụ lớn của Việt Nam là Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc chiếm thị phần lần lượt là 76,8%, 3,7% và 2,1%.

Tuy nhiên khách quan mà đánh giá cũng còn nhiều sắc màu "trầm" trong xuất khẩu nông sản 2020.

Trong đó giá trị xuất khẩu rau quả trong năm chỉ đạt 3,26 tỷ USD, giảm 13% so với năm 2019. Các nước nhập khẩu rau quả của Việt Nam như Trung Quốc, Lào đều giảm về số lượng nhập khẩu.

Xuất khẩu cà phê năm 2020 chỉ đạt 1,51 triệu tấn với kim ngạch 2,66 tỷ USD, giảm 8,8% về lượng và 7,2% về giá trị.

Xuất khẩu tiêu trong năm 2020 tăng 1,2% về lượng với 288.000 tấn nhưng lại giảm 6,8% về giá trị với kim ngạch xuất khẩu đạt 666 triệu USD.

Tương tự, sản phẩm điều tăng 12,1% về lượng nhưng giảm 3% về giá trị so với 2019.

Cuối cùng là mặt hàng thủy sản cũng chưa tìm thấy được sự tăng trưởng. Giá trị xuất khẩu cả năm 2020 đạt gần 8,4 tỷ USD, giảm 1,8% so với cùng kì 2019. Đáng nói, thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam đều giảm, ngoại trừ Mỹ, Trung Quốc và Nga tăng trưởng dương so với năm 2019.

Giải pháp giúp xuất khẩu nông sản "cán đích" mục tiêu 42 tỷ USD

Bước sang năm 2021, kinh tế thế giới năm nay sẽ được dự báo là diễn biến phức tạp khó lường, thể hiện ở những xung đột thương mại, cạnh tranh thị trường, công nghệ, nhân lực chất lượng cao giữa các quốc gia ngày càng quyết liệt.

Việc các quốc gia ban bố lệnh phong tỏa để làm chậm tốc độ lây lan của Covid-19 phần nào đã tạo ra sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và luân chuyển thương mại giữa các nước. Trong đó, Việt Nam là một nền kinh tế mở và xuất khẩu là một yếu tố quan trọng trong một quá trình phát triển.

Nói như vậy để thấy, năm 2021 không phải là không có những thuận lợi đối với Việt Nam.

Chuyên gia hiến kế giúp xuất khẩu nông sản “cán đích” mục tiêu 42 tỷ USD - Ảnh 3.

Nhu cấu nông sản thế giới dự báo tăng 15% vào năm 2029 (Ảnh: LT).

Tuy nhiên, theo dự báo nhu cầu nông sản thế giới sẽ tiếp tục tăng 15% vào năm 2029 do gia tăng dân số trong giai đoạn này. Đây là điều kiện thuận lợi cho hàng hóa nông sản Việt Nam mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang đàm phán kí kết và triển khai 16 Hiệp định thương mại tự do (FTAs) mở ra cho nông sản Việt Nam cơ hội thâm nhập một số thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu và tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực.

Đây đều là những tiền đề quan trọng để ngành nông nghiệp phấn đấu hoàn thành mục tiêu 42 USD xuất khẩu năm 2021.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 5 năm 2021 ước đạt 5,01 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2021 đạt 22,83 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 7,78 tỷ USD, tăng 13%; Giá trị xuất khẩu chăn nuôi ước đạt 166 triệu USD, tăng 43,9%; Giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 3,24 tỷ USD, tăng 12%; Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 7,06 tỷ USD, tăng 61,8%.

Dù vậy, để đạt được những mục tiêu đề ra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tiếp tục tổ chức đàm phán, mở cửa thị trường, tháo gỡ khó khăn, các rào cản thương mại, tổ chức xúc tiến quảng bá ở các thị trường lớn và tiềm năng, một khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát.

Tổ chức các hoạt động kết nối xuất khẩu, hỗ trợ giao thương tại các tỉnh biên giới trong nước nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa nông lâm thủy sản sang thị trường Trung Quốc.

Tiếp tục đàm phán tháo gỡ khó khăn, giảm bớt các rào cản thương mại, mở cửa thị trường xuất khẩu cho các nông sản Việt Nam như hoa quả, được xuất khẩu chính ngạch trên thị trường được Việt Nam đã kí kết các FTA.

Cũng phải nói thêm rằng, việc một số nước trong đó có Trung Quốc đang tiếp tục thắt chặt công tác kiểm dịch an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, có mã vùng trồng, v.v, là những khó khăn mà các sản phẩm Việt Nam phải vượt qua trong thời gian tới. Vì vậy, các sản phẩm nông sản của Việt Nam cần đa dạng trong xuất khẩu, có chế biến sâu để tăng thêm giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp.

Riêng đối với khu vực RCEP, thách thức lớn nhất là cần tăng tối đa khả năng cạnh tranh cho sản phẩm vì hầu hết các quốc gia trong khối đều có nhiều mặt hàng tương đồng (các nước trong ASEAN).

Đối với thị trường Mỹ, với kim ngạch xuất khẩu lớn, quốc gia này đang gia tăng các hàng rào kĩ thuật đối với các nhóm hàng thủy sản, hồ tiêu, và các sản phẩm gỗ. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động có những giải pháp ứng phó linh hoạt. 

Tất cả những thách thức trên trong xuất khẩu hàng nông sản trong năm nay đòi hỏi toàn ngành, các doanh nghiệp nông nghiệp phải đổi mới toàn diện các lĩnh vực, từ sản xuất dự trữ, chế biến, tiêu thụ, để tạo ra những sản phẩm đồng nhất về chất lượng, mẫu mã đẹp và giá trị gia tăng ngày cao hơn.

Đồng thời, cần có sự ý thức chung tay hợp tác chia sẻ của từng hộ sản xuất hợp tác xã và doanh nghiệp có liên quan tới lĩnh vực xuất khẩu để hoàn thiện chuỗi xuất khẩu khép kín. 

Thực hiện tốt các yêu cầu về lao động môi trường và phát triển bền vững. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp xanh, tuần hoàn.

Dịch Covid 19 chắc chắn sẽ còn những tác động lớn đến giao thương nông sản toàn cầu, chính vì vậy toàn ngành nông nghiệp và các doanh nghiệp cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của dịch để đưa ra các giải pháp phù hợp trong từng thời điểm, đảm bảo cho hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản, được thông suốt và hiệu quả trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Chăm lo đến nhiệm vụ xuất khẩu là đúng và rất quan trọng, song sản xuất nông nghiệp tạo ra quỹ hàng hóa phải đảm bảo hài hòa giữa xuất khẩu và đẩy mạnh tiêu thụ ở thị trường nội địa gần trăm triệu dân đầy tiềm năng. 

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú (Nguyên Phó giám đốc Sở thương mại Hà Nội)
Cùng chuyên mục