Chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ: Tiềm năng lớn, rào cản không ít

Văn Long Thứ năm, ngày 25/04/2024 10:31 AM (GMT+7)
Vừa qua, tại TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội thảo khuyến nông đô thị lần thứ I năm 2024 với chủ đề “Ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ”.
Bình luận 0

Chuyển đổi số trong nông nghiệp diễn ra mạnh mẽ

Tại hội thảo, ông Đỗ Minh Phương - Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NNPTNT) cho biết, hiện nay quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh trên toàn cầu đã và đang đặt ra nhu cầu đẩy mạnh phát triển nông nghiệp tại các vùng đô thị nhằm đảm bảo an ninh lương thực và cung ứng đủ nguồn thực phẩm cho cư dân đô thị.

Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp tại các vùng đô thị luôn đối mặt với nhiều hạn chế như thiếu đất canh tác, ô nhiễm môi trường do khí thải, nước thải sinh hoạt, giao thông... Điều kiện sản xuất ở đô thị cũng khác xa so với sản xuất nông nghiệp truyền thống ở nông thôn. Cùng với những tác động của biến đổi khí hậu đã làm giảm năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế của nông nghiệp đô thị.

Chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ: Tiềm năng lớn, rào cản không ít- Ảnh 1.

Anh Nguyễn Đức Huy (TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) bên vườn cà chua sử dụng công nghệ chăm sóc bằng điện thoại, máy tính do chính anh sáng lập. Ảnh: V.L

"Hội thảo đã được nghe nhiều ý kiến quan trọng của các cơ quan, đơn vị quản lý, triển khai chương trình chuyển đổi số của Bộ NNPTNT. Với các cách tiếp cận và giải pháp đặt ra, chúng ta tin tưởng rằng hoạt động chuyển đổi số trong sản xuất chế biến, tiêu thụ nông sản hữu cơ trong thời gian tới sẽ đạt nhiều kết quả nổi bật".

Ông Lê Minh Lịnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

"Theo báo cáo năm 2022 của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ số ở Việt Nam mới chỉ đạt 3,8%. Con số này cho thấy tiềm năng to lớn của việc chuyển đổi số trong nông nghiệp nói chung, nông nghiệp đô thị nói riêng tại Việt Nam khi ứng dụng các công nghệ mới như IoT, AI, robot tự động hóa. Chính vì vậy, việc ứng dụng chuyển đổi số, AI trở thành yêu cầu cấp bách, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của nông nghiệp đô thị, góp phần đảm bảo cung cấp đủ nguồn lương thực, thực phẩm an toàn cho các khu vực đô thị Việt Nam" - ông Phương nói.

Để phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị công nghệ cao ứng dụng chuyển đổi số và AI, ông Phương cho rằng cần phát triển được mô hình nhà kính thông minh; xây dựng hệ thống tưới tiêu, bón phân tự động và giám sát phát hiện dịch bệnh. Song song với đó, các địa phương cần xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm và hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm hữu cơ cho đô thị.

Ông Phương cũng cho biết, ở Việt Nam, quá trình ứng dụng chuyển đổi số và AI vào lĩnh vực nông nghiệp nói chung, nông nghiệp đô thị nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế và chưa phổ biến. Mặc dù đã có một số mô hình ứng dụng công nghệ cao được thí điểm triển khai tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội (trồng rau thủy canh trong nhà kính, nhà màng thông minh ứng dụng hệ thống cảm biến và điều khiển tự động…), song quy mô vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Văn Tuận (Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng) cho biết, tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 26 doanh nghiệp tiếp cận ứng dụng công nghệ IoT, công nghệ GIS thông minh quản lý và dự báo sâu bệnh, truy xuất nguồn gốc điện tử, công nghệ đèn LED; 13 doanh nghiệp được công nhận là "doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao"; 90 HTX, trang trại ứng dụng công nghệ IoT, canh tác hữu cơ; 182 chuỗi liên kết với sự tham gia của 201 doanh nghiệp, HTX và gần 17.000 hộ nông dân... 

Đặc biệt, đã có nhiều trang trại cho doanh thu từ 5 - 8 tỷ đồng/ha/năm; trồng hoa cao cấp cho doanh thu 24 tỷ đồng/ha/năm.

Một trong những điển hình ứng dụng chuyển đổi số thành công tại Lâm Đồng phải kể đến trang trại bò sữa Organic Đà Lạt, xã Tu Tra (huyện Đơn Dương). Tại đây, thức ăn cho bò ở mỗi lứa tuổi có công thức riêng, được quản lý bởi hệ thống quản lý khẩu phần hiện đại, nhằm theo dõi, đo lường và đảm bảo chất lượng thức ăn trong từng giai đoạn, cho từng con bò. 

Trang trại có hệ thống chuồng với công suất 250 con bò vắt sữa/chuồng, được thiết kế và nhập khẩu từ Thụy Điển. Công nghệ quạt hút và phun sương cảm biến theo nhiệt độ của chuồng nuôi, công nghệ máy cào phân và chổi massage vận hành tự động 24/7 tạo không gian sạch sẽ, thoáng mát và thoải mái nhất cho từng con bò.

Trang trại cũng áp dụng hệ thống quản lý sức khỏe và phát hiện động dục chính xác thông qua cảm biến gia tốc nằm trong chip MEMS được đeo trên cổ từng con bò... Nhờ đó, năng suất sữa tại trang trại đạt trung bình 25 lít/con/ngày; tăng chất lượng sữa và tỷ lệ phối giống; dễ dàng kiểm soát sức khỏe từng con bò.

Nhiều dư địa để phát triển

Mặc dù đã có những thành tựu nhất định, tuy nhiên ông Trần Văn Tuận cho biết, các doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số tại Lâm Đồng còn ít. Nhân lực có chuyên môn cao trong nông nghiệp số còn hạn chế, vì vậy khó tiếp cận và làm chủ công nghệ tiên tiến. Nhất là người nông dân còn e ngại thực hiện chuyển đổi số.

Ngoài ra, tỷ lệ già hóa lao động ngành nông nghiệp diễn ra nhanh, gây khó khăn, cản trở việc chuyển đổi số. Cả nông dân và doanh nghiệp đều thiếu hiểu biết về kinh doanh thương mại điện tử. Với một bộ phận nông dân, khái niệm về chuyển đổi số trong nông nghiệp còn vô cùng mới mẻ.

Theo ông Nguyễn Minh Phương, nhằm phát triển bền vững nông nghiệp tại các vùng đô thị ở Việt Nam, trong thời gian tới Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp sẽ thực hiện theo lộ trình, với 2 giai đoạn. 

Trong đó, giai đoạn 2023-2025 tập trung ban hành các đề án, chương trình nghiên cứu và triển khai thực nghiệm các giải pháp ứng dụng chuyển đổi số, AI trong nông nghiệp đô thị. Từ đó, hình thành các mô hình điểm về sản xuất rau, hoa, trái cây công nghệ cao trong nhà kính, nhà màng thông minh tại các thành phố lớn. Đồng thời, triển khai thí điểm giải pháp hệ thống tưới tiêu, bón phân tự động, hệ thống giám sát, phòng trừ dịch bệnh dựa trên IoT, AI.

Giai đoạn 2026-2030, người dân, doanh nghiệp sẽ nhân rộng, phát triển quy mô các mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị công nghệ cao ứng dụng chuyển đổi số, AI triển khai trong giai đoạn trước trên phạm vi cả nước; xây dựng hệ thống chuỗi cung ứng rau quả, thực phẩm hữu cơ tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... với mô hình "từ trang trại đến bàn ăn".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem