Chuyển đổi số ở Điện Biên qua việc học sinh nghèo vùng dân tộc thiểu số dùng máy tính bảng

Vinh Duy Thứ tư, ngày 14/06/2023 15:46 PM (GMT+7)
Chương trình “Sóng và máy tính cho em” giúp học sinh học tập tốt hơn, thúc đẩy chuyển đổi số hoạt động giáo dục khu vực nông thôn qua việc giúp học sinh sử dụng máy tính bảng...Ngành Giáo dục – Đào tạo Điện Biên đang thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi số...
Bình luận 0

Tiếp sức cho học sinh vùng cao Điện Biên

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên cho biết: Việc thực hiện chương trình "Sóng và máy tính cho em" có ý nghĩa quan trọng đối với thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục. 

Thông qua đó, học sinh có thể sử dụng máy tính để tra cứu bài giảng điện tử, thông tin trên mạng phục vụ cho việc học tập hay học trực tuyến. Ôn luyện, tham gia các cuộc thi, tăng cường giao lưu tương tác trên mạng internet. Phát triển kỹ năng sử dụng máy tính, kỹ năng khai thác thông tin…

Để phát huy hiệu quả chương trình, theo ông Nguyễn Văn Đoạt thì sau khi bàn giao máy tính bảng cho học sinh, sở Giáo dục và Đào tạo sẽ hướng dẫn các trường giao cho giáo viên tin học và giáo viên các bộ môn khác có kỹ năng sử dụng hoặc có kiến thức về máy tính. 

Tổ chức tập huấn, hướng dẫn học sinh cách sử dụng, bảo quản máy tính được cấp phát. Phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh, người đỡ đầu trong việc quản lý học sinh. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc nhắc nhở các em sử dụng máy tính bảng đúng mục đích.

Điện Biên: Chuyển đổi số, mang máy tính đến cho học sinh nghèo vùng cao - Ảnh 1.

Học sinh Trường PTDTBT THCS Mùn Chung (huyện Tuần Giáo, Điện Biên) sử dụng máy tính bảng tìm hiểu thông tin học. tập.

Khuyến khích học sinh khai thác và trao đổi thông tin cần thiết phục vụ học tập, nghiên cứu khoa học; tham gia các cuộc thi qua mạng. Hướng dẫn sử dụng, quy trình bảo trì, sửa chữa, nâng cấp máy tính để sử dụng lâu dài, hiệu quả; tuân thủ các quy định về cập nhật và khai thác thông tin trên mạng, luật an ninh mạng theo quy định của pháp luật…

Cách đây hơn 1 tháng, Trường PTDTBT Tiểu học Sa Lông (huyện Mường Chà) được Chương trình "Sóng và máy tính cho em" hỗ trợ hơn 80 chiếc máy tính bảng cho học sinh nghèo. Đây là món quà vô giá với học sinh vùng khó địa bàn xã Sa Lông. 

Bởi cuộc sống của bà con nơi đây khó khăn, bố mẹ các em phải lo ăn từng bữa nên mơ ước có chiếc máy tính bảng, phục vụ học tập là điều quá xa vời. Thế nhưng, chương trình "Sóng và máy tính cho em" đã biến ước mơ của học sinh vùng cao Sa Lông trở thành hiện thực. Không chỉ phục vụ học tập, những chiếc máy tính bảng còn góp phần không nhỏ triển khai thực hiện chuyển đổi số trong nhà trường.

Thạc sĩ Lê Xuân Vỹ, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Sa Lông (huyện Mường Chà) chia sẻ: "Các em học sinh trong nhà trường hầu hết là con hộ nghèo và cận nghèo nên điều kiện kinh tế gia đình rất vất vả. Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các em không có thiết bị học tập trực tuyến, thật may mắn khi các em nhận được sự hỗ trợ của chương trình "Sóng và máy tính cho em". 

Vừa qua, nhà trường tiếp tục được hỗ trợ hơn 80 chiếc máy tính bảng nữa. Dù giờ đây không phải học online, song thầy và trò nhà trường sẽ sử dụng hiệu quả máy tính được hỗ trợ, phục vụ quá trình chuyển đổi số của trường nói riêng và toàn ngành Giáo dục nói chung".

Cùng được hỗ trợ máy tính bảng như Trường PTDTBT Tiểu học Sa Lông, đợt hỗ trợ vừa qua, Trường PTDTBT Tiểu học Ma Thì Hồ (huyện Mường Chà) được nhận 90 chiếc máy tính bảng. 

Thầy giáo Nguyễn Trọng Oánh, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT Ma Thì Hồ, cho biết: Trường hiện có 1 điểm trường trung tâm và 5 điểm bản với tổng số 27 lớp, 701 học sinh. Các em học sinh đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn, không có điều kiện mua sắm các thiết bị công nghệ phục vụ học tập. Vậy nên, chương trình "Sóng và máy tính cho em" thực sự rất ý nghĩa, không chỉ giúp học sinh có điều kiện học tập tốt hơn, mà còn hỗ trợ nhà trường từng bước thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi số trong dạy và học.

Hàng nghìn máy tính bảng đến tay học sinh vùng cao Điện Biên

Thời gian qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ được nhận tổng số gần 2.300 máy tính bảng từ chương trình "Sóng và máy tính cho em". Từ nguồn hỗ trợ đó, đợt 1, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ đã bàn giao 210 máy tính bảng cho 13 trường tiểu học và 12 trường THCS; đợt 2 cho 14 trường THCS và 11 trường tiểu học trên địa bàn.

Điện Biên: Chuyển đổi số, mang máy tính đến cho học sinh nghèo vùng cao - Ảnh 2.

Cán bộ, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Sa Lông (huyện Mường Chà, Điện Biên) tiến hành kiểm tra máy tính bảng trước khi bàn giao cho học sinh.

Bà Hoàng Thị Bích, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ, cho biết: Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, những chiếc máy tính bảng có ý nghĩa hết sức quan trọng; kịp thời giúp thầy và trò huyện Nậm Pồ vượt qua giai đoạn khó khăn, hoàn thành chương trình kế hoạch năm học. 

Khi dịch bệnh được kiểm soát, học sinh không còn học online,  nhưng mỗi chiếc máy tính phục vụ đắc lực cho việc dạy và học thời công nghệ số. Thông qua chiếc máy tính bảng, học sinh ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới như huyện Nậm Pồ có thể kết nối internet, tìm kiếm thông tin, kiến thức. Đội ngũ giáo viên cũng dễ dàng triển khai bài giảng và sử dụng đa dạng hình thức dạy học.

Điện Biên là địa phương còn nhiều khó khăn nên học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới chưa có nhiều điều kiện tiếp cận với công nghệ thông tin. Chương trình "Sóng và máy tính cho em" được triển khai rất thiết thực và ý nghĩa hỗ trợ học sinh nghèo có điều kiện học tập tốt hơn. 

Đến nay, tỉnh Điện Biên đã nhận tiền mặt và hiện vật (máy tính bảng, sim 4G), với tổng trị giá gần 45 tỷ đồng ủng hộ từ chương trình "Sóng và máy tính cho em". Tiếp nhận và sử dụng nguồn lực tài trợ, UBND tỉnh đã ủy quyền cho Sở Giáo dục và Đào tạo huy động mua sắm 12.497 chiếc máy tính bảng cho 12.497 học sinh nghèo.

Thực hiện chương trình "Sóng và máy tính cho em" đã góp phần quan trọng giúp ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên có thêm động lực, phấn đấu hoàn thành mục tiêu 100% trường học, giáo viên, học sinh, sinh viên được trang bị đầy đủ về hạ tầng, nền tảng, máy tính và các phương tiện khác phục vụ cho việc dạy và học trực tuyến, qua đó thúc đẩy phát triển xã hội số.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem