Chuyện chưa kể về anh em thuyền trưởng 4.0

Đình Thiên Thứ năm, ngày 02/01/2020 06:10 AM (GMT+7)
Sinh năm 1988, mới hơn 30 tuổi nhưng Lê Văn Kháng đã chỉ huy đội tàu vừa đánh bắt và dịch vụ hậu cần nghề cá công suất lớn với 6 con tàu. Tất cả đến với Kháng từ những ngày hè được theo bước chân cha rong ruổi với biển khơi...
Bình luận 0

Thành thuyền trưởng năm 16 tuổi

Ở Cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng), có lẽ không có ai không biết gia đình của Lê Văn Kháng (SN 1988, trú phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng), với đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá hùng hậu thường xuyên thu mua hải sản ngay trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa cho ngư dân miền Trung.

Gặp Kháng, mọi người sẽ bất ngờ với vẻ thư sinh trắng trẻo rất lạ so với những ngư dân truyền thống có dáng hình đen chắc thường có.

img

Một trong những con thuyền của ngư dân Lê Văn Kháng. Ảnh: Đình Thiên

Đang hì hục cầm sổ sách để ghi lại những con số sau chuyến thu mua ở vùng biển Hoàng Sa, Kháng vui vẻ chào tôi như người nhà: “Anh đợi em chút xíu, em làm xong nốt lô hàng này rồi anh em mình nói chuyện nhé”.

Ngồi trên boong tàu nhìn Kháng tay thì thoăn thoắt ghi chép, tay kia chỉ cho thuyền viên xếp đặt khoa học hàng hóa.

Tôi thêm bất ngờ về thanh niên chỉ mới hơn 30 tuổi nhưng chín chắn lạ thường. Trò chuyện mới biết, Kháng theo cha đi biển từ năm mới lên 10 và chính thức làm thuyền trưởng năm chỉ mới 16 tuổi.

“Ba em đi biển được hơn 40 năm nay rồi. Ngày nhỏ, mỗi dịp hè nghỉ học em được Ba cho đi theo ra biển. Đi những chuyến gần bờ rồi tới những chuyến xa khơi vào tới vùng biển Trường Sa. Đi miết rồi quen, em cũng không biết em yêu sóng gió biển khơi tự lúc nào”- Kháng chia sẻ.

Tuy nhiên, để trở thành một ngư dân trẻ thành đạt như ngày hôm nay một phần là do biến cố của gia đình Kháng: “Năm em 16 tuổi, lúc đó Ba em bị tai biến, nhà thì cũng không có bao nhiều người nên em chính thức phải ra cầm tàu. Từ đó em chính thức theo nghề biển cho đến nay”.

Viết tiếp ước mơ của ba và anh trai

Nhờ cái duyên với biển cả và có sự hỗ trợ của gia đình chỉ sau 2 năm theo nghề biển vào năm 2006, Kháng đã “ra riêng” với con tàu ĐNa 90424 có công suất 480 CV.

Qua hơn 14 năm vật lộn với nghề, đến nay Kháng đã có trong tay đội tàu gồm 6 chiếc với tổng công suất gần 6.000 CV và giải quyết việc làm cho gần 200 nhân lực.

Để có thành quả như ngày hôm nay, thuận lợi cũng nhiều nhưng khó khăn đến với Kháng không phải ít.

“Chuyện sóng gió biển khơi đối với em hay những người trong gia đình không phải vấn đề gì lớn. Tuy nhiên những khó khăn trên bờ nhiều lần khiến em gục ngã. Trong đó có những biến cố về tài chính của gia đình như 2 lần em đóng mới tàu thì cả 2 lần gia đình em trên bờ vực phá sản. Lần đầu vào năm 2006, khi đó Ba em làm ăn với người Trung Quốc bị lừa gần hết vốn liếng. Lần nữa mới đây vào năm 2016, anh trai em bể trận vì đóng tàu vỏ thép nhưng làm ăn không hiệu quả”- Kháng chia sẻ. 

Nhắc đến anh trai của mình (ngư dân Lê Văn Sang - ngư dân tiêu biểu của Đà Nẵng) trong gần 10 năm lại đây, Kháng không giấu được nỗi buồn vì chính anh trai là người truyền cảm hứng cho Kháng nhưng đang phải tạm xa nghề biển.

img

Ngư dân Lê Văn Kháng ấp ủ trong 5 năm tới sẽ có 10 con tàu dịch vụ hậu cần và 50 cửa hàng bán cá sạch ở Đà Nẵng. Ảnh:  Đình Thiên

“Ngày trước em ham chơi lắm, ít quan tâm đến chuyện “cơm áo gạo tiền” của gia đình vì nghĩ đã có ba và anh Sang. Đi biển chuyến nào về được ít tiền là em ăn chơi cho bằng hết mới thôi. Nhiều lần như vậy nên anh Sang mới bảo: “Thằng đàn ông mà không làm được cái gì cho ra hồn thì vứt”. Em tức lắm. Tuy nhiên thời gian qua anh Sang đang gặp phải khó khăn liên quan đến tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 nên phải tạm xa nghề. Nếu như anh Sang không quay lại với nghề thì em sẽ làm thay các ý tưởng anh ấy ấp ủ”- Kháng khẳng định.

Trả lương ngư dân mỗi tháng “ngàn đô”

Hỏi Kháng có bí quyết gì để đạt được thành công như ngày hôm nay, Kháng nói rằng: “Từ trước đến giờ nghe đến nghề biển mọi người thường liên tưởng đến những người đàn ông da sạm nắng vất vả, ít học thức. Sau này em chắc chắn sẽ thay đổi quan niệm đó để khi mọi người nghe đến 2 từ ngư dân phải nghĩ ngay đến những người đàn ông lương tháng cả nghìn đô, có chuyên môn thật cao mà được đào đạo, làm việc trong một môi trường bài bản”. Nói là làm, hiện nay Kháng đã thành lập Công ty Rồng Biển Đông và có chương trình hợp đồng với Viện Hàng hải Nha Trang để đào tạo kiến thức cho hàng chục thuyền viên làm việc cho mình. 

Công ty Rồng Biển Đông được Kháng thành lập với kế hoạch phát triển 50 cửa hàng bán cá sạch trên địa bàn Đà Nẵng. Quy trình của công ty sẽ đánh bắt thu mua, bảo quản cá sạch đưa từ biển và giao tận tay cho người dân sử dụng.

Từ trước đến giờ nghe đến nghề biển mọi người thường liên tưởng đến những người đàn ông da sạm nắng vất vả, ít học thức. Sau này em chắc chắn sẽ thay đổi quan niệm đó để khi mọi người nghe đến 2 từ ngư dân phải nghĩ ngay đến những người đàn ông lương tháng cả ngàn đô, có chuyên môn thật cao mà được đào đạo, làm việc trong một môi trường bài bản”.

Ngư dân Lê Văn Kháng

 “Với đội tàu dịch vụ hậu cần gồm 6 chiếc và thường xuyên thu mua cho hơn 100 bạn hàng (tàu đánh bắt) hoạt động từ đảo Hải Nam vào đến tận Trường Sa. Mỗi chuyến đi biển đội tàu của gia đình có thể thu mua gần 200 tấn hải sản, trong đó chủ yếu là các loại cá. Trong khi hiện nay, người dân chưa hẳn được ăn cá sạch vì quy trình bảo quản quá lâu thì sao mình không nghĩ cách “thu tận gốc, bán tận tay” với quy trình bảo quản khoa học”-Kháng tâm sự. 

Không dừng lại ở đó, Kháng ấp ủ trong 5 năm tới sẽ đóng thêm 2 con tàu và 10 năm sau sẽ có 10 con tàu dịch vụ hậu cần.

 “Biển Đông là vựa cá, tàu thuyền của ngư dân nước ta tham gia đánh bắt rất nhiều nhưng thành phẩm đưa về bờ thường chỉ đạt được 60% vì cách bảo quản chưa đảm bảo, thời gian đánh bắt quá lâu. Vì vậy, em mong muốn thu mua được nhiều hải sản cho ngư dân với giá cao ngay trên biển để đưa về bờ. Sau này, ngoài việc đóng thêm tàu thu mua, em sẽ mở nhà máy sơ chế hải sản nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị của hải sản”- Kháng nói.

Nói về gia đình của Kháng và cá nhân ngư dân này, ông Nguyễn Kim Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân TP.Đà Nẵng tỏ ra rất tâm đắc: “Gia đình của ngư dân Lê Văn Kháng là gia đình ngư dân tiêu biểu của Đà Nẵng với 3 đời theo nghề biển. Từ cụ ông Lê Diệp cho đến cha là anh Lê Mến rồi đến con là anh Lê Văn Sang và sau nữa là Lê Văn Kháng. Ngư dân Kháng tuổi còn rất trẻ nhưng yêu nghề và có thực lực. Hiện nay mô hình dịch vụ hậu cần nghề cá khép kín ở Đà Nẵng chỉ có Kháng làm được với việc mua tận gốc trên biển và giao hàng tận tay giá rẻ cho người dân với sản phẩm tươi sạch”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem