Chủ tịch VCCI đề xuất thành lập Trung tâm nghiên cứu kinh tế quốc tế thích ứng biến đổi khí hậu tại ĐBSCL

Huỳnh Xây Thứ hai, ngày 21/12/2020 13:51 PM (GMT+7)
Đó là đề xuất của ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Diễn đàn Mekong Connect 2020 với chủ đề “Đưa sản phẩm dịch vụ ĐBSCL vào chuỗi giá trị toàn cầu”.
Bình luận 0

Sáng nay (21/12), tại Đồng Tháp, Diễn đàn Mekong Connect 2020 với chủ đề "Đưa sản phẩm dịch vụ ĐBSCL vào chuỗi giá trị toàn cầu" đã được khai mạc.

Diễn đàn do Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp với tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre và TP. Cần Thơ tổ chức.

Chủ tịch VCCI: Đề xuất thành lập Trung tâm nghiên cứu kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu đặt tại ĐBSCL - Ảnh 1.

Chủ tịch VCCI đề xuất thành lập Trung tâm nghiên cứu kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu đặt tại ĐBSCL

Phát biểu tại diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, thời gian qua, vùng ĐBSCL chưa mang lại sự thịnh vượng cho tất cả người dân, bằng chứng là tốc độ phát triển kinh tế vùng trong những năm gần đây bắt đầu chậm lại đáng kể, mức sống người dân thấp hơn mức trung bình cả nước.

"Có thể nói ĐBSCL đang trở nên tụt hậu ở hầu hết các khía cạnh kinh tế, xã hội trong tương quan so với các vùng miền khác. Cũng từ đó, người dân ĐBSCL di cư cao do thiếu cơ hội việc làm" - ông Lộc nói.

Chủ tịch VCCI: Đề xuất thành lập Trung tâm nghiên cứu kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu đặt tại ĐBSCL - Ảnh 2.

Một trong những nguyên nhân khiến cho người dân rời khỏi ĐBSCL là khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, tình trạng dịch bệnh, hạn hán kéo dài, xâm lấn mặn ngày càng nghiêm trọng

Theo ông Lộc, một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do ĐBSCL trải qua thách thức lớn của biến đổi khí hậu, đặc biệt hạn mặn, tập quán canh tác lạc hậu.

Chủ tịch VCCI cho biết, nước ta là một trong các nước chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu và ĐBSCL là 1 trong 3 vùng châu thổ chịu tác động lớn nhất thế giới. 

Do đó, thời gian tới, VCCI muốn các địa phương ĐBSCL phối hợp đề xuất thành lập trung tâm nghiên cứu kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu đặt tại ĐBSCL.

"Trung tâm nghiên cứu kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ có sự phối hợp của một số tổ chức quốc tế và sự chung tay của các địa phương ĐBSCL. Một trong những nhiệm vụ của trung tâm sẽ là giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa" - ông Lộc nói.

Ngoài ra, Chủ tịch VCCI cũng đề xuất thành lập chương trình mục tiêu quốc gia phát triển miền Tây.

Theo báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020, tình trạng người dân ĐBSCL di cư về TP.HCM và Đông Nam Bộ đáng báo động. Nếu so với các vùng khác trong cả nước, ĐBSCL có tỷ lệ xuất cư cao nhất, nhập cư thấp nhất và do đó đây vùng duy nhất có tỷ lệ tăng dân số là 0% trong giai đoạn 2009 – 2019.

"Số lượng dân rời khỏi ĐBSCL trong thập niên vừa qua là gần 1,1 triệu người, lớn hơn dân số của một số tỉnh trong vùng và tương đương với số tăng dân số tự nhiên của cả vùng. Do đó, so với trước đó 10 năm, dân số vùng ĐBSCL gần như không đổi" - báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020 nêu.

Theo đó, làn sóng hồi hương của người dân đang lao động ở TP.HCM, Đông Nam Bộ hay người đi xuất khẩu lao động có thể trở thành gánh nặng của vùng trong thời gian tới.

Ở khía cạnh khác, báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020 chỉ ra vấn đề nữa đáng quan tâm đó là vai trò kinh tế của vùng đang giảm dần so với các vùng khác trong cả nước.

Các nghiên cứu cho thấy đóng góp của ĐBSCL vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong vài thập kỷ qua giảm mạnh. Nếu so với TP.HCM thì vào năm 1990, GDP của TP.HCM chỉ bằng 2/3 so với ĐBSCL thì hai thập niên sau, tỷ lệ này đã hoàn toàn đảo ngược và duy trì cho đến ngày hôm nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem