dd/mm/yyyy

Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì nói gì về đề xuất hợp thức hoá sai phạm cho nhiều nhà dân xây dựng trên đất công?

Ông Nguyễn Tiến Cường- Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì khẳng định, 2 kết luận thanh tra vẫn còn hiệu lực, nhưng do các hộ dân ăn ở ổn định từ lâu, huyện đã đề xuất lên Bí thư Thành uỷ Hà Nội đề nghị xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân.

Như Báo điện tử Dân Việt/TrangTraiVietOnline đã thông tin, liên quan đến 3 hộ gia đình ông Nhân Văn Dẫn, Nhân Văn Thưởng và bà Đình Thị Kim xây dựng nhà trên đất công giao trái thẩm quyền ở xã Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội), UBND TP Hà Nội đã có văn bản số 5540/UBND-ĐT và  đến ngày 12/3/2020, Văn phòng UBND TP Hà Nội tiếp tục có văn bản số 2167/VP-ĐTT yêu cầu UBND huyện Thanh Trì, Sở Xây dựng và Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội kiểm tra, xử lý việc quản lý, sử dụng đất công trên địa bàn huyện Thanh Trì theo phản ánh của Báo điện tử Dân Việt/Trang Trại Việt Online.

Nhiều nhà dân xây dựng trên đất công: Sở TNMT Hà Nội đề nghị làm rõ trách nhiệm của UBND huyện Thanh Trì

Báo cáo của Đoàn kiểm tra Sở TNMT Hà Nội chỉ rõ sau khi bàn giao đất phục vụ dự án cầu vượt Ngọc Hồi, phần diện tích còn lại mà ba hộ dân Nhân Văn Thưởng, Nhân Văn Dẫn, và bà Đình Thị Kim xây dựng nhà có nguồn gốc là đất nông nghiệp, do UBND xã Ngọc Hồi giao trái thẩm quyền trước đó.

Chủ tịch huyện Thanh Trì nói gì về đề xuất hợp thức hoá sai phạm cho nhiều nhà dân xây dựng trên đất công - Ảnh 1.

3 ngôi nhà được xây dựng kiên cố trên đất công giao trái thẩm quyền được ông Nguyễn Tiến Cường- Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì đề xuất hợp thức hoá sai phạm bằng cách cấp GCNQSDĐ.

Quá trình 3 hộ gia đình xây nhà trên đất công giao trái thẩm quyền, UBND huyện Thanh Trì và UBND xã Ngọc Hồi đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc xử lý vi phạm, nhưng những văn bản này cũng chỉ nằm trên bàn giấy, không được thực thi.

Trước đó, UBND huyện Thanh Trì cũng ra 2 kết luận thanh tra vào năm 1997 và năm 2002 chỉ rõ 27 hộ dân trong đó có 3 hộ dân là gia đình ông Thưởng, ông Dẫn và bà Kim được UBND xã Ngọc Hồi cho thuê đất trái thẩm quyền, và yêu cầu thu hồi lại đất đưa về quỹ đất công do xã quản lý nhưng 2 kết luận này cũng bị không được huyện Thanh Trì và xã Ngọc Hồi thực hiện.

Sở TNMT Hà Nội cũng chỉ rõ trách nhiệm để xảy ra sai phạm nói trên thuộc về UBND xã Ngọc Hồi và UBND huyện Thanh Trì thời kỳ từ năm 2017 đến nay. Đồng thời, đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan.

Khi những sai phạm đã được Sở TNMT Hà Nội chỉ rõ, mới đây ông Nguyễn Tiến Cường- Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì lại ký văn bản số 111/BC-UBND ngày 19/3/2020 gửi Bí thư Thành ủy Hà Nội và UBND TP Hà Nội báo cáo với nội dung xin được hợp thức hoá cho những sai phạm nói trên bằng cách cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân.

Nhiều nhà dân xây dựng trên đất công: Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì đề xuất hợp thức hoá sai phạm?

Để làm rõ hơn vấn đề này, PV Báo điện tử Dân Việt/Trangtraiviet Online đã có buổi làm việc trực tiếp với ông Nguyễn Tiến Cường- Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì.

Lý giải cho đề xuất xin hợp thức hoá diện tích đất công giao trái thẩm quyền nói trên, ông Nguyễn Tiến Cường cho biết, do thời gian ban hành 2 kết luận thanh tra đến nay đã mười mấy năm, các cơ quan chức năng thời đó không thực hiện nghiêm kết luận thanh tra, mặt khác các hộ dân đã ăn ở ổn định từ lâu, nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Huyện không thể xử lý những vi phạm này, nên ông phải "cầu cứu", xin ý kiến của Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vvà lãnh đạo UBND TP Hà Nội.  

Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì nói gì về đề xuất hợp thức hoá sai phạm cho nhiều nhà dân xây dựng trên đất công? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Tiến Cường- Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì trao đổi với PV Dân Việt.

"Ngay từ ban đầu nói về góc độ chính quyền từ năm 1997, 2002 mình phải làm cái đó (thực hiện 2 kết luận thanh tra- PV). Không có gì có thể phủ được kết luận thanh tra, chính vì vướng mắc nên UBND huyện Thanh Trì mới báo cáo thành phố... Bây giờ làm sao mà làm được, bao nhiêu đời người ta sinh sống rồi, làm sao ông quay về làm được", ông Cường nói.

Cũng theo ông Cường, nếu làm đúng luật, có thể chuyển đổi được phần diện tích đất công giao trái thẩm quyền nói trên... "Về nguyên tắc đúng luật ông có thể chuyển đổi được, nhưng ông lại xây nhà trước khi ông làm thủ tục chuyển đổi...", ông Cường nói.

Ông Cường khẳng định: "Tôi đã có văn bản báo cáo thành phố rồi, có gì mà giấu. Báo cáo sai thì phải chịu trách nhiệm hoàn toàn, còn đề xuất là hai việc khác nhau nếu trong báo cáo của tôi có 1 câu nào sai, vừa rồi thanh tra Sở TNMT đã phát hiện ra ngay".

Theo ông Cường, trước đó UBND huyện Thanh Trì đã có chỉ đạo yêu cầu xã Ngọc Hồi xử lý những vi phạm nói trên, nhưng xã Ngọc Hồi vẫn "làm ngơ" không xử lý, trách nhiệm của UBND xã Ngọc Hồi sẽ được UBND huyện Thanh Trì xử lý sau. 

"Có khó khăn tôi mới báo cáo, còn nguyên tắc sai, huyện có chỉ đạo để yêu cầu xử lý còn xã để như thế thì chúng tôi sẽ xử lý sau. Tôi không phải trình bày để bao biện với xã. Thành phố đã đưa thanh tra vào rồi, còn bao giờ kết luận chính thức, chúng ta sẽ nói tiếp", ông Cường cho hay.

Trả lời câu hỏi của PV, từ khi công trình manh nha sai phạm, bản thân ông cùng các đơn vị chức năng đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu xử lý 3 hộ dân Nhân Văn Dẫn, Nhân Văn Thưởng và bà Đình Thị Kim, vì sao lại không làm quyết liệt, ông Cường viện lý do: Chúng tôi đã báo cáo trong đoàn, đến khi kết luận thanh tra chính thức của thành phố sẽ kiểm điểm trách nhiệm tại sao chúng tôi sẽ trả lời. Tất cả cái đó có đôn đốc, nhưng đôn đốc chưa thực hiện triệt để...

Cũng cùng một sự việc, trước đây, một số cán bộ giao đất trái thẩm quyền cho người dân ở xã Liên Ninh (huyện Thanh Trì) đã bị tuyên án nhiều năm tù, thế nhưng ở xã Ngọc Hồi cán bộ giao đất trái thẩm quyền lại vô can. Khi được hỏi tại sao chính quyền không làm quyết liệt như ở xã Liên Ninh, ông Cường cho hay: Giờ các bác "nghẻo" hết rồi, làm quyết liệt với ai? 

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Thành Nam