dd/mm/yyyy

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam gợi mở điều này giúp dân nuôi chó Mông Cộc ở Hà Giang làm giàu nhanh

Đầu tháng 3/2021, đến thăm một số hộ nuôi chó Mông Cộc huyện Đồng Văn (Hà Giang), đồng chí Thào Xuân Sùng - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng: "Để nghề chăn nuôi chó Mông Cộc hiệu quả và bền vững hơn, bà con tại các xã của Hà Giang cần phải chăn nuôi có liên kết...
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam gợi mở điều này giúp dân nuôi chó Mông Cộc ở Hà Giang làm giàu nhanh - Ảnh 1.

Giá đình ông Vừ Vản Phuồi - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn (Hà Giang) đang nuôi gần chục con chó Mông Cộc.

Gia đình ông ông Vừ Vản Phuồi - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn (Hà Giang) là một trong số ít hộ còn nuôi và bảo tồn giống chó Mông Cộc (cho cộc đuôi của người Mông ở Đồng Văn).

Hiện, ông Phuồi đang nuôi gần chục con chó Mông Cộc với giá trị lên đến hàng chục triệu đồng/con. "Đối với đồng bào dân tộc Mông, chó Mông Cộc được coi như "thần giữ của" của mỗi gia đình, giúp trông nhà, giữ của cho gia chủ. Với đặc tính thông minh, nhanh nhẹn, có trí nhớ tốt và cực kỳ trung thành với chủ nên chó cộc đuôi được bà con rất quý...", ông Phuồi chia sẻ.

Theo ông Phuồi, ở Phố Cáo đang có khoảng trên dưới 10 hộ nuôi chó Mông Cộc, trung bình mỗi hộ nuôi từ 1 đến 5 con, hộ nuôi nhiều khoảng trên 30 con.

Chó Mông Cộc có giá trị kinh tế rất cao, trung bình một con chó giống có giá trên dưới 10 triệu đồng/con, từ 50 triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng/con trưởng thành.

"Dù việc chăn nuôi chó Mông Cộc khá dễ và thuận lợi nhưng giống chó bản địa của chúng tôi rất quý và giá trị cao hơn chó thường rất nhiều nên rất kén khách chơi", ông Phuồi khẳng định.

Kiến nghị với người đứng đầu Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, ông Phuồi cho rằng: Nghề nuôi và kinh doanh chó Mông Cộc rất tiềm năng nhưng hiện bà con ở Phố Cáo và một số xã lân cận vẫn nuôi manh mún, nhỏ lẻ. Chính vì thế nên việc bảo tồn và làm giàu được từ nghề này rất khó khăn.

Chúng tôi rất mong muốn Hội Nông dân tỉnh và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam quan tâm và hỗ trợ vốn vay từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân để bà con có thêm động lực đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi chó Mông Cộc bài bản và hiệu quả hơn.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam gợi mở điều này giúp dân nuôi chó Mông Cộc ở Hà Giang làm giàu nhanh - Ảnh 2.

Đàn chó Mông Cộc của ông Phuồi có giá lên đến hàng chục triệu đồng/con.

Đồng ý với lời đề nghị của Chủ tịch Hội Nông dân xã Phố Cáo, đồng chí Thào Xuân Sùng khẳng định: Việc triển khai mô hình chăn nuôi chó cộc địa phương là biện pháp kịp thời để bảo tồn gen giống chó quý hiếm từ lâu đời của đồng bào.

Đồng thời qua các mô hình này cũng nâng cao chất lượng giống chó cộc, tạo việc làm cho người nông dân tại chỗ vào lúc nông nhàn; giảm tình trạng đi lao động làm thuê Trung Quốc tự do, tạo việc làm phù hợp với trình độ cho nhiều lao động trong nông thôn và nâng cao đời sống, thu nhập cho kinh tế gia đình.

Tuy vậy, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam lưu ý, địa phương cần chú trọng hơn vào xây dựng mô hình bảo tồn chó cộc bản địa nhằm đảm bảo được giá trị kinh tế sản phẩm của địa phương sẵn có. Từ đó đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, năng suất, chất lượng và hiệu quả.

Để làm được điều đó, người đứng đầu Trung ương Hội Nông dân Việt Nam gợi ý Hội Nông dân xã, huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) cần nhanh chóng thành lập tổ hội, chi hội nông dân nghề nghiệp nhằm liên kết bà con tại các xã để chăn nuôi chó cộc hiệu quả hơn.

"Chúng ta phải sớm thành lập chi hội nông dân nghề nghiệp. Nếu cần thêm vốn, tập huấn kỹ thuật thì Hội Nông dân huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang cứ chủ động xây dựng đề án và trình lên Trung ương Hội Nông dân Việt Nam sẽ thẩm định và kịp thời hỗ trợ hợp lý cho bà con hội viên làm ăn", Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam khẳng định.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam gợi mở điều này giúp dân nuôi chó Mông Cộc ở Hà Giang làm giàu nhanh - Ảnh 3.

Cận cảnh một con chó Mông Cộc của ông Phuồi trị giá hàng chục triệu đồng.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam gợi mở điều này giúp dân nuôi chó Mông Cộc ở Hà Giang làm giàu nhanh - Ảnh 4.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam (trong cùng) lưu ý chính quyền và người dân Phố Cáo, huyện Đồng Văn cần có chiến lược chăn nuôi chó Mông Cộc bài bản hơn. "Trước mắt, các đơn vị chuyên môn cần xây dựng giáo trình kỹ thuật chăn nuôi chó Mông Cộc chuyển về các hộ áp dụng và cung cấp cho khách mua hàng", đồng chí Thào Xuân Sùng nhấn mạnh.

Ông Phuồi cho hay: Giống chó cộc của người Mông được chia thành 3 loại, gồm: cộc tịt, cộc thỏ và cộc lửng. Loại cộc tịt có cái đuôi khi sinh ra đã cụt ngủn, chỉ thừa lại mỗi chỏm lông. Loại cộc thỏ thì có đuôi hệt như đuôi con thỏ. Còn loại cộc lửng có mẩu đuôi chừng 8 - 15 cm. Trong đó, loại cộc tịt và cộc thỏ được giới chơi chó săn lùng nhiều nhất. Đó là về cái đuôi, còn về màu sắc, quý hiếm và khó săn tìm nhất vẫn là loài chó cộc đỏ, hay còn gọi là cộc lửa (lông màu đỏ sậm), sau đó mới đến lượt cộc đen, cộc vện, cộc kem…

"Cao nguyên đá vốn là nơi sản sinh ra giống chó cộc khôn ngoan và trung thành nhưng giống chó này ở Hà Giang ngày một ít đi. Giống chó cộc của người Mông chuẩn có thân hình thon, dài, săn chắc. Ngoài ra, một con cộc chuẩn lưỡi phải đen hoặc đốm, đầu to, mõm ngắn, tai nhỏ, bộ răng phải đủ 42 cái chiếc, miếng cắn tạo thành hình cắt kéo", ông Phuồi tiết lộ.

 

Hải Đăng