dd/mm/yyyy

Cho vay theo dòng tiền, biện pháp gỡ “nút thắt” tín dụng nông nghiệp

Chỉ cần chứng minh có dòng tiền “chảy” qua bất kỳ ngân hàng nào thì các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) sẽ được vay.

Trên cơ sở đó, doanh nghiệp sẽ vay vốn tín chấp dựa trên các khoản phải thu, trong khi đó phía các ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ nắm dòng tiền của DN, HTX thu lại từ bán sản phẩm cho các đơn vị phân phối...

Đó là hướng đi mới trong tháo gỡ “nút thắt” tín dụng nông nghiệp mà nhiều ngân hàng, đặc biệt là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), đang bắt đầu triển khai ở TP.Hồ Chí Minh.

Gỡ “nút thắt” tài sản đảm bảo

Thực tế, câu chuyện cho vay theo dòng tiền không phải là mới nhưng đa số các NHTM khá dè dặt cho vay theo hình thức này, đặc biệt là với các dự án nông nghiệp nhỏ. Tuy nhiên, với Agribank thì chỉ cần DN cung cấp thông tin cụ thể, cởi mở với ngân hàng về phương án kinh doanh, về tiềm năng và chứng minh dòng tiền thu về tốt,... thì ngân hàng sẵn sàng đồng hành. Câu chuyện này đã được chứng minh tại trang trại cá cảnh Châu Tống (quận 12). Nhờ quản lý dòng tiền tốt nên trang trại này đã kết hợp với Agribank chi nhánh Xuyên Á (quận 12) quản lý dòng tiền rất thành công, thuận lợi trong việc thanh toán các hợp đồng sản xuất, xuất khẩu trong và ngoài nước.

Cho vay theo dòng tiền đang được nhiều chi nhánh Ngân hàng Agribank triển khai để gỡ “nút thắt”  tín dụng cho các HTX, doanh nghiệp và nông dân. QH
Cho vay theo dòng tiền đang được nhiều chi nhánh Ngân hàng Agribank triển khai để gỡ “nút thắt” tín dụng cho các HTX, doanh nghiệp và nông dân. QH

Tương tự, mới đây nhất, Agribank Chi nhánh Củ Chi cũng phát triển thanh toán khép kín đối với Nhà máy sữa thanh trùng Củ Chi. Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Củ Chi cho biết, hiện đơn vị đang bắt đầu triển khai quản lý hoàn toàn dòng tiền cho nhà máy, bao gồm cả đầu vào và đầu ra. Cụ thể, phía ngân hàng sẽ thực hiện thu hộ, chi hộ, trích nợ trả lãi vay cho nhà máy. Phía chính quyền địa phương cũng sẽ chuyển phần tiền hỗ trợ lãi suất (theo chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị) cho dự án này thông qua Agribank.

“Khi làm tốt việc quản lý dòng tiền sẽ tạo lợi ích cho cả phía nhà máy và người dân, đồng thời phía ngân hàng cũng có cơ sở để gia tăng hạn mức cấp vốn cho dự án khi mở rộng quy mô vào các năm tới” - ông Vinh nói.

Đây cũng là xu hướng chung của các chi nhánh Agribank khác trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh nếu chứng minh tốt dòng tiền. Theo đó, nếu các DN kết hợp với các đầu mối tiêu thụ lớn như Big C, Saigon Co.op... thì phía ngân hàng sẵn sàng thực hiện hình thức bao thanh toán. Cụ thể, DN sẽ vay vốn tín chấp dựa trên các khoản phải thu, trong khi đó Agribank sẽ nắm dòng tiền của DN thu lại từ bán sản phẩm cho các đơn vị phân phối.

Chia sẻ về tính tiện lợi của biện pháp này, ông Nguyễn Văn Thêm, Giám đốc Nhà máy sữa thanh trùng Củ Chi cho biết, hiện, nhà máy đã phát triển 7 đơn vị phân phối cấp 1 ở các tỉnh thành phía Nam, mỗi ngày đơn vị thu mua khoảng 26-27 tấn sữa bò từ các thành viên hợp tác xã, sau đó lại bán các sản phẩm sữa cho các cơ sở phân phối. Tất cả đều thanh toán bằng tiền mặt nên khá bất lợi.
“Chúng tôi bắt đầu ký hợp đồng với hệ thống siêu thị Saigon Co.op để bán sản phẩm tại 36 siêu thị của họ. Do vậy việc hợp tác với ngân hàng để phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt là rất cần thiết và tiện lợi” - ông Thêm nói.

Hai bên cùng có lợi

Hiện nay, việc nhận tài sản trên đất nông nghiệp như nhà kính hay tài sản trên đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản nên việc giải quyết cho vay cũng rất khó. Chính vì vậy, khi các dự án nông nghiệp xây dựng theo mô hình khép kín đi vào hoạt động thì cơ hội để các NHTM hợp tác với DN thực hiện bao tiêu sản phẩm và cho vay tín chấp dựa trên quản lý dòng tiền sẽ càng thuận lợi hơn. Đó cũng sẽ là cơ sở để thúc đẩy các NHTM giải ngân các gói tín dụng ưu đãi dành cho lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Củ Chi, cho biết: “Với các dự án nông nghiệp khép kín trên địa bàn, để hỗ trợ dự án tiếp cận nguồn vốn, chúng tôi cố gắng nới lỏng các điều kiện tài sản đảm bảo, hoặc vẫn cho vay không có tài sản đảm bảo khi dự án có biện pháp quản lý dòng tiền tốt... Quan trọng hơn hết, bản thân các dự án và các DN cũng cần cung cấp thông tin cụ thể, cởi mở với ngân hàng về phương án kinh doanh, về tiềm năng dòng tiền thu về để chúng tôi mạnh dạn đồng hành”.

Nhờ cho vay theo dòng tiền, nông dân được tiếp cận vốn dễ dàng. Trần Đáng
Nhờ cho vay theo dòng tiền, nông dân được tiếp cận vốn dễ dàng. Trần Đáng

Ông Trần Đình Cường, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho rằng, để tiếp cận được nguồn vốn vay của các ngân hàng, các DN nông nghiệp cần phải minh bạch sổ sách thu chi; đảm bảo các khâu từ mua vật liệu, trả lương, hợp đồng kinh doanh tiêu thụ… được giao dịch qua ngân hàng.

“Hiện nay, cơ chế cũng đã cho phép các NHTM thực hiện hoạt động cho vay tín chấp dựa theo phương án kinh doanh. Các doanh nghiệp có phương án tốt, có nguồn thu thường xuyên thì các ngân hàng được phép cho vay tín chấp lên tới 70-80% tổng mức đầu tư dự án. Tuy nhiên, điều quan trọng là các doanh nghiệp và các NHTM phải có sự kết nối, gắn bó, chia sẻ với nhau. Phía DN cần cung cấp thông tin cụ thể, cởi mở với NH về phương án kinh doanh, về tiềm năng dòng tiền thu về của mình. Đặc biệt, nếu DN cần vốn dài hạn để đầu tư, mở rộng quy mô, phát triển sản phẩm mới thì phải “thành thật” với các ngân hàng để cùng nhau hợp tác chứ nếu DN vay ngắn hạn rồi lại dùng vốn để đầu tư thì rủi ro tiềm ẩn sẽ rất lớn” - ông Cường chia sẻ.

Quốc Hải