“Chịu đau” để người dân, doanh nghiệp lớn mạnh

Ngọc Lương Thứ hai, ngày 08/02/2021 06:08 AM (GMT+7)
Cải cách thể chế mạnh mẽ, cắt bỏ rào cản, hướng tới Chính phủ kiến tạo, phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp… là dấu ấn đậm nét của Chính phủ nhiệm kỳ này. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng đã hé mở thêm những câu chuyện về hành trình này.
Bình luận 0

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trong 3 điểm nghẽn mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII nêu ra có vấn đề liên quan đến thể chế. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng Chính phủ đã nêu thông điệp quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động để phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN) và chú trọng xây dựng, hoàn thiện thể chế.

Trong nhiệm kỳ này, Chính phủ đã quyết liệt như thế nào để tạo đột phá trong cải cách thể chế, thưa Bộ trưởng?

- 5 năm qua, Chính phủ đã trình 78 dự án luật, pháp lệnh và được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 59 dự án. 744 nghị định của Chính phủ và 235 quyết định của Thủ tướng được ban hành. Tôi cho rằng Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã tạo đột phá rất quan trọng về hoàn thiện thể chế, pháp luật.

Cải cách thủ tục hành chính cũng như tinh gọn bộ máy, biên chế cũng thực hiện rất quyết liệt. Bước vào nhiệm kỳ, chúng ta vẫn nghe câu chuyện sản xuất một cái kẹo socola phải có 13 giấy phép, một mặt hàng chịu sự kiểm soát của 3 - 4 bộ, hoặc nhiều đơn vị trong một bộ. Từ câu chuyện đó cho thấy còn có rào cản rất lớn, nên Chính phủ xác định điểm đột phá đi sâu vào cải cách hành chính.

Tatnien/ “Chịu đau” để người dân,   doanh nghiệp lớn mạnh - Ảnh 1.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPPC Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra hạ tầng công nghệ thông tin tại Trung tâm hành chính công tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Gia Huy

img

"Để một nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, chúng tôi cho rằng phải làm sao tiếp cận được những dịch vụ đặc biệt về tiền tệ, tài chính, ngân hàng. DN sinh ra nhiều nhưng đi "bệnh viện" cũng nhiều, DN "ốm đau" và "tử vong" cũng nhiều đó là điều không ổn".

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng

Tính đến hết năm 2020, chúng ta đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.893 điều kiện kinh doanh (đạt 63%) và 6.776 danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành (đạt 68%)… Từ đó đã tiết kiệm thời gian cho DN và người dân trong thực hiện thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch hơn, tạo sân chơi và môi trường lành mạnh để nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đầu tư nhiều hơn. Qua đó, làn sóng đầu tư, tỷ lệ DN mở rộng đầu tư kinh doanh tăng lên giúp ta có tăng trưởng tốt.

Để thực hiện cải cách, điều quan trọng là người có trọng trách phải dám vứt bỏ quyền lợi cá nhân. Đến nay, những người có trọng trách trong bộ máy hành chính đã dám vứt bỏ quyền lợi để toàn tâm toàn ý cho nhiệm vụ chung này chưa?

- Khi cắt bỏ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính hay quyết tâm sử dụng hồ sơ điện tử thay hồ sơ giấy, tôi vẫn nói sẽ gặp rất nhiều rào cản vì liên quan đến quyền lợi cát cứ, thực chất đó là lợi ích nhóm. Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ đã đặt quyết tâm phải làm minh bạch, cắt bỏ lợi ích nhóm để hướng tới lợi ích chung.

Khi dịch vụ công được "điện tử hoá", người dân chỉ cần 1 tài khoản duy nhất, đăng nhập vào để thực hiện thủ tục thay vì phải đến cơ quan nhà nước, tiếp cận với cán bộ trong giải quyết thủ tục. Như vậy, vừa giảm được thời gian, chi phí chính thức và phi chính thức, vừa tạo được sự minh bạch, hạn chế và cắt bỏ quyền lợi không chính đáng, tham nhũng vặt, tiêu cực…

Và VPCP cũng không phải là đơn vị ngoại lệ?

- VPCP là cơ quan gương mẫu làm việc này. Từ tháng 6/2018, VPCP đã thực hiện phi giấy giờ. Toàn bộ hồ sơ của VPCP được điện tử hóa, nhận văn bản điện tử từ các bộ, ngành, địa phương và xử lý trong phạm vi nội bộ VPCP, phát hành văn bản ra cũng được điện tử hoá, chữ ký số. Thay vì người dân, DN phải đến cơ quan để xin văn bản, nay không còn việc đó nữa.

Tôi khẳng định vừa qua đã làm được việc như vậy, có nghĩa là đã dám vứt bỏ quyền lợi, bãi bỏ sự cát cứ. Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan Nhà nước… chịu sự giám sát của DN, người dân, của cơ quan báo chí; và cũng phải chịu trách nhiệm giải trình trước cơ quan chức năng, DN, người dân nếu như họ yêu cầu.

Tatnien/ “Chịu đau” để người dân,   doanh nghiệp lớn mạnh - Ảnh 4.

Dịch vụ cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ qua mạng cho phép người dân điền và gửi qua mạng các mẫu văn bản đến UBND quận, huyện. Ảnh: Quang Vinh

Năm 2021, Chính phủ sẽ có mục tiêu và hành động cụ thể như thế nào để tiếp tục đổi mới, thưa Bộ trưởng?

- Năm 2021 là năm đầu của kế hoạch 5 năm, đồng thời là năm đầu của chiến lược 10 năm, năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đây là năm rất quan trọng. Những kết quả, thành tựu của nhiệm kỳ 2016-2020 cũng như kết quả của năm 2020, chúng tôi cho rằng phải tiếp tục phát huy trong năm 2021. Những vấn đề gì tồn tại trong nhiệm kỳ, trong năm 2020 sẽ tiếp tục được khắc phục, đặc biệt là luôn luôn quan tâm đến vấn đề hoàn thiện và xây dựng thể chế, cơ chế chính sách thực thi trong cuộc sống.

Đồng thời chúng ta phải tiếp tục tạo ra những đột phá rất mạnh, nhất là liên quan đến đầu tư hạ tầng trên cơ sở huy động các nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước đầu tư công, huy động các nguồn lực xã hội tham gia.

Xin cảm ơn Bộ trưởng! 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem