Chiến tranh Triều Tiên là do dịch nhầm tuyên bố?

Chủ nhật, ngày 31/03/2013 15:07 PM (GMT+7)
Dân Việt - Cuộc chiến mà Triều Tiên tuyên bố với Hàn Quốc là hậu quả của việc các hãng truyền thông phương Tây đã dịch nhầm.
Bình luận 0

Văn bản gốc của tuyên bố từ Bình Nhưỡng nói rằng, nước này sẽ hành động phù hợp với luật thời chiến trong trường hợp các động thái khiêu khích thù địch.

Theo hãng tin RIA của Nga, phản ứng bình tĩnh của Seoul chính là bằng chứng cho thấy thực tế chiến tranh không được công bố. Hàn Quốc thậm chí không coi phát ngôn của Triều Tiên là mối đe dọa mới, mà chỉ cho rằng đó là một trong những động thái khiêu khích hiếu chiến tiếp theo của Bình Nhưỡng. Và không chỉ có chính quyền Seoul, mà người dân nước này cũng bình thản trước tuyên bố được đăng tải dồn dập trên các hãng truyền thông.

Ngày 30.3, hầu như tất cả các tờ báo trên thế giới đều dẫn lại thông tin được Hãng thông tấn nhà nước KCNA của CHDCND Triều Tiên tuyên bố nước này đang trong “tình trạng chiến tranh” với Hàn Quốc, và tất cả những vấn đề giữa hai nước sẽ được xử lý theo giao thức thời chiến. Một số nguồn tin còn trích dẫn tuyên bố của CHDCND Triều Tiên rằng: “Tình trạng không chiến tranh, cũng không hòa bình trên bán đảo Triều Tiên đã kết thúc”.

img
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thảo luận với tướng lĩnh trong một bức ảnh được KCNA công bố.

Tuy nhiên, vào cuối ngày 30.3, hãng tin RIA  của Nga đã đưa ra một nhận định khác, theo đó tuyên bố chiến tranh của CHDCND Triều Tiên có thể bị dịch nhầm. Theo RIA Novosti, tuyên bố gốc ban đầu của CHDCND Triều Tiên có thể là: “CHDCND Triều Tiên sẽ hành xử theo quy tắc chiến tranh nếu như bị chiến tranh, và kể từ lúc đó, hai miền Nam - Bắc Triều Tiên sẽ bước vào tình trạng chiến tranh”. Và những nhận định của hãng tin RIA đang được cho là có cơ sở hơn cả, bởi tình hình trên bán đảo liên Triều đang rơi vào vùng nguy hiểm, nhưng thực tế vẫn chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ đã phát động chiến tranh.

Trong khi đó, chuyên gia Joel Wit thuộc Đại học Johns Hopkins cho rằng Triều Tiên là một quốc gia rất nhỏ bé, song lại phải đối phó với rất nhiều quốc gia lớn mạnh. Họ không thể để lộ ra nhược điểm của mình, do đó đối với họ, tích cực tấn công chính là phòng thủ tốt nhất. Và liên tiếp đưa ra những lời đe dọa, được coi là chiến thật tấn công tâm lý mà Bình Nhưỡng đang sử dụng.

Không ít chuyên gia vẫn nhận định rằng hiện chưa có dấu hiệu cho thấy Triều Tiên sẽ phát động chiến tranh, việc Bình Nhưỡng gần đây liên tiếp gây hấn ngày một leo thang thực chất chỉ là nhằm đối nội, không phải nhằm đối ngoại. Tuy nhiên, có ý kiến cảnh báo rằng mặc dù Triều Tiên không thực sự muốn khai chiến, song không loại trừ khả năng sẽ xảy ra tình trạng đụng độ, nổ súng, tình hình sẽ thêm phức tạp.

Trong khi đó, một thực tế không thể phủ nhận rằng, Triều Tiên và Trung Quốc vẫn là quan hệ đồng minh, nếu thực sự muốn phát động chiến tranh, Bình Nhưỡng phải sớm thông báo cho Bắc Kinh. Tuy nhiên, đến nay Bắc Kinh vẫn chưa đưa ra thông tin cảnh báo nào về khả năng Triều Tiên sẽ phát động chiến tranh. Ngoài ra, Triều Tiên vẫn chưa mạnh tay hủy bỏ giao lưu hay lễ tiết ngoại giao với các nước khác, rất nhiều dấu hiệu đều phản ánh rằng trong khoảng thời gian trước mắt Triều Tiên sẽ không khai chiến.

Giáo sư Sung-Youn Lee thuộc Đại học Tufts cho biết tình hình hiện nay vẫn có khả năng nhận định sai, song rõ ràng Kim Jong Un đang đi theo kịch bản của ông nội và người cha quá cố. Triều Tiên rất giỏi về chiến tranh tâm lý, trước tiên khơi lên căng thẳng, tạo sức ép với Mỹ và Hàn Quốc, sau đó để cho căng thẳng hạ nhiệt để lại có được viện trợ và nhượng bộ từ đối phương.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem