Chi 18 tỷ biến phân gà thành phân bón, nhưng "tắc" vì quy định nhiêu khê

Thuận Hải Thứ sáu, ngày 22/06/2018 15:30 PM (GMT+7)
Các quy định về việc sản xuất, kinh doanh phân bón phải xây dựng nhà máy, nhà kho, hệ thống đóng gói, may bao bì… đang làm khó các trại chăn nuôi khi muốn xử lý phế thải sau chăn nuôi thành sản phẩm phân vi sinh, cải thiện giá thành sản xuất.
Bình luận 0

Ông Lâm Thanh Đức, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Chăn nuôi Thanh Đức (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai), đầu tư trang trại chăn nuôi gà với quy mô thuộc hàng lớn nhất khu vực miền Nam hiện nay.

Sản phẩm chính từ hoạt động chăn nuôi của Công ty Thanh Đức là trứng gà sạch thương phẩm, cung cấp hơn 160.000 quả trứng sạch ra thị trường mỗi ngày. Bên cạnh đó, để xử lý chất thải sau chăn nuôi, tạo ra thành phẩm là phân gà vi sinh hữu cơ, Thanh Đức đã chủ động tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm xử lý chất thải sau chăn nuôi tại Nhật Bản.

img

Trại gà Thanh Đức đầu tư hơn 18 tỷ đồng để xử lý chất thải sau chăn nuôi thành phân bón, tạo môi trường thông thoáng, sạch, an toàn.

Nhận thấy được hiệu quả của công nghệ này, năm 2016, Thanh Đức đã đầu tư nhập khẩu và đưa vào vận hành 2 máy xử lý phân bón công suất hoạt động sinh lý gần 30 tấn phân tươi mỗi ngày của Công ty Chubu Ecotech (Nhật Bản), trị giá hơn 18 tỷ đồng. Quá trình xử lý chất thải sau chăn nuôi bằng công nghệ Nhật Bản, môi trường chăn nuôi được xử lý triệt để, khu vực chăn nuôi sạch sẽ, không tồn đọng nước bẩn, không có mùi hôi, không gây ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm nguồn không khí…

Bên cạnh đó, sản phẩm phân bón hữu cơ thu được giá trị dinh dưỡng cao, cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cây trồng, đồng thời bảo vệ và cải tạo đất, là nguồn phân bón chất lượng cao phù hợp với tiêu chí mới của nền nông nghiệp đang chuyển đổi sang xu hướng xanh, sạch, bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, trong quá trình xin cấp phép lưu hành phân hữu cơ thì Thanh Đức gặp phải khó khăn là phải có đầy đủ nhà kho, hệ thống máy móc sàng lọc, cân, đóng gói và máy may bao bì, các tiêu chuẩn đánh giá ISO… thì mới đủ điều kiện cần cho việc xin cấp hợp quy giấy phép sản xuất phân bón. Đây là trở ngại cho Thanh Đức khi mục tiêu đầu tiên là cải thiện và xử lý tốt môi trường chăn nuôi,  tận dụng phế thải sau chăn nuôi chứ không phải mục đích chính là việc thành lập cơ sở để sản xuất kinh doanh phân bón.

Ông Đức cho rằng, việc đầu tư hệ thống máy móc, nhà kho... nói trên chỉ nên áp dụng riêng cho các công ty sản xuất và kinh doanh phân bón, nếu áp dụng quy định này với các cơ sở là nhà chăn nuôi xử lý chất thải sau chăn nuôi là chưa phù hợp.

“Việc đầu tư nhà kho, máy móc làm tăng thêm giá trị đầu tư cũng như tăng giá thành, giảm tính cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi và phân bón. Trong khi, kết quả phân tích sản phẩm phân bón của Thanh Đức đều đã đạt các yêu cầu về chất lượng. Hơn nữa, hiện công ty chỉ cung ứng sản phẩm phân bón này vào chuỗi liên kết sản xuất cánh đồng mẫu lớn mà Thanh Đức sắp triển khai trong thời gian tới”, ông Đức cho biết.

img

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam (bên trái) thăm trại gà Thanh Đức, tuy nhiên, vấn đề vẫn chưa được giải quyết. 

Do vậy, ông Đức cho rằng, nên giảm bớt các khâu thủ tục áp dụng riêng cho các nhà máy, công ty trong lĩnh vực phân bón khi áp dụng đối với các trại chăn nuôi có xử lý chất thải sau chăn nuôi thành sản phẩm phân vi sinh hữu cơ. Một khi sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng phục vụ sản xuất thì chỉ cần đưa ra được các chỉ tiêu công bố chất lượng và chịu trách nhiệm trước việc công bố chất lượng, đóng gói để lưu hành sản phẩm trên thị trường.

“Chất thải trong chăn nuôi là vấn đề lớn của vùng chăn nuôi Đồng Nai hiện nay nói chung và cả ngành chăn nuôi trong nước nói riêng. Nếu xử lý được vấn đề này, vừa tạo ra môi trường chăn nuôi an toàn mà còn nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh cho trang trại”, ông Đức nhận định.

Dù phía Thanh Đức nhiều lần có ý kiến, nêu kiến nghị lên UBND tỉnh Đồng Nai và các sở - ngành liên quan, ông Trần Bình Minh, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai, cho rằng, Nghị định 108/2017/NĐ-CP về phân bón quy định, phân bón là sản phẩm hàng hóa số 2, kinh doanh có điều kiện được Cục BVTV  công nhận lưu hành tại Việt Nam.

Do đó, trại gà Thanh Đức phải đảm bảo các yêu cầu về sản phẩm hàng hóa kinh doanh có điều kiện và liên hệ Cục BVTV để được thực hiện việc công nhận lưu hành sản phẩm phân bón, dù là phân bón sản xuất từ phế phẩm sau chăn nuôi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem