Chăn nuôi tuần hoàn, sạch môi trường, gà, lợn khỏe

Hà Hoàng Thứ hai, ngày 22/11/2021 19:00 PM (GMT+7)
Chăn nuôi theo hướng khép kín, tận dụng tốt các phụ phẩm trong chăn nuôi là một trong nhiều giải pháp các chuyên gia đưa ra để phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi.
Bình luận 0

Chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm đa số

Tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề: "Giải pháp phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi" do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Sở NNPTNT tỉnh Hòa Bình tổ chức mới đây, nhiều đại biểu cho rằng, nông nghiệp tuần hoàn nói chung và chăn nuôi tuần hoàn nói riêng là hoạt động sản xuất không chất thải, không phế phẩm; ứng dụng kỹ thuật truyền thống và những tiến bộ kỹ thuật để xử lý phụ phẩm, chất thải trong quá trình sản xuất thành giá trị hữu ích, tái sử dụng trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ và tái sinh môi trường. Đây là hướng đi bền vững trong định hướng phát triển chăn nuôi.

Hiện, cả nước có 10,082 triệu hộ chăn nuôi và 21.805 trang trại chăn nuôi. Trung bình mỗi năm, Việt Nam tạo ra khoảng 60,6 triệu tấn chất thải rắn động vật. 

Một số trang trại chăn nuôi lợn, bò thịt đã áp dụng mô hình chăn nuôi tuần hoàn từ sản xuất thức ăn, trang trại, thực phẩm và phân bón hữu cơ (gọi là hệ thống chăn nuôi tuần hoàn 4F) nhằm chăn nuôi bền vững ở cả góc độ kinh tế và môi trường.

Đa lợi ích từ chăn nuôi khép kín - Ảnh 1.

Mô hình nuôi gà của người dân huyện Lạc Thủy (Hòa Bình). Ảnh: H.H

Đa lợi ích từ chăn nuôi khép kín - Ảnh 2.

Những năm qua, ngành chăn nuôi của tỉnh Hòa Bình có sự chuyển biến tích cực, từ chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển sang chăn nuôi tập trung, quy mô trang trại, gia trại; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được hình thành và hoạt động hiệu quả. 

Song, ngành chăn nuôi của tỉnh còn chưa đảm bảo các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường... 

Ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi còn chậm, chưa đồng bộ. Sản xuất theo chuỗi quy mô còn nhỏ; năng lực ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao chưa nhiều; thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi không ổn định...

Khắc phục những hạn chế trên, tỉnh Hoà Bình đang hướng tới phát triển chăn nuôi theo hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, trong đó đẩy mạnh áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và kiểm soát môi trường trong chăn nuôi. 

Ông Đỗ Đức Trường - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình cho biết, trên địa bàn tỉnh có 3 trang trại nuôi bò tập trung của Công ty T&T 159, quy mô từ 500 - 7.000 con bò thịt và bò cái sinh sản; 71 trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô từ 3.000 - 40.000 con; 41 trang trại chăn nuôi lợn, quy mô 300 - 3.000 con.

Hiện các địa phương trong tỉnh đã tổ chức phát triển chăn nuôi theo đúng quy hoạch, phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp. Phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng.

Bên cạnh những thành công, lĩnh vực chăn nuôi tỉnh Hòa Bình còn nhiều hạn chế, bất cập như: Phần lớn quy mô chăn nuôi còn nhỏ lẻ; việc ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến chưa mạnh và chưa đồng bộ; chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh thấp, lòng tin của người tiêu dùng về an toàn thực phẩm chưa tốt. 

Người sản xuất không chỉ thiếu vốn đấu tư mà thiếu cả kiến thức kỹ thuật, thị trường và kỹ năng hợp tác, liên kết, nhiều cơ chế trong lĩnh vực chăn nuôi, nông nghiệp chưa đồng bộ và chưa sát thực tế nên tính khả thi thấp...

Khuyến khích chăn nuôi theo hướng khép kín

Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, đồng thời khai thác tốt các tiềm năng lợi thế và kinh nghiệm phát triển trong thời gian qua, tận dụng các thời cơ sắp tới để đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đạt hiệu quả cao, bền vững, ông Đỗ Đức Trường nhận định: "Chúng tôi luôn khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào các dự án chăn nuôi theo hướng trang trại khép kín, đảm bảo an toàn sinh học, vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Tổ chức, xây dựng, quản lý sản xuất chăn nuôi theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đã đề ra. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục mở rộng chăn nuôi lợn bản địa Đà Bắc, gà Lạc Thủy, dê Hòa Bình theo hướng tập trung, chăn nuôi hữu cơ".

Ông Bùi Văn Thành (xóm Đông Giang, xã Mông Hoá, TP.Hòa Bình) cho biết: Chăn nuôi tuần hoàn là điều rất mới mẻ và xa lạ với người dân chúng tôi. Bởi, từ trước đến nay gia đình tôi chủ yếu nuôi nhỏ lẻ, manh mún. Không nuôi theo kiểu khép kín, nên chi phí đội lên cao, năng suất và chất lượng vật nuôi không đảm bảo. Thời gian tới, tôi sẽ áp dụng chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, để giảm chi phí và nâng cao năng suất, mang lại thu nhập cao hơn cho gia đình.

Theo bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, mô hình chăn nuôi tuần hoàn kết hợp nguyên tắc của chăn nuôi truyền thống với công nghệ hiện đại trong kỹ thuật chăm sóc, quản lý trang trại, gắn với thị trường, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. 

Mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi hiện đại áp dụng các giải pháp công nghệ thông minh trong chăm sóc, chăn nuôi theo hướng nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn, giảm thiểu tối đa chất thải; góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem