dd/mm/yyyy

Chặn khe, đắp bờ, nông dân Tuần Giáo khấm khá nhờ nuôi cá

Thương hiệu cá hồi Tênh Phông đã được nhiều người biết đến. Đây là một trong những mô hình tiên phong về phát triển thuỷ sản của nông dân huyện Tuần Giáo (Điện Biên). Không chỉ có cá hồi, diện tích mặt nước đang được người dân tận dụng để nuôi thuỷ sản, nâng mức thu nhập cho người dân.

Chặn khe, xây bể nuôi cá đặc sản

Trên đỉnh Tênh Phông quanh năm ngút gió với sương mù, ẩn khuất dưới tán rừng là hàng trăm bể nuôi cá hồi, cá tầm của anh nông dân chân chất Tô Quang Sơn. Không ai nghĩ anh Sơn lại có thể làm được những điều phi thường, chặn khe, nuôi những loại cá có giá trị kinh tế cao mà chỉ những vùng xứ lạnh mới có. 

Anh Sơn chia sẻ với chúng tôi về những ngày đầu gian khó xây dựng trang trại cá hồi trên đỉnh Tênh Phông: Người dân Tuần Giáo ngày đấy bảo thằng đấy hâm rồi, đang làm xây dựng phát như thế lại quay sang nuôi cá. Vốn liếng đầu tư vào đấy vài năm có khi phá sản. Loại cá đấy chỉ được những người có tiền mới đầu tư nuôi, mà người ăn cũng phải có tiền mới dám mua. 

Gạt bỏ những lời đàm tiếu, với quyết tâm làm rồi sẽ thành công, chỉ sau 4 năm trang trại cá hồi, cá tầm của anh Sơn giờ đã có tiếng tại Điện Biên.

Chặn khe, đắp bờ, nông dân Tuần Giáo khấm khá nhờ nuôi cá - Ảnh 1.

Trang trại cá hồi, cá tầm của anh Sơn mỗi năm cho thu nhập hàng tỷ đồng. Từ mô hình nuôi cá hồi thành công, nhiều người dân ở Tuần Giáo đang tìm kiếm địa điểm để nuôi loại cá đặc sản này.

Chia sẻ với chúng tôi về quá trình tìm hiểu điều kiện để triển khai nuôi cá hồi, cá tầm (đặc biệt là cá hồi - loài thủy sản cần nhiều điều kiện để sinh trưởng) và đầu tư, anh Tô Quang Sơn cho biết: Là người đã sinh sống, làm việc trên địa bàn huyện Tuần Giáo đã nhiều năm, công việc cũng đòi hỏi phải đi lại nhiều, nên tôi khá thông thạo điều kiện tự nhiên, đặc thù sinh thái của các địa bàn trong huyện. Lên Tênh Phông nhiều lần, nhận thấy khí hậu nơi đây mát mẻ quanh năm, không khí trong lành, rừng được bảo vệ tốt, nhất là tại bản Ten Hon có một thác nước rất đẹp, nước trong. Tôi bắt đầu hình thành ý tưởng nuôi thủy sản nước lạnh giá trị cao, cụ thể là cá hồi.

Chặn khe, đắp bờ, nông dân Tuần Giáo khấm khá nhờ nuôi cá - Ảnh 2.

Hệ thống bể nuôi cá tầm, cá hồi của anh Sơn, nằm dưới khe núi, đảm bảo nguồn nước quanh năm dưới 17 độ, nhiệt độ thích hợp cho 2 loại cá này phát triển.

Sau một thời gian tìm hiểu về các điều kiện nuôi cá hồi, cá tầm tại huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai - nơi có khí hậu gần tương đồng với tiểu vùng khí hậu ở Tênh Phông, anh Sơn quyết định xin phép các sở, ngành, đơn vị liên quan, đồng thời thuê cán bộ chuyên môn khảo sát kỹ lưỡng địa chất, nguồn nước ở khu vực thác Ten Hon. Đầu tư bước đầu 2,5 tỷ đồng cải tạo khu vực chân thác, xây dựng bể nuôi; mua, thả nuôi 6.500 con cá hồi và 5.000 con cá tầm giống. 

Sau hơn 8 tháng chăm sóc, những mẻ cá hồi, cá tầm thương phẩm đầu tiên đã cho thu hoạch. Cá hồi thương phẩm nuôi tại Tênh Phông được anh Sơn bán với giá 300.000 đồng/kg; cá tầm 200.000 đồng/kg. Từ khi có cá hồi thương phẩm, anh Sơn mở Nhà hàng Cá hồi Tênh Phông tại thị trấn Tuần Giáo và thành phố Điện Biên Phủ nhằm phục vụ nhu cầu khách hàng. Theo đánh giá của một số khách, do nguồn cung tại chỗ, các món được chế biến từ cá hồi tươi nên chất lượng không thua kém so với thưởng thức cá hồi tại khu thác Bạc, huyện Sa Pa, lào Cai.

Đắp bờ, xây ruộng thành ao

Không có điều kiện để đầu tư, "làm ăn lớn" như anh Sơn là nuôi cá đặc sản, nhiều nông dân của huyện Tuần Giáo lại có hướng phát triển nuôi thuỷ sản theo hướng khác. Nhiều hộ có diện tích ao, ruộng canh tác không hiệu quả đã đắp bờ, xây ruộng thành ao, nuôi cá, cho thu nhập cao.

Là một trong những hộ chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang nuôi thủy sản, gia đình ông Lò Văn Thuận, bản Ngúa (xã Quài Tở) đã từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Chia sẻ với chúng tôi, ông Thuận cho biết: Nhận thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi cho việc phát triển nuôi thủy sản, năm 2013 từ số tiền tích góp và vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 30 triệu đồng tôi đầu tư đào ao, mua cá giống về thả... Ðể thủy sản phát triển tốt ngoài tích cực học hỏi và tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi còn chủ động đăng ký tham gia lớp tập huấn, dạy nghề nuôi cá nước ngọt do cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện và xã tổ chức. Ðến nay, gia đình tôi có hơn 5.000m2 ao nuôi cá (trắm, chép, trôi...) ít dịch bệnh, sinh trưởng và phát triển tốt. Sản lượng bình quân đạt 550kg cá thành phẩm, mang lại nguồn thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm.

Chặn khe, đắp bờ, nông dân Tuần Giáo khấm khá nhờ nuôi cá - Ảnh 3.

Ở những vùng không có điều kiện nuôi cá hồi, cá tầm thì bà con mở rộng diện tích ao, nuôi các loại cá như: Trắm, chép... phục vụ đời sống người dân.

Bà Phạm Thị Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo đánh giá: Phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương có hệ thống sông suối phong phú, nguồn nước ổn định, khí hậu phù hợp với điều kiện sinh sống của cá nước lạnh, huyện Tuần Giáo đã và đang khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp cho năng suất, sản lượng thấp sang phát triển nuôi thủy sản. Hiện nay, toàn huyện có gần 300ha nuôi thủy sản, sản lượng ước đạt 324,5 tấn/năm. Tích cực vận động hộ nuôi thủy sản chọn giống cá phù hợp khí hậu địa phương, như: Trắm, chép, mè, trôi...; cá nước lạnh: Tầm, hồi.

Để nuôi thuỷ sản đem lại hiệu quả kinh tế cao, người dân đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, phòng bệnh. Phòng Nông nghiệp huyện cũng hướng dẫn khuyến khích người dân tự đầu tư hoặc mạnh dạn vay vốn với lãi suất ưu đãi từ ngân hàng, chương trình hỗ trợ sản xuất của các tổ chức hội, đoàn thể đầu tư xây dựng bể nuôi, trang thiết bị, máy móc, đào, sửa chữa hệ thống ao, kênh dẫn nước để phát triển thành vùng sản xuất tập trung... Từ cách làm này, đã hình thành nhiều trang trại, HTX, doanh nghiệp, khu nuôi thủy sản tập trung quy mô lớn.

Thời gian tới, huyện Tuần Giáo xác định tiếp tục khai thác lợi thế tiềm năng mặt nước, phát triển nuôi thủy sản theo hướng bền vững, phấn đấu nâng sản lượng thủy sản lên 380 tấn. Ðể đạt được mục tiêu đề ra, huyện tiếp tục nâng cao công tác quản lý môi trường, thường xuyên lấy mẫu nước kiểm tra tại các khu nuôi tập trung; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ðồng thời, phân công cán bộ chủ động bám nắm địa bàn, hướng dẫn người nuôi chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh theo từng mùa, từng thời điểm; đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, nhất là các vùng đã có quy hoạch chi tiết. Tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh vật tư đầu vào và sử dụng kháng sinh, chế phẩm sinh học, thuốc, hóa chất trong nuôi thủy sản. Từ đó, đưa ngành thủy sản của huyện từng bước phát triển, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững của địa phương.

Vinh Duy