Cây khôi nhung-dược liệu quý hiếm có tác dụng gì mà dân ở đây bán 250 ngàn/kg lá khô?

Trần Quang Thứ hai, ngày 13/07/2020 10:51 AM (GMT+7)
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng gợi ý cần hỗ trợ các Chi hội nông dân nghề nghiệp như mô hình chi hội nuôi vịt bầu, trồng cây dược liệu (cây khôi nhung) ở huyện Trấn Yên (Yên Bái)
Bình luận 0
Chủ tịch Hội NDVN: Tiếp tục hỗ trợ nông dân tham gia Chị hội ND nghề nghiệp - Ảnh 1.

Đồng chí Thào Xuân Sùng thăm vùng trồng dược liệu của nông dân ở xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên (Yên Bái). Ảnh: Trần Quang

Tiềm năng lớn từ cây dược liệu

Vượt núi đến thăm mô hình trồng cây dược liệu của gia đình ông Hoàng Kim Oánh vào ngày mưa 11/7, đồng chí Thào Xuân Sùng rất vui mừng khi thấy bà con ở Việt Hồng (huyện Trấn Yên) đã biết cách khai thác, tận dụng lợi thế tự nhiên để phát triển cây dược liệu cho giá trị kinh tế cao.

Hộ ông Hoàng Kim Oánh và bà Nguyễn Thị Mây ở xã Việt Hồng (Trấn Yên) là một trong số 30 thành viên tham gia Chi hội Nông dân nghề nghiệp nuôi vịt bầu, trồng cây dược liệu gắn với phát triển du lịch truyền thống đầu tiên tại tỉnh Yên Bái

Hiện, các diện tích cây dược liệu của gia đình ông Oánh đã bắt đầu cho thu hoạch. Lá khôi là loại dược liệu quý dùng trong điều trị bệnh dạ dày và đau bụng, có giá trị kinh tế cao nên theo ước tính, trung bình mỗi năm, cây lá khôi cho thu hoạch từ 3 - 5 lứa, mỗi lượt thu hoạch khoảng 1 kg lá tươi/cây và lượng thu tăng theo các năm.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng đội mưa vượt núi vào rừng thăm mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng, cụ thể ở đây là trồng cây khôi nhung-1 cây dược liệu quý hiếm ở tỉnh Yên Bái.

Với giá bán dao động từ 200.000 - 250.000 đồng/kg lá khôi nhung phơi khô, đến khi cây trưởng thành, trung bình mỗi năm, gia đình ông Oánh và các thanh viên tham gia chị hội sẽ có thu nhập từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng/ha/năm và doanh thu sẽ tăng cao hơn qua các năm.

"Khi tham gia vào Chị hội nông dân nghề nghiệp chúng tôi đều được hưởng lợi nhiều. Ngoài việc được hỗ trợ 50% tiền mua cây giống ban đầu, chúng tôi còn được tham gia tập huấn kỹ thuật trồng cây lá khôi, được huyện và xã quan tâm tìm đầu ra cho sản phẩm và tới đây sẽ được huyện hỗ trợ đầu tư cho máy sấy lá khôi" - ông Oánh chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Phương Đông - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trấn Yên cho biết, việc thành lập Chị hội ND nghề nghiệp tại xã Việt Hồng là một trong những mô hình của Hội Nông dân tỉnh nhằm triển khai Dự án xây dựng Chi hội nông dân nghề nghiệp nuôi vịt bầu (vịt cổ xanh), trồng cây dược liệu gắn với du lịch truyền thống tại xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên giai đoạn 2020 - 2023 với tổng kinh phí trên 4 tỷ đồng; trong đó, vốn Trung ương hỗ trợ trên 3,2 tỷ đồng, vốn đối ứng trên 830 triệu đồng.

Theo bà Đông, việc thành lập Chi hội nông dân nghề nghiệp còn nhằm phát huy tiềm lực sẵn có, tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa hội viên với hội viên theo mô hình hoạt động ba loại hình chi Hội Nông dân - Hợp tác xã - Doanh nghiệp trong một Chi hội nông dân.

Qua đó, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới; thực hiện hiệu quả mô hình điểm sẽ nhân rộng, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội, khẳng định vị thế của tổ chức Hội tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Chia sẻ tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái khẳng định: Thời gian vừa qua, các cấp Hội ND tỉnh đã đóng góp tích cực vào việc cơ cấu lại ngành nông, lâm nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới của địa phương, chung tay cùng với cả hệ thống chính trị thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cũng mong muốn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục dành sự quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn để Hội Nông dân tỉnh Yên Bái ngày càng phát huy tốt vai trò nòng cốt của mình trong phong trào nông dân, phong trào xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững tại địa phương...

Chủ tịch Hội NDVN: Tiếp tục hỗ trợ nông dân tham gia Chị hội ND nghề nghiệp - Ảnh 3.

Người đứng đầu Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng hoa chúc mừng Chi hội ND nghề nghiệp nuôi vịt bầu, trồng cây dược liệu gắn với du lịch truyền thống ở xã Việt Hồng (Yên Bái). Ảnh: Trần Quang

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Khẳng định tầm quan trọng của Chị hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi vịt bầu, trồng cây dược liệu gắn với phát triển du lịch truyền thống tại xã Việt Hồng, đồng chí Thào Xuân Sùng cho rằng: "Sau khi thành lập, Chị hội nông dân này sẽ là "con chim" đầu đàn, 30 thành viên trong chi hội sẽ là 30 giáo viên có nhiệm vụ hướng dẫn, dẫn dắt các hội viên, các chi hội đi sau sản xuất nông nghiệp hàng hóa chuyên nghiệp và hoạt động hội hiệu quả, thành công hơn".

Để thu hút và gỡ khó cho nông dân khi tham gia vào Chi hội nông dân nghề nghiệp, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đề nghị các cấp Hội Nông dân tỉnh Yên Bái cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm.

Cụ thể, giải pháp thứ nhất là các cấp hội phải tiếp tục đổi mới mọi hoạt động của mình, trong đó, các cấp hội phải chủ trọng đổi mới nội dung hình thức tuyên truyền thu hút các hội viên nông dân tham gia và Chi hội nông dân nghề nghiệp.

Thứ hai là các cấp hội của tỉnh cần bám sát Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về đẩy mạnh xây dựng Chi hội nông dân nghề nghiệp, Tổ Hội nghề nghiệp để tiến hành tổ chức tập huấn cho các cán bộ hội về công tác xây dựng Chi hội nông dân nghề nghiệp sát thực tiễn và đúng hướng hơn.

Thứ 3 là từ việc thành lập Chi hội nông dân nghề nghiệp, các cấp hội cần tiến tới thành lập các HTX và thành lập doanh nghiệp để nông dân được hưởng lợi theo Luật HTX. Khi tuyển chọn các chủ nhiệm HTX, chúng ta cũng phải chọn người tài, người có kiến thức về sản xuất nông nghiệp thì mới đủ năng lực, kinh nghiệm để dẫn dắt các thành viên trong đơn vị mình đi đúng hướng và đạt hiệu quả kinh tế cao.

Thứ 4 là các cấp hội cần tăng cường liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp trong nước để hỗ trợ, giúp đỡ xây dựng Chi hội nông dân nghề nghiệp ở địa phương. Qua đó, giúp bà con tự tin sản xuất hàng hóa, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm hướng tới xuất khẩu.

Thứ 5 là các cấp hội tỉnh Yên Bái cần nghiên cứu đưa thêm cây sa nhân vào trồng dưới tán rừng. Đây là một loại cây dược liệu có nguồn gốc từ Lào và đang thích nghi, cho hiệu quả kinh tế cao tại các tỉnh Sơn La, Hà Giang, Điện Biên.

"Cùng với việc đưa cây sa nhân vào trồng dưới tán rừng, chúng ta phải xem xét giảm dần các diện tích trồng keo và thay thế dần bằng các loại cây gỗ nhóm 3,4 sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Đồng thời, các cấp hội cần tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn người dân chăn nuôi vịt cổ xanh ở dưới suối (dưới chân núi, đồi) kết hợp với mô hình du lịch sinh thái sẽ đem lại thu nhập cao và bền vững cho bà con", đồng chí Thào Xuân Sùng gợi ý.

Cần đa dạng dịch vụ để thu hút khách du lịch

Cùng ngày, đồng chí Thào Xuân Sùng đã đến thăm, dâng hương tại các khu di tích cách mạng trên địa bạn huyện Trấn Yên.

Gợi ý để thu hút thêm nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế đến thăm quan, nghỉ dưỡng tại khu du lịch sinh thái, đồng chí Thào Xuân Sùng yêu cầu các cấp chính quyền và các cơ quan có liên quan của tỉnh cần tiếp tục quan tâm, tôn tạo, nâng cấp các di tích lịch sử, di tích cách mạng tại các vùng của và đồng thời mở thêm các dịch vụ, tiện ích khác để giữ chân du khách ở lại hưởng thụ, thưởng thức văn hóa, ẩm thực của địa phương.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem