dd/mm/yyyy

Cày đất khó, chăn nuôi cừu, cần cù mà thành tỉ phú

Trong khi nhiều người đang chật vật lo cái ăn, ông Đạo Thanh Thích liều đi vay vốn mua máy cày. Cừu rẻ người khác bỏ nuôi ông mua thêm về vỗ béo… Thành quả là cơ ngơi với doanh thu tiền tỉ mỗi năm.

Ông Đạo Thanh Thích đầu tư chăn nuôi cừu.

Khởi nghiệp từ chiếc máy cày

Đón tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, ông Thích (thôn Phước Nhơn 1, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) kể: Sinh ra lớn lên ở xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải - một vùng đất được xem đầy gian khó, bởi thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai. Trong làng, nhiều bà con còn nghèo khó, chỉ lo đủ ăn mà chưa dám nghĩ tới chuyện làm giàu.

Ông Võ Thành Lâm – Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Hải cho biết: Mô hình của ông Thích đã tạo việc làm thường xuyên cho trên 10 lao động, với mức lương 4 triệu đồng/người/tháng.

Năm 1988, ông khởi nghiệp bằng cách vay vốn 15 triệu đồng của ngân hàng để mua lại chiếc máy cày cũ, rồi tiến hành đảm nhận làm đất cho nông dân trong làng. Nhờ chăm chỉ nên ông Thích trả được nợ cho ngân hàng và đã tích góp được ít vốn. Nắm bắt nhu cầu của người dân, ông tiếp tục “tậu” thêm chiếc máy cày thứ 2. Cả hai chiếc máy đồng loạt ra đồng, giúp ông kiếm được vốn kha khá. Ông mở rộng làm ăn, đầu tư mua đất ruộng và mua cừu, mua bò về nuôi.

Năm 2010, bước ngoặt khó khăn thực sự đến với gia đình của ông khi giá cừu liên tục xuống thấp, thậm chí có thời điểm giá tiền một con cừu chỉ ngang bằng một con gà. Một số cừu nuôi còn bị chết do ảnh hưởng của thiên tai. Nhiều hộ dân xung quanh phải bỏ nghề nuôi cừu và chuyển sang nghề khác để mưu sinh.

Bí quyết thu tiền tỉ

Ông Thích chọn cách làm khác người, không dừng lại số lượng cừu hiện có mà còn tiếp tục đầu tư mua thêm 60 con cừu với giá rẻ của các hộ xung quanh. Các con cừu mới mua về gầy yếu do thiếu nguồn thức ăn và do chăm sóc đầu tư không đúng kỹ thuật. Để giảm chi phí đầu tư trong chăn nuôi và tăng chất lượng đàn cừu của mình, hàng ngày ông dùng chiếc xe máy cũ kỹ đến tận các vườn táo, vườn nho nhặt lại những cành lá do người dân chặt bỏ để bổ sung thêm thức ăn cho đàn cừu.

Thành quả của ông đã được trả công xứng đáng, chỉ sau vài tháng nuôi giá cừu từ 40.000 đồng/kg tăng lên gấp đôi. Đợt ấy ông xuất trên 30 con thu về gần 40 triệu đồng. Từ đầu năm 2017 đến nay giá cừu luôn ổn định và hiện tại giá cao gấp 2,5 lần so với các năm trước. Bình quân mỗi tháng ông thu về 10 triệu đồng.

Ông Thích mở rộng chăn nuôi bò sinh sản.

Đến nay, gia đình ông đã có 6 cái máy cày trị giá 1,7 tỉ đồng vừa phục vụ sản xuất gia đình, vừa đảm nhận dịch vụ cơ giới nông nghiệp cho nông dân. Chưa dừng lại ở đó, ông đầu tư hệ thống thủy lợi dẫn nước dự trữ trong ao phục vụ tưới canh tác cho diện tích 9 ha lúa, mỗi năm 3 vụ. Diện tích còn lại ông trồng hoa màu và trồng cỏ bổ sung nguồn thức ăn cho 250 con cừu và 70 con bò.

Từ mô hình phát triển kinh tế, nuôi bò, cừu, sản xuất lúa, làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, mỗi năm ông Thích mang về 1 tỉ đồng, trừ chi phí lãi trên 800 triệu đồng. Dù đang sở hữu trong tay cơ ngơi bề thế với doanh thu tiền tỉ, thế nhưng cách ăn mặc giản dị, mộc mạc, mến khách và kèm với lời nói thật thà của ông chẳng khác gì một dân quê thứ thiệt.

 Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Thích còn tích cực vận động và trực tiếp hỗ trợ cho hàng chục học sinh, sinh viên hiếu học có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Mới đây, ông Thích đã được Ban chấp hành Trung ương Hội nông dân khen thưởng nông dân sản xuất kinh doanh giỏi lần thứ 5.
Công Tâm