Câu chuyện sinh tử của những chiến sĩ CSGT thương binh

Thành An Thứ bảy, ngày 27/07/2019 11:30 AM (GMT+7)
“Đó có lẽ là ngày mà tôi không bao giờ quên trong cuộc đời mình. Sau đó tôi phải nằm viện 6 tháng và trở lại công tác. Đến giờ, do ảnh hưởng của vết thương, mỗi khi “trái gió, trở trời” là tôi lại bị đau nhức chân tay, thi thoảng đau đầu. Mỗi năm cứ tới ngày 19/5 là tôi lại nhớ về kỷ niệm buồn của cuộc đời”, thượng tá Trịnh Khắc Lưỡng chia sẻ.
Bình luận 0

img

Cảnh sát giao thông, Công an TP. Hà Nội đang dừng một chiếc xe ô tô có dấu hiệu vi phạm giao thông trên phố Xã Đàn. (Ảnh: T.A)

Có thể nói, không chỉ trong thời chiến mới có thương binh, mà trong thời bình, rất nhiều người cũng gặp phải nhiều rủi ro nghề nghiệp khi đang thực hiện công vụ. Nhiều trường hợp cán bộ chiến sỹ Cảnh sát giao thông (CSGT) bị thương nặng, thậm chí trở thành liệt sỹ trong khi giải quyết công việc. Lý do một phần bởi chỉ vì phút không làm chủ được mình, những người vi phạm giao thông đã khiến các cán bộ chiến sỹ CSGT trở thành thương binh giữa đời thường.

Khoảnh khắc sinh - tử

Tiếp chúng tôi tại trụ sở làm việc, thượng tá, thương binh hạng A Trịnh Khắc Lưỡng (SN 1966, Đội CSGT số 2 – phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội) vẫn chưa hết ám ảnh thời điểm một chiếc ô tô lao thẳng vào người khiến anh bất tỉnh tại chỗ.

"Đó là ngày 19/5/2007", thượng tá Trịnh Khắc Lưỡng mở đầu câu chuyện. 

Ngày đó, thượng tá Trịnh Khắc Lưỡng được phân công thực hiện nhiệm vụ trên Quốc lộ 18, đoạn từ sân bay Nội Bài đi Bắc Ninh. Lúc 18h, vừa nhận nhiệm vụ anh phát hiện một chiếc xe ô tô đi ngược chiều. Nhận thấy trường hợp này tiếp tục di chuyển sẽ dễ dẫn tới tai nạn giao thông nên tổ công tác ra tín hiệu dừng xe.

“Một đồng chí đứng trước tôi ra tín hiệu dừng xe, còn tôi đứng cách đó 200m. Lúc này không hiểu sao lái xe đâm thẳng, hất tôi xuống vệ đường. Khi đó tôi ngã ra, bất tỉnh tại chỗ. Khi tỉnh lại thì thấy mình đã nằm trong bệnh viện rồi”, thượng tá Lưỡng nhớ lại.

img

Thượng tá Trịnh Khắc Lưỡng - Thương binh hạng A, Đội CSGT số 2, phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội. (Ảnh. T.A)

Đã 12 năm trôi qua nhưng với anh sự việc như chỉ mới như xảy ra. Thương tích do quá trình công tác anh cũng mang theo nó suốt đời. “Cú" va chạm khiến anh bị gãy chân trái, chấn thương đầu, hội đồng thương tật xác định anh bị thương tật vĩnh viễn 21%.

“Đó có lẽ là ngày mà tôi không bao giờ quên trong cuộc đời mình. Sau đó tôi phải nằm viện 6 tháng và trở lại công tác. Đến giờ, do ảnh hưởng của vết thương, mỗi khi “trái gió, trở trời” là tôi lại bị đau nhức chân tay, thi thoảng đau đầu. Mỗi năm cứ tới ngày 19/5 là tôi lại nhớ về kỷ niệm buồn của cuộc đời”, Thượng tá Lưỡng nói.

Cũng bị tai nạn khi đang làm nhiệm vụ, cho đến bây giờ, đại úy Đỗ Xuân Khoa (SN 1984 – Đội CSGT số 6 – Phòng CSGT, Công an TP.Hà Nội) vẫn không thể quên được khoảnh khắc khiến anh trở thành thương binh hạng A.

Đó là một buổi sáng tháng 3 của 11 năm về trước (2008), khi được phân công nhiệm vụ hướng dẫn, xử lý vi phạm người tham gia giao thông tại khu vực ngã 4 gần Văn Miếu Quốc Tử Giám (quận Đống Đa). 

Phát hiện một nam thanh niên đi xe wave vượt đèn đỏ, cảnh sát Khoa liền ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra giấy tờ. Nam thanh niên dừng xe. Tuy nhiên, khi Khoa yêu cầu nam thanh niên này dắt xe lên vỉa hè thì thanh niên này bất ngờ tăng ga lao thẳng vào người anh rồi bỏ chạy.

“Sự việc diễn ra rất nhanh chóng, khoảng cách giữa tôi và nam thanh niên lúc đó chỉ khoảng hơn 1m. Sau đó tôi bị ngã, đầu đập xuống đường và bất tỉnh tại chỗ, 1/3 xương đùi bên phải bị gãy. Quá trình khám thương tật, hội đồng thương tật kết luận tình trạng thương tật vĩnh viễn là 25%”, Khoa kể.

img

Sau khi bị tai nạn trong quá trình làm nhiệm vụ, Đại úy Đỗ Xuân Khoa hiện đang làm việc tại Tổ Hành chính - Đội CSGT số 6 – Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội. (Ảnh: T.A)

Thời điểm xảy ra sự việc, cảnh sát Khoa mới chỉ 24 tuổi, chưa “xây dựng gia đình”. Song, cuộc sống của mọi người trong gia đình người chiến sỹ trẻ bị đảo lộn vì lo lắng cho anh. 

Sau khi nằm bất động hơn một tháng, phải nhiều tháng sau đó Khoa mới hồi phục sức khỏe. Khi hồi phục lại, một chiến sỹ CSGT lành lặn đã không còn. Khoa không thể "xách" giày ra sân chơi bóng đá với bạn bè, đồng đội những lúc rảnh rỗi hay chơi các môn thể thao đối kháng và các trò chơi vận động mạnh như trước. Khoa cũng cũng không tham gia làm phân luồng, hướng dẫn, xử lý vi phạm của người tham gia giao thông như những người đồng đội khác. 

Hiện giờ đại úy Khoa nhận nhiệm vụ tại Tổ Hành chính của Đội CSGT số 6. Những ngày "trái gió, trở trời", đôi chân anh vẫn hay bị tê bì, đau nhức các xương khớp, thi thoảng có hiện tượng choáng váng đau ở đầu. 

“Với khoảng cách chỉ hơn 1 m, người ta lao vào mình đúng là không thể phản ứng kịp. Cũng may mới chỉ bị gãy chân", đại úy Đỗ Xuân Khoa nói và nhìn nhận: "Thông thường đối tượng vi phạm quay đầu bỏ chạy hoặc chạy vượt qua chứ rất ít khi có trường hợp dừng xe rồi dắt xe lên hè phố tăng ga bỏ chạy. Cho tới bây giờ các đồng đội đi làm cũng gặp rất hiếm trường hợp tương tự”.

Niềm vui đọng lại với nghề

Với 27 năm công tác làm CSGT, thượng tá Trịnh Khắc Lưỡng nhìn nhận: Thực tế quá trình công việc không ai có thể tránh được những rủi ro của nghề nghiệp.

Công việc ngoài đường rất "muôn hình, muôn vẻ". Có những trường hợp khi bị xử lý vi phạm thì họ cố tình chống đối; có những trường hợp chỉ vô tình nhưng do cuống quá không làm chủ được tình hình... Đó là rủi ro nghề nghiệp dù đã cẩn thận, tránh xảy ra những tai nạn nhưng đôi khi vẫn có thể gặp phải.

img

Cảnh sát giao thông Hà Nội làm nhiệm vụ điều tiết giao thông, hướng dẫn người tham gia giao thông những ngày nắng nóng ở Hà Nội. (Ảnh: T.A)

Cho rằng CSGT là một nghề vất vả, thượng tá Lưỡng tâm sự: Có những lúc anh em CSGT phải ra ngoài đường cả ngày trong thời tiết nắng nóng trên 40 độ để thực hiện nhiệm vụ; Những khi mưa, nắng, tắc đường, tai nạn đêm hôm cũng đều có hiện diện của CSGT…

“Đi làm cũng có nhiều điều rất vui. Nhiều khi đêm hôm có những người nhỡ xe, nhỡ tàu, chúng tôi lại giúp bắt xe gửi về các tỉnh. Có những trường hợp các cháu bé đi lạc đường chúng tôi báo và liên hệ với người thân đưa về. Khi họ được bình yên, được an toàn là lúc chúng tôi cũng thở phào nhẹ nhõm” – thượng tá Lưỡng nói về niềm hạnh phúc của mình.

Không chỉ có thượng tá Lưỡng, rất nhiều cán bộ chiến sỹ CSGT ngoài công việc chính của mình, các anh còn giúp đỡ, hỗ trợ người dân với nhiều hình thức khác nhau. 

Trong quá trình làm việc, đại úy Đỗ Xuân Khoa tìm được rất nhiều niềm vui. Đặc biệt là khi giúp đỡ, hỗ trợ được cho nhiều người, điển hình như việc tìm lại được đồ vật đã bị kẻ gian lấy cắp cho người dân.

img

Nữ cảnh sát giao thông Hà Nội đang dẫn một cụ già sang đường. (Ảnh MH: T.A)

“Có những chiếc xe đã bị lấy cắp 7-8 năm, nhưng khi nhận lại người bị mất vẫn cảm thấy rất vui và xúc động. Và đôi khi, chỉ một cánh thư cảm ơn của họ cũng làm chúng tôi thêm ấm lòng và trách nhiệm hơn với công việc”, đại úy Khoa chia sẻ.

Kết thúc câu chuyện, cũng như thượng tá Lưỡng, đại úy Khoa đều mong muốn lớn nhất là mỗi người dân khi tham gia giao thông cần nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông, đảm bảo an toàn và bình yên trên những chuyến đi.

Một điều các anh muốn nhắn nhủ đến đồng đội của mình rằng, khi xử lý vi phạm giao thông cần phải kìm chế nóng nảy, tránh xảy ra những sự việc không hay, đặc biệt phải rất chú ý trong thái độ, tác phong, chuẩn mực giao tiếp với người tham gia giao thông. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem