Cấp bách ứng phó sạt lở ĐBSCL: Cần giải pháp hiệu quả với suất đầu tư thấp

Ngọc Quyên - Chúc Ly Thứ hai, ngày 28/01/2019 08:57 AM (GMT+7)
“Giải pháp công trình chống sạt lở bền vững, tiêu sóng gây bồi nhanh nhưng có suất đầu tư thấp là mục tiêu mà tỉnh Cà Mau luôn hướng tới” - ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau thông tin.
Bình luận 0

Cần giải pháp thiết thực

Trước tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng sạt lở ở khu vực ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng, cướp đi nhiều đất sản xuất, nơi ở của người dân sống ven sông, ven biển. Để bảo vệ tài nguyên và cuộc sống của hàng trăm ngàn hộ dân, nhiều giải pháp đã được các địa phương thực hiện, trong đó các tỉnh luôn ưu tiên các giải pháp hiệu quả, chi phí thấp…

Với tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tình trạng sạt lở bờ biển từ Đông sang Tây ở Cà Mau đã ở mức báo động.

Theo ông Nguyễn Cảnh Hạnh - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, xã có bờ biển dài khoảng 8km. Thời gian qua, tình hình sạt lở diễn ra trên toàn tuyến. Sạt lở ven biển đã lấy đi đất vuông tôm của hơn 100 hộ dân, ảnh hưởng kinh tế của người dân. Bắt đầu từ năm 2014, tại một số điểm, rừng phòng hộ đã bị sóng cuốn trôi, uy hiếp chân đê.

“Hiện tại trên địa bàn còn 4 điểm sạt lở đặc biệt nghiêm trọng, sóng dữ thường xuyên uy hiếp chân đê và gây sạt lở bất cứ lúc nào. Có điểm đang được tiến hành đầu tư kè nhưng có điểm vẫn đang dùng biện pháp tạm thời chưa đảm bảo. Thời gian tới rất cần những giải pháp thiết thực, không chỉ hiệu quả mà còn phải rẻ để áp dụng trên diện rộng” - ông Cảnh nêu ý kiến.

Đây không chỉ là mong muốn của riêng xã Khánh Bình Tây mà còn là của nhiều địa phương có những điểm sạt lở nghiêm trọng ở Cà Mau.

Trên thực tế, Cà Mau đã rất nỗ lực trong việc ứng phó với sạt lở ven sông, ven biển. Đã có nhiều giải pháp công trình được thực hiện như: Kè bằng cây gỗ địa phương, kè bằng rọ đá, kè chữ T, kè cọc bê tông ly tâm đá hộc, kè bê tông cốt phi kim…

Trong các giải pháp trên, hệ thống kè cọc bê tông ly tâm thả đá hộc thực tế đã thể hiện tính hiệu quả. Giải pháp này giảm sóng tương đối tốt, ổn định; tốc độ gây bồi nhanh; nhưng công tác thi công cọc, dầm gằng, thả đá hộc phải thi công tại chỗ, quy trình thi công theo từng bước nối tiếp nên thời gian kéo dài, phụ thuộc vào thời tiết sóng biển êm, bê tông dễ bị xâm thực. Ngoài ra, công trình khó để di dời, tính linh động không cao.

img

Giải pháp kè bê tông ly tâm thả đá hộc đã phát huy hiệu quả tại Cà Mau. Ảnh: CTV.

Chính vì vậy, Cà Mau luôn đặt vấn đề nghiên cứu tìm kiếm các giải pháp và công nghệ mới có hiệu quả. Trước nhu cầu này, giải pháp đê trụ rỗng đã được đề xuất.

Giải pháp đê trụ rỗng

Công nghệ đê trụ rỗng có được là kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu mũi nhọn bảo vệ bờ sông, bờ biển của Viện Thủy Công do TS Trần Văn Thái chủ trì. Đê trụ rỗng là các cấu kiện có hình dạng nửa hình trụ rỗng đúc sẵn, trên mặt có các lỗ để tiêu sóng. Khi sóng lọt vào các lỗ rỗng có hướng tâm, nó bị xé ra pha trộn với không khí, bị nhiễu xã, triệt tiêu phần lớn năng lượng sóng. Các lỗ rỗng cho phép trao đổi phù sa và gây bồi rất nhanh.

Năm 2016, Viện Thủy công đã phối hợp với Công ty Cổ phần xây dựng công trình Hồng Lâm nghiên cứu triển khai thiết kế thi công thử nghiệm công nghệ đê trụ rỗng tại bờ biển Tây từ Vàm Đá Bạc đến Vàm Kinh Mới thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau). Đây là công trình đầu tiên thử nghiệm công nghệ đê trụ rỗng tại Việt Nam.

Qua 2 năm đưa vào sử dụng, với 3 cơn bão lớn đổ bộ vào vùng biển Tây Cà Mau, tuyến đê trụ rỗng vẫn ổn định chống chịu sóng gió, tiêu hao năng lượng sóng, phía trong đê đã gây bồi nâng bãi lên 1,2m, để cây mắm có thể bắt đầu tự mọc.

img

Lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau đi kiểm tra công trình thử nghiệm đê trụ rỗng tại Kênh Mới. Hiện công trình đã phát huy hiệu quả tiêu sóng, gây bồi và tạo bãi. Ảnh: CTV.

Từ công trình thử nghiệm tại Kênh Mới, nhóm nghiên cứu đã đánh giá, tổng kết và không ngừng cải tiến để hoàn thiện công nghệ. Trong mùa mưa bão 2018 vừa qua, do triều cường liên tục dâng cao, sóng biển uy hiếp đến những đoạn đê xung yếu, nguy cơ vở đê biển rất cao. Tỉnh Cà Mau đã ban bố lệnh khẩn cấp để bảo vệ đê biển, công nghệ đê trụ rỗng là một trong 3 giải pháp được lựa chọn áp dụng để bảo vệ những đoạn xung yếu.

img

Nhà máy Đúc Đê trụ rỗng, phục vu thi công Kè cấp bách tại vị trí Bắc Đá Bạc, bờ Biển Tây. Ảnh: CTV.

img

Công tác vận chuyển cấu kiện Đê trụ rỗng ra vị trí công trình để lắp đặt. Ảnh: CTV.

Sau khi cải tiến, đê trụ rỗng năm 2018 là loại ĐTR304F có chiều cao 304cm, rộng 450cm, có hai chân khay ngàm vào nền 50cm nên có thể bảo vệ bãi ở độ sâu đến -1.4m, độ ổn định cao hơn.

Đê trụ rỗng là giải pháp có khả năng tiêu giảm sóng cách bờ từ 100-200m vượt trội hơn cả; sau tuyến kè, phù sa bồi lắng thành bãi với tốc độ gây bồi nhanh, khả năng tái sinh rừng sau 2 năm lắp đặt và có thể di dời đê trụ rỗng sang vị trí khác khi đã tạo bãi, khôi phục được rừng. Ngoài ra, toàn bộ cấu kiện được sản xuất dây chuyền trong nhà máy, bê tông đạt M50; M60 Mpa với chất lượng cao, chủ động thi công trong mọi thời tiết.

img

Công trình kè cấp bách ứng dụng đê trụ rỗng bảo vệ tuyến đê biển Tây đoạn Đá Bạc – Sào Lưới.  Ảnh: CTV.

Trong một hội thảo về công trình đê trụ rỗng, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, “tìm giải pháp công trình chống sạt lở mang lại hiệu quả cao nhưng có suất đầu tư thấp là mục tiêu mà tỉnh Cà Mau luôn hướng tới”. Đối với công trình đê trụ rỗng, ông Sử đánh giá đã mang lại hiệu quả bước đầu khá ấn tượng khi vừa giảm được sóng tác động lên đê, có khả năng gây bồi giá thành lại khá rẻ.

Trước tình hình sạt lở ven biển diễn ra trên diện rộng trong thời gian vừa qua, nhiều đoạn sạt lở đến chân đê, tỉnh Cà Mau đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ vốn khắc phục, gồm: Kè chống sạt lở bờ biển Tây; kè chống sạt lở bờ biển Đông và dự án trồng cây gây rừng tại các cửa biển. Tổng mức đầu tư cho các dự án là 1500 tỷ đồng.

Từ nhiều nguồn vốn khác nhau, Cà Mau đã được quan tâm hỗ trợ nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Để khắc phục những điểm sạt lở cấp bách, trong điều kiện nguồn lực có hạn, Cà Mau đang rất cần sự hỗ trợ nguồn kinh phí từ Chính phủ và sự vào cuộc nghiên cứu, tìm giải pháp giữ đất của các nhà khoa học, các doanh nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem