Cảnh giác với mưa lũ cực đoan

Anh Thơ Thứ ba, ngày 21/07/2020 06:00 AM (GMT+7)
Tình hình lũ lụt nghiêm trọng chưa từng có ở Trung Quốc cho thấy chúng ta không thể chủ quan với những diễn biến bất thường của thời tiết. Theo dự báo của các chuyên gia khí tượng thủy văn, dù năm nay được đánh giá sẽ không thừa nước nhưng những trận mưa cực đoan, gây lũ lụt, sạt lở thì phải đề phòng bất cứ lúc nào.
Bình luận 0

Thiên tai ngày càng khó lường

Chia sẻ tại Hội nghị phòng chống thiên tai các tỉnh miền núi phía Bắc tổ chức tại Lào Cai mới đây, ông Nguyễn Văn Khánh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, thiên tai ngày càng diễn biến khó lường. Năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 15 đợt thiên tai làm 6 người chết, 5 người bị thương; 26 ngôi nhà bị sập đổ, trôi hoàn toàn; 2.185 ngôi nhà bị thiệt hại; 902,2ha sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại; 9.180 con gia súc, gia cầm bị chết; trên 114 công trình hạ tầng bị hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại ước tính 39 tỷ đồng.

Cảnh giác với mưa lũ cực đoan - Ảnh 1.

Quốc lộ 6 đoạn qua huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình bị ngập nặng sau một cơn mưa lớn. Ảnh: Lê Hiêu

Từ đầu năm 2020 đến nay, đã xảy ra 92 trận dông, lốc, mưa đá, mưa lớn, trong đó 8 đợt trên diện rộng; 2 trận lũ quét, sạt lở đất; 12 trận động đất.

Trong khi đó, chỉ từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện 8 đợt thiên tai do dông lốc, mưa đá khiến 1 người chết, 15 người bị thương; 15 ngôi nhà bị sập đổ, trôi hoàn toàn; 6.157 ngôi nhà bị tốc mái, ảnh hưởng; thiệt hại 1.163 ha sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp; 1.243 con gia súc, gia cầm; 38 công trình cơ sở hạ tầng bị tốc mái, hư hỏng... Ước tính thiệt hại khoảng 49 tỷ đồng.

"Thực tế cho thấy lũ quét, sạt lở đất có mức độ tàn phá hết sức tàn khốc gây hậu quả nghiêm trọng về tính mạng con người và thiệt hại công trình hạ tầng cơ sở, phá hủy ruộng đất canh tác, rừng và môi trường sinh thái. Đặc biệt, khi lũ quét xảy ra tại vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, kinh tế kém phát triển, đời sống khó khăn thì tính chất khốc liệt được nhân lên gấp bội' - ông Khánh nói.

Tại Bắc Kạn, lần đầu tiên trong lịch sử, mưa đá, giông lốc xảy ra ngay đêm giao thừa, mùng 1 Tết Nguyên đán năm 2020. Báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trận mưa đá, lốc với cường độ lớn, trên diện rộng (tại các huyện Ngân Sơn, Bạch Thông, Chợ Mới, Ba Bể) làm thiệt hại hơn 3.500 ngôi nhà, 136ha cây trồng. Điều đáng lo ngại là, từ tháng 3 đến nay trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn liên tục xảy ra 8 đợt lốc làm 4 người bị thương; hư hỏng, thiệt hại 5.847 ngôi nhà, 18 phòng học, 23 công trình công cộng, 945 ha cây trồng, 39.943m3 đất đá sạt lở… Ước tính thiệt hại khoảng 33.415 triệu đồng.

Tại Lào Cai, theo ông Đặng Xuân Phong – Chủ tịch UBND tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2020, Lào Cai xảy ra 19 đợt thiên tai làm 2 người chết, 8 người bị thương; 2.524 nhà ở bị hư hỏng và ảnh hưởng; 331ha lúa, mạ, hoa màu bị thiệt hại; 50 điểm trường và trụ sở cơ quan, nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở. Ước thiệt hại về kinh tế trên 120 tỷ đồng.

Lực lượng xung kích là nòng cốt

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, tình hình mưa lũ ở các tỉnh phía Bắc sẽ diễn biến phức tạp trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp.

Cụ thể, ngày 19/7/2020, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai có công văn yêu cầu các địa phương chủ động ứng phó với mưa lớn lũ quét sạt lở đất.

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ chiều tối và đêm 19/7, khu vực Tây Bắc và Việt Bắc có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-100mm/24 giờ, có nơi trên 150mm/24 giờ; đợt mưa này có khả năng kéo dài trong 2 - 3 ngày tới.

Từ ngày 20-22/7, trên khu vực thượng lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình và các sông suối khu vực Bắc Bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2m-4m; đỉnh lũ trên thượng lưu sông Thao, sông Chảy và các sông suối nhỏ có khả năng đạt mức BĐ.

Nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi khu vực Bắc Bộ, đặc biệt tại các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên.

Chính vì vậy, ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động các giải pháp phòng tránh lũ, lũ quét, sạt lở đất. Sẵn sàng các phương án để chủ động ứng phó khi có tình huống; bố trí lực lượng, vật tư phương tiện tại chỗ triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân đặc biệt là việc sơ tán di dời dân cư ở các khu vực có nguy cơ cao.

Ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho rằng, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm và thiên tai như là mưa to lũ, lũ quét, sạt lở đất, dông lốc kèm theo mưa đá, thời gian gần đây liên tục xảy ra theo chiều hướng gia tăng trong đó cường độ ngày càng cao tần suất ngày càng lớn và đặc biệt là yếu tố bất thường ngày càng trở nên khó dự báo.

Trong khi đó, năng lực chống chịu của cơ sở hạ tầng nhất là công trình giảm lũ, ngăn lũ trên sông suối của tỉnh Yên Bái nói riêng và các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung thì còn yếu và dễ bị tổn thương khi có thiên tai.

Để thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai, ông Khánh cho biết, Yên Bái sẽ thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ", khi xảy ra thiên tai thực hiện khẩn trương, quyết liệt các biện pháp khắc phục hậu quả theo thứ tự ưu tiên: Tìm kiếm cứu nạn, di dời người dân khỏi các khu vực nguy hiểm, thiết lập hệ thống cảnh báo các khu vực có nguy cơ cao tiếp tục lũ quét, sạt lở đất; bảo đảm an sinh xã hội, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, giữ vững an ninh trật tự tại các khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai; khôi phục sản xuất, hỗ trợ tái định cư, từng bước ổn định đời sống nhân dân; sửa chữa các công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông, thủy lợi, công trình dân dụng bị hư hỏng.

Trong khi đó, lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn cho biết, chủ trương của tỉnh là lấy lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã là lực lượng chủ chốt tại chỗ để thực hiện nhiệm vụ; đồng thời nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, từng bước nâng cao độ chính xác và kéo dài thời gian dự báo các hình thái thiên tai, đặc biệt là mưa đá, tố lốc. Cùng với đó, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai, năng lực, kỹ năng cho đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã.

Ông Trần Quang Hoài – Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NNPTNT):

Ngăn chặn khai thác khoáng sản, vớt củi...

Trong bối cảnh thiên tai, mưa lũ được dự báo diễn biến phức tạp trong thời gian tới, các địa phương khu vực miền núi phía Bắc cần tăng cường chỉ đạo kiểm tra, rà soát công tác đảm bảo an toàn khu dân cư ven sông, suối; thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt khi mưa lớn; khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất; các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản trong mùa mưa lũ.

img

Kiên quyết xử lý, ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tránh để xảy ra sạt lở, sập hầm cũng như việc người dân vớt củi trên sông, suối khi mưa lũ dẫn đến các sự cố đáng tiếc như đã xảy ra trong một số năm vừa qua.

Chỉ đạo triển khai ngay lực lượng xung kích cấp xã trong việc kiểm tra các công trình công cộng, nơi ở, các ao hồ, đập không an toàn; các khe suối bị tắc nghẽn; có giải pháp sơ tán dân, cắm biển cảnh báo, tuần tra canh gác, tháo dỡ vật cản trên các dòng chảy, tránh tình trạng tích thủy tạo lũ ống, lũ quét; bố trí kinh phí để thực hiện các hoạt động này.


Ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lào Cai:

Xây dựng đội xung kích phòng chống thiên tai

Bên cạnh những giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm ứng phó với thiên tai, tỉnh Lào Cai đã chủ động xây dựng đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã và thực hiện có hiệu quả phương châm "4 tại chỗ". Tỉnh đã huy động được lực lượng, phương tiện, trang bị, vật chất của các cấp, các ngành cùng tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn, thể hiện rõ vai trò nòng cốt của các đơn vị quân đội, công an trong ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

img

Lào Cai cũng xây dựng các phương án lâu dài bằng việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ các cấp và người dân; Đầu tư, ứng dụng và nâng cấp các hệ thống dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai.

Đến nay, toàn tỉnh có 47 trạm quan trắc, cảnh báo và dự báo thời tiết, thiên tai; Trong đó có 4 trạm Khí tượng, 5 trạm thủy văn, 3 hệ thống cảnh báo lũ , 33 trạm đo mưa tự động, 2 hệ thống cảnh báo cháy rừng.

K.N (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem