Cảnh giác với 6 chiêu thức lừa đảo siêu tinh vi dịp cuối năm

Thanh Thanh Chủ nhật, ngày 28/11/2021 08:38 AM (GMT+7)
Thời gian vừa qua, nhiều người mất tiền trong tài khoản ngân hàng khi rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo. Bởi vậy, người dùng phải thực sự cảnh giác với các chiêu thức lừa đảo đặc biệt là dịp cuối năm.
Bình luận 0

Lừa đảo qua thư điện tử (email)

Các đối tượng lừa đảo sẽ mạo danh thành cán bộ ngân hàng, công ty đối tác để gửi email đề nghị cung cấp một số thông tin cá nhân để đăng nhập lại tài khoản đã bị khóa như: tên đăng nhập, mật khẩu, số CCCD/CMND,… hoặc để nhận được một tiền thưởng lớn. Khi người dùng cung cấp thông tin thì tài khoản sẽ bị đánh cắp và các đối tượng lừa đảo sẽ chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.

Cảnh giác với 6 chiêu thức lừa đảo siêu tinh vi dịp cuối năm - Ảnh 1.

Cẩn trọng với các chiêu thức lừa đảo dịp cuối năm

Lừa đảo qua tin nhắn điện thoại

Đối tượng lừa đảo gửi tin nhắn đến người dùng trong có có chứa một link website giả mạo với nội dung như: thông báo nâng cấp hệ thống, thông báo trúng thưởng,…

Khi nhấp vào liên kết được gửi kèm, người dùng sẽ bị chuyển hướng đến một trang web giả mạo có giao diện tương tự như website chính thức của ngân hàng. Nếu nhẹ dạ và điền thông tin đăng nhập, tiền trong tài khoản của bạn sẽ nhanh chóng bị "bốc hơi".

Lừa đảo qua cuộc gọi điện thoại

Đây cũng là một hình thức lừa đảo phổ biến khiến nhiều người "nhẹ dạ cả tin" sập bẫy. Theo đó, các đối tượng sử dụng các dịch vụ có chức năng giả mạo đầu số điện thoại, giả mạo số điện thoại, mạo danh cán bộ của cơ quan chức năng trong các cơ quan thực thi pháp luật như: Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, hoặc cán bộ thu tiền điện, tiền nước gọi điện cho người dân để thực hiện hành vi lừa đảo, gây sức ép, đe dọa người tiêu dùng về việc có dính líu đến các vi phạm hình sự. Sau đó, các đối tượng này sẽ yêu cầu người dùng phải chuyển một khoản tiền lớn vào một tài khoản do các đối tượng này cung cấp.

Cảnh giác với 6 chiêu thức lừa đảo siêu tinh vi dịp cuối năm - Ảnh 2.

Cảnh giác với chiêu thức lừa đảo qua cuộc gọi điện thoại

Bên cạnh đó, một số đối tượng còn mạo danh cán bộ ngân hàng hoặc nhà mạng yêu cầu chuyển đổi sim 3G sang 4G để yêu cầu người dùng cung cấp thông tin cá nhân. Từ đó, đối tượng lừa đảo có thể thực hiện chuyển đổi toàn bộ tiền từ toàn khoản của người tiêu dùng sang tài khoản khác để chiếm đoạt.

Lừa đảo qua website giả mạo

Đối tượng lừa đảo yêu cầu người dùng truy cập các website giả mạo có giao diện gần giống với website ngân hàng hoặc cung cấp đường link iả mạo dịch vụ chuyển tiền quốc tế Western Union nhờ người tiêu dùng nhận hộ 1 món tiền hoặc nhận tiền cung cấp hàng hóa dịch vụ. Khi người tiêu dùng truy cập và nhập thông tin đăng nhập, mật khẩu Ebank và OTP kích hoạt dịch vụ (Mobile Banking hoặc Smart OTP) vào đường link giả mạo, đối tượng sẽ nắm được toàn bộ thông tin của người tiêu dùng và tự cài đặt Smart OTP để giao dịch chuyển tiền.

Hình thức giả mạo website ngân hàng sẽ khiến người dùng rất dễ bị mắc bẫy. Do đó, nhiều người sẽ không mảy may nghi ngờ và đăng nhập tài khoản, trở thành nạn nhân của kẻ gian.

Lừa đảo thông qua mạng xã hội

Đối tượng lừa đảo sẽ tạo một tài khoản Zalo, Facebook giả mạo với tên gọi và ảnh đại diện tương tự như tài khoản của bạn, sau đó kết bạn với người thân, bạn bè... của bạn. Đối tượng này sau đó đọc những tin nhắn cũ và bắt chước thói quen nhắn tin, xưng hô của người tiêu dùng để thực hiện hành vi lừa đảo, yêu cầu người thân, bạn bè của người tiêu dùng thực hiện các giao dịch tài chính.

Do tin tưởng vào thông tin, hình ảnh cá nhân và tài khoản trùng khớp nên có không ít người đã trở thành nạn nhân của kẻ gian. Khi bị phát hiện, kẻ gian sẽ ngay lập tức chặn, xóa hoặc đổi tên tài khoản.

Lừa đảo qua giao dịch thương mại điện tử

Đối tượng lừa đảo sẽ mở các trang cá nhân bán hàng online, order hàng, sau đó quảng cáo, rao bán các mặt hàng, yêu cầu người tiêu dùng chuyển khoản đặt cọc. Sau khi nhận được tiền đặt cọc, đối tượng này sẽ không giao hàng hoặc giao hàng giả, kém chất lượng rồi khóa trang mạng xã hội của mình để chiếm đoạt tài sản.

Trước những chiêu thức lừa đảo trên, người tiêu dùng nên cẩn trọng, tuân thủ chặt chẽ các biện pháp bảo mật thông tin cá nhân, cẩn trọng với bất kỳ hình thức yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân, mã OTP, tên tài khoản, mật khẩu.... Khi sử dụng ngân hàng điện tử không nên sử dụng các tính năng lưu mật khẩu để đăng nhập tự động; không nên sử dụng chung một mật khẩu để đăng nhập ngân hàng trực tuyến, thư điện tử, các mạng xã hội và các ứng dụng khác; Cài đặt xác thực hai lớp trong ứng dụng ngân hàng (có thể là SMS, token, soft token, xác thực sinh trắc học) để phòng trường hợp xấu bị lộ mật khẩu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem