Cần Thơ sẽ chi 30 tỉ đồng để diệt chuột: Nông dân bất ngờ vì được... tập huấn

Huỳnh Xây Thứ ba, ngày 16/03/2021 08:30 AM (GMT+7)
Về việc chi 30 tỉ đồng để diệt chuột của UBND TP.Cần Thơ, phóng viên Dân Việt đã có trao đổi với các hợp tác xã (HTX), nông dân trồng lúa và nhận được nhiều thông tin bất ngờ. Nhiều nông dân ngỡ ngàng hỏi: Sao phải tập huấn diệt chuột, chuột có mấy đâu mà diệt?
Bình luận 0

Không cần tập huấn, người dân không còn sợ chuột gây hại

Ngày 15/3, phóng viên Dân Việt đã liên hệ với ông Phan Thiện Khanh - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất lúa chất lượng cao ấp Định Khánh B, xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ để tìm hiểu về tình trạng chuột gây hại nơi đây.

Kế hoạch diệt chuột gần 30 tỷ ở Cần Thơ: Hết sức bất ngờ từ lời nói của người dân trồng lúa - Ảnh 1.

Cần Thơ có kế hoạch diệt chuột với tổng chi phí gần 30 tỷ đồng (Ảnh minh hoạ)

Theo đó, ông Khanh cho biết, đầu năm 2020, chuột gây hại lúa ở xã Định Môn nhiều, có hộ dân thiệt hại gần như hoàn toàn, không thu hoạch được lúa hoặc thu hoạch được rất ít. Ông Khanh cho biết, có hộ dân gieo sạ 3.000m2 nhưng chỉ thu hoạch được 2 bao lúa.

Sau đó, người dân trong xã Định Môn đã chủ động mua rập bẫy chuột cũng như áp dụng các giải pháp bảo vệ ruộng lúa khác. "Thời điểm này, các hộ dân mua rất nhiều rập bẫy chuột, có hộ có từ 50-70 rập bẫy chuột, hộ ít nhất cũng 30 rập bẫy chuột" - ông Khanh nói.

Vì vậy, đến cuối năm 2020, vụ lúa đông xuân này, tỉ lệ lúa bị thiệt hại rất thấp, không đáng kể, số lượng chuột trên đồng cũng còn rất ít. Hiện nay, người dân đã không còn sợ chuột phá hại lúa như trước và hầu như không bàn tới con chuột nữa.

Khi phóng viên hỏi, hiện nay người dân có cần phải được tập huấn diệt chuột không thì ông Khanh nói "không cần". Bởi, theo ông Khanh, người dân đã có ý thức rất cao và rất rành trong việc phòng, trị loại chuột gây hại cho lúa.

Chuột gây hại không nhiều, không đáng kể

Ông Đoàn Tuấn Về - Phó Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Thạnh Lộc ở xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ cho biết, đầu năm 2020, một số diện tích lúa của người dân trong HTX bị chuột gây hại khoảng 30%.

Sau đó, người dân đã chủ động phòng trừ nên hiện nay chuột gây hại trên lúa không còn nhiều. Vụ lúa Đông Xuân vừa qua chỉ bị thiệt hại ít ở trà lúa nhỏ, ước thiệt hại khoảng 5%.

Ông Về cho hay, thông thường, chuột gây hại cho các trà lúa rất nhanh. Do đó, ngoài phòng trừ các dụng cụ dẫn dụ, bắt, người dân địa phương còn dùng thuốc hoá học.

Khi phóng viên hỏi, cơ quan chức năng có nên mở lớp tập huấn phòng, trừ diệt chuột cho nông dân không, ông Về khẳng định là "nên làm" nhưng "phải hay, hiệu quả hơn cách người dân đang làm".

Ông Nguyễn Cao Khải - Giám đốc HTX Hiếu Bình ở ấp H2, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ cho biết, vụ lúa Hè Thu năm 2020 và vụ Đông Xuân 2020-2021 này, không xảy ra tình trạng chuột gây hại trên lúa trong HTX. Do đó, các xã viên không sử dụng thuốc hoá học diệt chuột (các loại thuốc sinh học).

Theo ông Khải, trong năm 2020, chỉ riêng vụ Thu Đông có chuột xuất hiện nhưng không nhiều, tức không đáng kể.

Còn ông Vương Đình Vũ - Giám đốc HTX My Hậu ở xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ thì cho biết, HTX của ông hiện có 30ha lúa trồng theo hướng hữu cơ. Thời gian qua, chuột ít gây hại nên HTX "không quan tâm đến vấn đề này".

Ông Vũ cho hay, thời gian qua, do chuột xuất hiện rất ít nên trong các cuộc họp của HTX My Hậu đều không bàn về chuột gây hại.

Như Dân Việt đã đưa tin, lãnh đạo UBND TP.Cần Thơ vừa ký kế hoạch phòng chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố.

Theo đó, tổng số tiền thực hiện kế hoạch diệt chuột trên là gần 30 tỷ đồng. Trong đó, hơn 22,5 tỷ đồng là vốn đề xuất ngân sách thành phố, số còn lại là vốn đối ứng của nông dân.

Kinh phí gần 30 tỷ đồng trên dùng vào việc tập huấn nông dân diệt chuột trong giai đoạn 5 năm (2021-2025). Đối với cây lúa, nông dân được tập huấn 1.500 cuộc, đối với cây ăn trái sẽ có 85 cuộc.

Đối với diện tích cây trồng có nguy cơ bị chuột gây hại, nông dân sẽ được hỗ trợ bẫy chuột với số lượng 22.500 bẫy chuột/năm. Trong 5 năm, sẽ hỗ trợ 112.500 chiếc bẫy chuột trên tổng diện tích 225.142 ha.

Ngoài bẫy chuột, thuốc hỗ trợ sinh học cũng được áp dụng để diệt chuột trên diện tích bị gây hại. Cụ thể, hỗ trợ 1.125 kg/năm, tổng số hỗ trợ 5 năm là 5.625 kg thuốc sinh học.

Bên cạnh đó, trong kế hoạch diệt chuột cũng cho biết, TP.Cần Thơ sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống chuột gây hại trên cây trồng trên các phương tiện thông tin đại chúng, in poster, tài liệu, đăng báo và tuyên truyền thông qua các hội nghị, hội thảo.

Hằng năm sẽ tổ chức hội nghị triển khai và tổng kết để đánh giá tình hình thực hiện và đề ra nhiệm vụ năm tiếp theo.

Mục tiêu của kế hoạch là quản lý được chuột gây hại ở Cần Thơ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do chuột gây ra trên các loại cây trồng, đảm bảo sản xuất thắng lợi.

Lãnh đạo UBND TP.Cần Thơ yêu cầu Sở NNPTNT chủ trì, phối hợp với Sở Tài Chính, Sở Thông tin và truyền thông, Hội Nông dân, UBND các quận, huyện thực hiện kế hoạch trên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem